Quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây
Một người lính Iran tại vùng eo biển Ormuz (Ảnh tư liệu). REUTERS/Fars News/Hamed Jafarnejad
Hồ sơ hạt nhân Iran mấy ngày qua đã trở thành chủ đề thời sự nóng hổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí Pháp.
Nhật báo Le Monde hôm nay tiếp tục phản ánh chủ đề này qua bài phân tích của ông François Géré, Viện trưởng Viện phân tích chiến lược Pháp. Bài viết chạy dòng tựa báo động : « Iran, kịch bản cho một cuộc chiến có thể xảy ra ».
Kể từ tháng 9/2011, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran ngày càng trầm trọng, trong đó sự kiện gây căng thẳng nhất gần đây là việc Iran đe dọa sẽ cho phong tỏa eo biển Ormuz nếu bị phương Tây cấm vận dầu hỏa. Đe dọa đó đối với Mỹ như một động thái gây chiến, bởi ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường vận chuyển khí đốt qua eo biển này. Tình hình ngày càng nghiêm trọng, đến mức mà người ta thấy rằng một cuộc chạm trán quân sự giữa hai bên không phải là không thể. Nếu chiến tranh xảy ra, lợi hại cho mỗi bên sẽ thế nào ? Tác giả có lời giải đáp khá tỉ mỉ. Trước tiên nói về cái lợi đối với Iran. Tình hình leo thang hay thậm chí chiến tranh sẽ là cơ hội để các phe đối lập trong nội bộ chóp bu chính phủ Iran tranh thủ khẳng định mình, trong viễn cảnh cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội năm 2013. Đó cũng sẽ là cơ hội để Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran được có dịp thể hiện mình. Bên cạnh đó, chính phủ Ahmadineijad cũng sẽ có thể khiến người dân tạm gác lại việc chính phủ điều hành kinh tế bất lực, để tập trung mọi chú ý về cuộc chiến. Cuối cùng, theo tác giả, một cuộc chạm trán quân sự trực tiếp sẽ giúp phá vỡ thế cô lập ngoại giao trong khu vực, vốn luôn lo ngại vũ khí hạt nhân và sự lớn mạnh của nhánh Hồi Giáo dòng Sunnit. Như vậy, đối với Iran, việc chọn vị thế là nước duy nhất dám thách thức siêu cường Hoa Kỳ bỗng nhiên trở nên có lợi. Về phía Mỹ, Tổng thống Obama đang chịu sức ép của đảng Cộng Hòa, thậm chí nhiều nghị sĩ Dân Chủ cũng mặn mà với việc bảo vệ đồng minh Israel. Bối cảnh đó thuận lợi cho chính quyền Obama thể hiện sự cứng rắn hơn, thay vì chỉ dùng lời nói. Từ đó, có thể trấn an được đồng minh trong khu vực và tạo thêm sự vững chắc cho chiến lược mà Mỹ đã theo đuổi từ hai năm nay - một chiến lược tập trung vào việc chuyển quân từ Irak và Afghanistan về phía bán đảo Ả Rập, vào chính sách phòng thủ tên lửa và vào mục tiêu hạn chế hạt nhân. Cuối cùng, căng thẳng giúp Mỹ có thể xoa dịu phe hiếu chiến trong chính phủ Israel. Bàn về nguy cơ, tác giả cho rằng, giá dầu hỏa sẽ cùng leo thang với chiến tranh. Kinh tế Hoa Kỳ đang thời buổi khó khăn, sẽ trở nên trầm trọng hơn, và các nước mới trỗi dậy cũng sẽ bị vạ lây.
Mỹ muốn cấm vận Iran sẽ còn phải vượt qua được sự phản đối quyết liệt của các nước bạn hàng dầu hỏa của Iran như Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ. Bên cạnh đó, căng thẳng sẽ khiến cho các chính phủ thuộc dòng Hồi giáo cực đoan vừa mới được bầu trong khu vực trở nên cực đoan hơn. Nguy cơ khủng bố sẽ tăng lên. Iran sẽ nhân chiến tranh mà rút khỏi hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Nguy cơ đối với Iran cũng không nhỏ. Nước này có thể rơi vào tình thế bi ai như Bắc Triều Tiên, một điều mà tác giả cho rằng Iran ngày đêm nghĩ tìm cách tránh. Hơn nữa, trong tương quan lực lượng, nếu chiến tranh xảy ra, Iran có thể bị thua, và đó sẽ là « mối nhục » của chính phủ nước này. Trong bối cảnh đó, hai giải pháp có thể chọn lựa cho cả hai bên. Một là tiếp tục cuộc đấu võ mồm, hai là triển khai quân lực có giới hạn trong mục tiêu phô trương sức mạnh. Theo tác giả, cách thứ hai có thể giúp thúc đẩy hai bên nối lại đàm phán mà không bị mất sĩ diện. Mỹ-Trung mâu thuẫn quyền lợi trên hồ sơ Iran
Cũng liên quan đến Iran, Le Figaro có bài chạy tựa khá dí dỏm : « Cấm vận : Không có chuyện Bắc Kinh tặng quà cho Washington ». Tờ báo cho biết, đến Bắc Kinh trong mục tiêu thuyết phục chính phủ Trung Quốc về các biện pháp cấm vận dầu hỏa đối với Iran, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, ông Geithner đã không thu được kết quả gì đáng kể, dù ông này tuyên bố đã có « sự hợp tác mạnh mẽ » giữa hai bên về vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc phát biểu rất dứt khoát trước báo giới về lập trường của Trung Quốc : « Iran là một đối tác cung ứng dầu hỏa lớn cho Trung Quốc, vì thế chúng tôi hy vọng sự nhập khẩu (dầu hỏa từ Iran) của Trung Quốc sẽ không bị phương hại, vì chúng tôi cần nó để phục vụ cho sự phát triển của chúng tôi ».
Le Figaro cho biết, ông này còn nói thêm rằng, các biện pháp trừng phạt đơn phương sẽ không mang lại kết quả mong muốn. Trong bối cảnh đó, phía Trung Quốc đã cho giảm lượng nhập khẩu dầu thô từ Iran. Tờ báo cho rằng, động thái này của Bắc Kinh nhằm mục đích gây sức ép buộc Teheran hạ giá dầu nhiều hơn nữa. Các nước Châu Á lo ngại về biện pháp cấm vận dầu hỏa đối với Iran Trên hồ sơ Iran, tại Châu Á, Mỹ không chỉ vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, mà có thể cả của những nước đồng minh thân cận như Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Les Echos phân tích vấn đề qua bài viết : « Các đại gia Châu Á lo ngại cho việc mua dầu hỏa của mình ». Các nước thuộc hàng đại gia ở Châu Á phản đối biện pháp cấm vận dầu hỏa vì lo ngại kinh tế quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tờ báo cho biết, giai đoạn chín tháng đầu năm 2011, Iran xuất khẩu 2,53 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, trong đó 60% xuất đến Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Riêng phần mình, Trung Quốc nhập từ Iran 550.000 thùng mỗi ngày, tức chiếm 22% tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Iran. Nhật Bản chiếm 13%, Ấn Độ 12% và Hàn Quốc 9%. Ngoài sự phản đối của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần này cũng buộc phải làm chuyện hiếm thấy, tức không làm theo ý của đồng minh Hoa Kỳ. Tokyo đã chẳng ngại thừa nhận sự lệ thuộc của nước này đối với vấn đề nhập khẩu dầu hỏa và khí đốt, nhất là trong thời kỳ hậu Fukushima.
Hôm qua, một cố vấn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố : «Chúng tôi lo ngại về việc giá dầu sẽ tăng lên, và nhất là việc thiếu dầu hỏa sẽ gây tác hại đến quá trình tái kiến thiết của chúng tôi ». Tờ báo cho biết, Ngoại trưởng Nhật Bản đã bắt đầu đi công du đến các nước vùng Vịnh, nhất là đến đệ nhất đại gia sản xuất dầu hỏa Ả Rập Xê Út để tìm nguồn hàng thay thế, trong trường hợp thiếu nguồn cung từ Iran. Cuối tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng sẽ có chuyến công du «tình thế » đến một số nước vùng Vịnh, trong đó dĩ nhiên có Ả Rập Xê Út. Đức : tăng trưởng nhờ vào thị trường nội địa
Năm 2011, trong khi kinh tế cả Châu Âu điêu đứng, thì kinh tế Đức lại tiếp tục tăng trưởng.
Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến sự kiện này với bài : « Năm 2011, tăng trưởng GDP của Đức đạt 3% nhờ vào lĩnh vực tiêu dùng ». Năm 2010, tăng trưởng của Đức đạt 3,7%, tức mức cao nhất kể từ khi hai miền đông tây hợp nhất. Theo số liệu công bố hôm qua, tăng trưởng năm 2011 của nước này là 3%, trong khi mức tăng trưởng bình quân cho khu vực đồng euro chỉ có 1,5%. Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng này chính là nhờ người tiêu dùng trong nước.
Chi tiêu của các hộ gia đình và tỉ lệ đầu tư nội địa đã tăng đáng ngạc nhiên. Bên cạnh đó, tờ báo cũng nhấn mạnh đến sự đóng góp to lớn của thị trường lao động. Năm 2011, Đức đạt kỷ lục trong quá trình tạo công ăn việc làm cho người dân. Thu nhập của người lao động cũng tăng lên. Thâm hụt ngân sách năm 2011 của Đức chỉ chiếm 1% GDP, trong khi năm 2010 lên đến 4,7%. Như vậy, Đức đã vượt chỉ tiêu qui định của hiệp ước Maastricht, theo đó mức thâm hụt tối đa cho phép là 3%. Tò báo cũng đăng bài chi tiết với những số liệu cụ thế trong hầu hết các lĩnh vực so sánh tăng trưởng giữa Đức và Pháp trong năm qua, theo đó, « Đức đã thắng đậm Pháp trong trận đấu kinh tế ». Nhìn rộng ra khối euro, các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Pháp, Đức và Ý điều nhận định, suy thoái sẽ kết thúc vào quý 2 năm nay. Trận động đất năm 2010 vẫn còn đe dọa người dân Haiti Ngày này cách đây hai năm, một trận động đất kinh hoàng đã xảy đến tại Haiti, gây thiệt mạng cho hơn 200.000 người. Le Figaro hôm nay quan tâm nhiều đến sự kiện này với bài viết thông tin : « Thủ đô Port-au-Prince được tái thiết một cách chậm chạp ». Hai năm đã trôi qua, thế mà hiện tại giữa lòng thủ đô Port-au-Prince vẫn là những khu lều tạm bợ, nơi có đến hàng ngàn người không nhà cửa phải sống chen chúc cùng nhau trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn. Vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết rõ ràng là vấn đề nhà ở. Trận động đất năm 2010 đã khiến đến 1,5 triệu người lâm cảnh màn trời chiếu đất.
Hiện tại, vẫn còn đến 500.000 người sống trong cảnh thiếu nước sạch, không điện và không có sự chăm sóc y tế. Trên tổng thể, tại thủ đô, chỉ có 4 bệnh viện, tức thiếu trầm trọng. Mọi chuyện từ giáo dục, y tế đến an ninh đều trông cậy vào các tổ chức thiện nguyện. Đến mức mà nước này đã được gắn cho biệt danh là « Nước cộng hòa của các tổ chức thiện nguyện ». Người Haiti bắt đầu di cư tìm đất sống mới. Làn sóng di cư nhanh đến mức mà Braxin phải thắt chặt các biện pháp nhập cư. Cộng đồng quốc tế vốn đã hỗ trợ tiền hàng tỉ đô la, giờ đây đang chờ đợi nước này thực hiện quá trình tái thiết có hiệu quả. Thủ tướng Haiti đã hứa sẽ cho xây dựng hàng chục khu nhà dành cho người vô gia cư. Thế nhưng, theo tờ báo, tình hình tranh giành quyền lực trên chóp bu Haiti khiến cho không mấy ai dám tin vào lời hứa này. Tóm lại, theo Le Figaro, tình cảnh của người Haiti hiện tại còn thảm hơn so với những ngày đầu sau động đất. |