Trung Quốc đã cùng với Bắc Triều Tiên chuẩn bị hậu sự cho cái chết của Kim Jong-Il.
Kim Jong Un đã trở thành lãnh đạo Triều Tiên với sự sắp đạt từ trước và được Trung Quốc ủng hộ. Ảnh: Kim Jong Un thăm một nhà máy của Bắc Triều Tiên hôm 11/9/2011. REUTERS/KCNA/Files
Vốn đã chuẩn bị từ lâu cho việc chuyển giao quyền hành ở Bắc Triều Tiên một khi Kim Jong-Il qua đời, Trung Quốc nay sẽ tìm cách củng cố vị thế của tân lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong-Un, theo nhận định của các nhà phân tích được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay. Cái chết ngày 17/12 của nhân vật được gọi là « Lãnh tụ kính yêu » hoàn toàn không làm Trung Quốc bất ngờ, bằng chứng là cùng với lời chia buồn « sâu sắc » gởi đến Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đã công nhận ngay Kim Jong-Un là tân lãnh đạo, đồng thời bày tỏ mối quan tâm về sự ổn định của Bắc Triều Tiên. Theo lời nhà phân tích Scott Bruce, thuộc Đại học San Francisco, Trung Quốc đã cùng với Bắc Triều Tiên chuẩn bị hậu sự cho cái chết của Kim Jong-Il. Những chuyến đi của Kim Jong-Il đến Trung Quốc trong ba năm qua dường như một phần là nhằm chuẩn bị cho việc kế nhiệm ông. Chỉ trong khoảng hơn 1 năm, cho đến mùa hè 2011, ông Kim Jong-Il đã bốn lần sang Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất và cũng là nguồn cung cấp viện trợ hàng đầu cho chế độ Bình Nhưỡng.
Theo ông Scott Bruce, dường như là Kim Jong-Un cũng đã gặp một phái đoàn quan chức cao cấp của Trung Quốc tại Bình Nhưỡng vào cuối năm 2010, cho thấy là Bắc Kinh từ lúc đó đã chấp thuận việc chuyển giao quyền hành cho thế hệ họ Kim thứ ba. Chắc chắn là Trung Quốc sẽ theo dõi sát nhất cử nhất động của ban lãnh đạo mới ở Bắc Triều Tiên. Nhưng các chuyên gia dự báo là Bắc Kinh sẽ tìm cách đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn, vì Trung Quốc muốn kiểm soát chặt chẽ hơn Bắc Triều Tiên để bảo đảm là quốc gia này không sụp đổ. Theo ông John Feffer, đồng giám đốc dự án Foreign Policy in Focus của Viện Nghiên cứu Chính sách IPS ở Washington, đối với Bắc Kinh, sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên đồng nghĩa với làn sóng người tỵ nạn ồ ạt đổ sang, với những vũ khí nguyên tử không ai kiểm soát, với rối loạn kinh tế khu vực. Chưa kể đến việc lực lượng Hoa Kỳ sẽ được triển khai trên bán đảo Triều Tiên. Theo lời bà Valérie Niquet, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chiến lược ở Paris, mối lo ngại chính của Trung Quốc là sự sụp đổ của một chế độ « có tầm quan trọng chiến lược rất lớn ».
Nhất là vào lúc mà Hoa Kỳ đang quay trở lại khu vực châu Á và tăng cường các liên minh khu vực, đối lại những quyền lợi của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng muốn tiếp tục đóng vai trò « trung gian không thể thiếu được » trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên, cũng như trong đàm phán sáu bên, mà Bắc Kinh đang muốn khởi động lại. Cũng theo bà Valérie Niquet, Trung Quốc sẽ làm đủ mọi cách để củng cố quyền lực cho Kim Jong-Un, nhất là qua việc giúp phát triển kinh tế của một quốc gia vừa gặp nạn đói, vừa bị quốc tế trừng phạt.
Trong những chuyến đi Trung Quốc cuối cùng, cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il đã đến thăm các đặc khu kinh tế và các nhà máy để học hỏi kinh nghiệm mở cửa kinh tế của đồng minh. Theo chuyên gia John Feffer, đổi lại với việc giúp Bình Nhưỡng phục hồi kinh tế, Trung Quốc đã được hưởng những điều kiện ưu đãi trong các thoả thuận về khai thác các mỏ đồng, than và đất hiếm ở Bắc Triều Tiên, cũng như được quyền sử dụng các hải cảng ở nước này. Nhưng theo lời một chuyên gia Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh, chính phủ nước này hiện còn rất lo ngại, bởi vì quyền lực của Kim Jong-Un chưa thật vững chắc, cho dù báo chí chính thức của Bắc Triều Tiên đã gọi ông là « tư lệnh tối cao của quân đội » và « lãnh đạo Đảng Lao Động Triều Tiên.»
|