Home Tin Tức Thời Sự Cấm vận dầu lửa Iran: Phương Tây cố gắng tìm nguồn cung ứng thay thế

Cấm vận dầu lửa Iran: Phương Tây cố gắng tìm nguồn cung ứng thay thế PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Tư, 11 Tháng 1 Năm 2012 08:58

Đối với một số nước châu Âu, việc cấm vận dầu lửa Iran sẽ gây khó khăn nghiêm trọng

Nhà máy lọc dầu Soroush của Iran trong vùng vịnh Ba Tư (© Reuters)

 

Sau khi Iran thông báo cho tiến hành làm giàu urnium tại cơ sở Fordo, cách thủ đô Iran 150 km về phía đông nam, hôm qua, 10/01/2012, Liên Hiệp Châu Âu cho biết sẽ nhóm họp hội nghị cấp Ngoại trưởng sớm hơn dự kiến một tuần, vào ngày 23, thay vì đợi đến 30/1.

Mục đích cuộc họp là thảo luận chi tiết các biện pháp thực hiện cấm vận dầu lửa đối với Iran.

 Mặc dù đạt được đồng thuận về nguyên tắc là phải cấm vận Iran để buộc nước này từ bỏ các chương trình hạt nhân bị nghi ngờ có mục đích chế tạo vũ khí nguyên tử, nhưng các nước phương Tây vẫn còn bị chia rẽ về thời điểm để áp dụng trừng phạt.

Một số nước đề nghị kéo dài thời hạn quá độ chờ cho đến khi các hợp đồng giao dầu lửa với Iran kết thúc, trong khi đó, có những nước lại muốn tiến hành cấm vận càng nhanh càng tốt.
 
Theo các nguồn tin ngoại giao, được AFP trích dẫn thì toàn thể Liên Hiệp Châu Âu đang làm việc với Hoa Kỳ và các nước khác để tìm kiếm những giải pháp thay thế nguồn cung ứng dầu lửa từ Iran. Cụ thể là châu Âu đã có các cuộc tiếp xúc với Ả Rập Xê Út để xác định xem nước này có thể nâng mức sản xuất, bù đắp số lượng thiếu hụt hay không.
 
Đối với một số nước châu Âu, việc cấm vận dầu lửa Iran sẽ gây khó khăn nghiêm trọng. Cho đến nay, mỗi ngày, Teheran bán cho Liên Hiệp Châu Âu 450 000 thùng dầu thô, tương đương 18% tổng xuất khẩu của Iran, trong đó, Ý mua tới 180 000 thùng, Tây Ban Nha 160 000, Hy Lạp 100 000. Đây cũng là ba nước đang gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế và tài chính.
 
Do vậy, Hy Lạp, hiện nhập khẩu 14% dầu thô từ Iran, đã đề nghị chờ đợi thêm một năm nữa thì mới cấm vận Iran, nhưng Pháp và Đức lại muốn làm ngay.
 
Còn Ý thì lại muốn được miễn áp dụng cấm vận. Thủ tuớng Mario Monti đặt điều kiện là việc cấm vận phải được tiến hành từng bước, giảm dần số lượng dầu lửa nhập khẩu từ Iran và không liên quan gì đến lượng dầu thô trị giá một tỷ euro mà Teheran sẽ kết giao cho Roma để trả nợ.
 
Còn tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc tỏ ra lo lắng. Tokyo phải nhập khẩu toàn bộ dầu khí, phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung ứng từ Trung Đông, đặc biệt là Iran. Trong 11 tháng năm 2011, dầu lửa của Iran chiếm tới 9% tổng mức tiêu thụ nhiên liệu của Nhật Bản. Nếu cấm vận Iran, Nhật Bản chỉ còn biết quay sang cầu cứu Ả Rập Xê Út, hiện đã cung cấp tới 30,8% tổng nhập khẩu dầu thô của nước này.
 
Tình hình cũng không kém phần phức tạp đối với Hàn Quốc. Tuần trước, Seoul nêu khả năng sẽ đề nghị được miễn áp dụng cấm vận dầu lủa đối với Iran, bởi vì, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc phải nhập khẩu toàn bộ dầu thô. Trong 11 tháng năm ngoái, dầu lửa của Iran chiếm tới 9,6% tổng nhập khẩu loại nhiên liệu này của Hàn Quốc.
 
Tuy nhiên, theo nhận định của một nhà ngoại giao châu Âu thì mọi lập luận chần chừ hoặc chống lại cấm vận dầu lửa Iran sẽ không có sức thuyết phục nữa nếu như Teheran phong tỏa eo biển Ormuz, nơi có tới hơn một phần ba tổng khối lượng dầu lửa toàn thế giới được vận chuyển qua.
 
Trong những ngày gần đây, nhiều tướng lĩnh hải quân Iran đã lên tiếng đe dọa, tuyên bố rằng việc phong tỏa Ormuz còn dễ hơn uống một cốc nước.

Hoa Kỳ cảnh báo sẽ không khoan dung mọi hành động ngăn cản giao thông ở đây.
 
Theo Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé, nếu châu Âu quyết định cấm vận dầu lửa Iran trong cuộc họp ngày 23 tháng Giêng tới đây, nhiều nước sản xuất cho biết sẵn sàng tăng sản lượng để bù đắp và giữ cho giá dầu lửa không tăng.