VN, Campuchia kỷ niệm chiến thắng Khmer Đỏ |
Tác Giả: BBC |
Chúa Nhật, 08 Tháng 1 Năm 2012 19:28 |
Lễ kỷ niệm chiến thắng Khmer Đỏ được tổ chức ở Hà Nội, TpHCM và Phnom Penh
Việt Nam và Campuchia đồng loạt kỷ niệm 33 năm ngày chiến thắng Khmer Đỏ 7/1 ở cả ba thành phố là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Phnom Penh hôm thứ Bảy. Buổi lễ kỷ niệm tại Hà Nội có sự tham dự của phó thủ tướng thường trực Chính phủ hoàng gia Campuchia, bà Men Sam On, đồng thời là chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia – Việt Nam. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì lễ kỷ niệm. ‘Láng giềng tốt đẹp’ Trong diễn văn tại buổi lễ, ông Vũ Mão, nguyên chủ nhiệm văn phòng Quốc hội và là chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia khẳng định thắng lợi ngày 7/1 là thắng lợi của ‘tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia’ mà ‘lịch sử hai nước sẽ mãi mãi ghi khắc’. Ông Mão cũng nhắc lại quan hệ giữa hai nước là ‘láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài’. Trong diễn văn đáp từ, phó Thủ tướng Campuchia Men Sam On nhấn mạnh nhân dân Campuchia mãi ‘ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn và chân thành của quân tình nguyện Việt Nam’. Ngày 7/1 năm 1979 cũng là ngày mà Việt Nam bắt đầu khoảng thời gian 10 năm đóng quân trên lãnh thổ Campuchia cho đến năm 1989. Khoảng thời gian đóng quân này của Việt Nam bị cộng đồng thế giới nhìn nhận là ‘chiếm đóng’ và nhiều người dân Campuchia cho là ‘Việt Nam đô hộ’ đất nước họ, do đó dẫn đến rất nhiều bất lợi chính trị đối với Hà Nội trên trường quốc tế. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Việt Nam duy trì quân đội ở Campuchia là để giúp duy trì chính phủ còn non trẻ của nước này trước tàn quân Khmer Đỏ vẫn còn đang tiếp tục chiến đấu ở vùng biên giới với Thái Lan. Bà phó thủ tướng cũng lưu ý là sự giúp đỡ này của Việt Nam là ‘đáp ứng yêu cầu của nhân dân Campuchia’ nhằm lật đổ chế độ diệt chủng và ‘ngăn chặn không để cho chế độ tàn bạo này quay lại’. Bà Men Sam On khẳng định lập trường của chính phủ Campuchia hiện nay do Thủ tướng Hun Sen đứng đầu và của Đảng nhân dân Campuchia cầm quyền rằng đất nước của bà ‘quyết tâm củng cố và tăng cường mối quan hệ láng giềng tốt đẹp’ với Việt Nam. Trong chuyến công cán sang Việt Nam lần này, bà Men Sam On cũng đã hội kiến với Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh và phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Đại tướng Lê Hồng Anh ‘đánh giá cao ý nghĩa quan trọng’ của việc chính phủ Campuchia gửi phái đoàn cấp cao sang dự lễ kỷ niệm ở Việt Nam, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam. Năm 2012 cũng là năm hữu nghị Việt Nam – Campuchia. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, các cựu quân nhân và cựu chuyên gia Việt Nam đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia đã có buổi họp mặt kỷ niệm ngày chiến thắng với cộng đồng Campuchia tại thành phố. Tổng lãnh sự Campuchia Sam Samouth lưu ý là sau 33 năm, quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia đã phát triển về mọi mặt, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Việt Nam hiện tại là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Campuchia với tổng số vốn trên 2 tỷ Mỹ kim trong các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, cao su, mía đường… ‘Ngày sinh thứ hai’ Phó Thủ tướng Campuchia Men Sam On dẫn đầu phái đoàn Campuchia sang Việt Nam dự lễ kỷ niệm Tại Phnom Penh, hàng ngàn nạn nhân sống sót trên ‘cánh đồng giết người’ của Khmer Đỏ đã cùng hàng ngàn người dân khác đã tham dự buổi lễ tưởng niệm ngày chiến thắng tại trụ sở Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền CPP. Những người tham dự buổi lễ đã mặc áo và đội mũ có biểu tượng của Đảng CPP. Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin, đại diện các đảng phái khác và Đại sứ Việt Nam tại Phnom Penh Ngô Anh Dũng cũng có mặt tại Lễ kỷ niệm. “Ngày mùng 7 tháng Giêng năm 1979 đã chấm dứt thời kỳ đen tối nhất và mở ra một trang mới trong lịch sử Campuchia. Người dân được giải phóng khỏi kiếp nô lệ và trở thành chủ nhân thật sự vận mệnh của chính mình,” Chủ tịch đảng Chea Sim phát biểu trong diễn văn kỷ niệm. Ông Chea Sim nhấn mạnh rằng nếu không có ngày 7/1 thì nhân dân Campuchia sẽ không có ngày hôm nay. Nhiều người dân Campuchia cho rằng họ xem ngày 7/1 như ngày sinh thứ hai của họ vì ngày này đã cứu mạng họ khỏi chế độ tàn bạo của Khmer Đỏ. “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tôi sẽ không quên ngày giải phóng mà tôi xem như là lần thứ hai tôi được sinh ra,” một người dân có mặt trong buổi lễ có tên là Touch Chany nói. Dưới thời kỳ cai trị của Khmer Đỏ từ năm 1975 cho đến 1979 hàng triệu người dân ở các thành phố của Campuchia đã bị đẩy về nông thôn để xây dựng một xã hội không có giai cấp, một ‘thiên đường’ của nông dân. Khoảng 1,7 triệu người Campuchia đã chết vì đói khát, làm việc quá sức hoặc bị hành quyết. Cho đến năm 1999 thì Khmer Đỏ mới tan rã hoàn toàn khi các lãnh đạo chủ chốt của họ hoặc là đã chết, hoặc là bị bắt hoặc đầu hàng.
|