Liên đoàn Ả Rập từ chối mời Liên Hiệp Quốc giám sát tình hình Syria
|
|
|
|
Tác Giả: Anh Vũ
|
Thứ Hai, 09 Tháng 1 Năm 2012 12:43 |
Hiện tại có 165 quan sát viên của Liên đoàn Ả Rập được đưa tới Syria từ cuối tháng trước
Tổng thư ký Liên đoàn Nabil Al Araby (trái) và Ngoại trưởng Qatari Hamad bin Jassim tại hội nghị Cairo, 8/1/2012. REUTERS/Asmaa Waguih
Trước những chỉ trích hoạt động thiếu hiệu quả tại Syria, hôm qua 8/1/2012, Liên đoàn Ả Rập cho biết sẽ tiếp tục sứ mệnh quan sát viên của mình, đồng thời từ chối mời các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc tăng cường cho các quan sát viên của Liên đoàn.
Sau cuộc họp tại Cairo tối qua, ngoại trưởng các nước Liên đoàn Ả Rập nhận định trong hàng loạt hứa hẹn như chấm dứt đàn áp người biểu tình và thả tù chính trị, rút quân đội ra khỏi các thành phố và đối thoại với đối lập, chính quyền Damas mới chỉ thực hiện được một phần. Trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị, Liên đoàn Ả Rập tiếp tục kêu gọi chính phủ Syria chấm dứt đàn áp người biểu tình và tạo điều kiện cho các quan sát viên được làm việc độc lập. Tổ chức của các nước Ả Rập cho biết, sẽ tăng cường phương tiện vật chất và số lượng cho các quan sát viên tại Syria. Hiện tại có 165 quan sát viên của Liên đoàn Ả Rập được đưa tới Syria từ cuối tháng trước. Nhiệm vụ của họ là kiểm tra và đánh giá xem chính quyền Syria có tôn trọng kế hoạch giải quyết khủng hoảng của Liên đoàn đã được Damas chấp thuận từ đầu tháng 11. Các quan sát viên sẽ trình báo cáo kết luận lên Liên đoàn vào ngày 19 tháng Giêng. Qatar, nước chủ trì nhóm tiếp xúc của Liên đoàn về vấn đề Syria, đã chỉ trích mạnh mẽ hoạt động của các quan sát viên, đồng thời đề nghị mời chuyên gia của Liên hiệp quốc tăng cường cho nhóm quan sát viên của Liên đoàn. Đề nghị này đã không được các thành viên khác chấp thuận. Trong thời gian các quan sát viên có mặt tại Syria, các cuộc đàn áp của chế độ Bachar al –Assad nhằm vào người biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra. Các nhà bảo vệ nhân quyền tại Syria cho rằng hoạt động của các quan sát viên không có hiệu quả, chỉ giúp cho chính quyền Damas kéo dài thời gian để trấn áp phong trào phản kháng. |