Thủ tướng Hun Sen ‘biết ơn Việt Nam’ |
Tác Giả: BBC |
Thứ Năm, 05 Tháng 1 Năm 2012 13:11 |
“Khi Campuchia chúng tôi đủ lớn mạnh thì Việt Nam rút hết quân về nước” Thủ tướng Hun Sen đã nói chuyện với các cơ quan báo chí của Việt Nam trong hơn hai tiếng đồng hồ Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói ông và nhân dân đất nước ông ‘mãi ghi nhớ công lao to lớn’ của Việt Nam vì đã giúp Campuchia hồi sinh từ chế độ Khmer Đỏ. Tuy nhiên, các nhà quan sát đánh giá rằng chính dưới thời kỳ lãnh đạo của ông Hun Sen, quan hệ của Campuchia ngày càng ngả về phiá Trung Quốc, nước từng hỗ trợ chế độ Pol Pot trước đây. Tranh chấp lãnh thổ Thủ tướng Campuchia trả lời báo chí Việt Nam trong chuyến thăm sang Việt Nam kỷ niệm 33 năm năm ngày chiến thắng chế độ Pol Pol vào ngày 7/1 năm 1979. “Họ [bộ đội Việt Nam] đã hy sinh tính mạng của mình vì sự sống, sự hồi sinh của nhân dân Campuchia,” ông nói và nói thêm rằng chính phủ của ông ‘có trách nhiệm’ tìm kiếm và hồi hương hài cốt những quân nhân Việt Nam còn mất tích trên lãnh thổ Campuchia. Ông cũng ‘kịch liệt bác bỏ’ lập luận cho rằng Việt Nam đã ‘chiếm đóng’ Campuchia trong giai đoạn chiến tranh với Pol Pot. “Sự hiện diện của quân đội Việt Nam ở Campuchia là nhằm đáp ứng yêu cầu của nhân dân Campuchia, vì sự sống của nhân dân chúng tôi,” ông nói. “Chỉ có nhân dân và lực lượng vũ trang Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia trong thời điểm khó khăn nhất,” ông nhấn mạnh. Năm nay tròn 60 tuổi, Hun Sen đã làm thủ tướng Campuchia liên tục trong 28 năm và là lãnh đạo tại vị lâu nhất châu Á. Lúc nhậm chức, ông cũng là thủ tướng trẻ nhất trên thế giới khi đó. Hai thủ tướng Việt Nam và Campuchia khánh thành tượng đài kỷ niệm cuộc chiến năm 1979 Khi được hỏi về việc Noun Chea, cựu chủ tịch quốc hội dưới thời Pol Pot, cáo buộc chính quân đội Việt Nam, chứ không phải Khmer Đỏ, mới là thủ phạm giết hại người Campuchia trong một phiên tòa xét xử ông ta về tội diệt chủng hồi tháng 12 năm ngoái tại Phnom Phenh, Hun Sen cho rằng đấy chỉ là ‘logic trốn tội của kẻ sát nhân’. “Kẻ trộm không bao giờ thừa nhận rằng nó là tên ăn trộm,” ông nói. Ông lập luận rằng nếu Khmer Đỏ không phạm tội diệt chủng và nếu Việt Nam xâm lược Campuchia thì bây giờ sẽ không có phiên tòa để xét xử những kẻ cầm đầu chế độ. “Việc tòa án này được thiết lập đồng nghĩa với việc chân lý thuộc về bộ đội tình n guyện Việt Nam đã giúp Campuchia,” ông khẳng định. “Khi Campuchia chúng tôi đủ lớn mạnh thì Việt Nam rút hết quân về nước,” ông nói, “Hơn 20 năm qua đã không còn sự hiện diện của quân đội Việt Nam tại đất nước chúng tôi.” Báo Quân đội nhân dân dẫn lời Thủ tướng Hun Sen gọi quân đội Việt Nam sang Campuchia đánh Khmer Đỏ là ‘quân đội nhà Phật’. Năm 1977, khi mới 25 tuổi, Hun Sen đã bỏ chạy sang Việt Nam để trốn chế độ Pol Pot. Ông có thời gian hoạt động ở Việt Nam nên gần gũi với người Việt và quen thuộc với văn hóa Việt Nam. Chính phủ của ông là do Việt Nam giúp dựng lên và bảo trợ trong thời gian đầu. ‘Thủ đoạn kiếm phiếu’ Trao đổi với BBC, nhà báo Lý Đình Phát, người có gần 20 năm sinh sống và theo dõi tình hình chính trị xã hội Campuchia, cho biết phần lớn người dân nước này có ‘tình cảm thuận lợi đối với người dân và chính quyền Việt Nam’. Tuy nhiên, tình hình người Việt sinh sống bên Campuchia quá đông ‘lấn lướt công ăn việc làm và mua bán’ của người dân địa phương nên đôi lúc cũng xảy ra tình trạng khó chịu đối với người Việt, ông Phát cho biết. “Những căng thẳng, hận thù giữa người Khmer và người Việt như thời những năm 60, 70 bây giờ không phải không có nhưng chỉ tiềm tàng thôi,” ông nói. Tình trạng bài Việt trong xã hội Campuchia là do một số đảng đối lập như Đảng Sam Rainsy ‘muốn kiếm phiếu’ nên ‘lôi kéo những người có tinh thần dân tộc cực đoan’ và chỉ trích ‘Hun Sen là tay sai của Việt Nam’, theo ông Lý Định Phát. “Ông Sam Rainsy ra tranh cử mạt sát người Việt’ bằng những từ ngữ thậm tệ", ông Phát cho biết, nhưng do chính quyền hiện nay của Hun Sen rất vững chắc nên đảng của ông Sam Rainsy không làm gì được. Ông nói là dân chúng Campuchia hiện nay chia làm hai luồng, những người sinh sống làm ăn được thì ủng hộ chính quyền Hun Sen, trong khi chỉ có số ít người, chủ yếu là những trí thức từ thời Pháp và những người có tư tưởng hẹp hòi không thích người Việt nên chống đối Hun Sen. Bên cạnh đó, xã hội Campuchia đang phát triển theo chiều hướng văn minh hơn nên người dân nước này không còn cực đoan và có tư tưởng kỳ thị sắc tộc cũng như không còn đánh giết người Việt như trước. “Người dân chỉ lo làm ăn kiếm sống,” ông nói, “Còn thanh niên chỉ lo học hành để du học và kiếm công việc nuôi bản thân và gia đình” nên ít nghĩ đến chính trị, Còn về giai đoạn Việt Nam đóng quân tại Campuchia sau khi Pol Pot sụp đổ cho đến năm 1989, một mặt người dân nước này biết ơn Việt Nam giúp họ thoát khỏi cảnh ‘người Khmer giết người Khmer’ do Trung Quốc cổ súy, mặt khác họ cũng nhìn nhận là Việt Nam ‘chiếm đóng’. “Họ cho rằng Việt Nam đóng quân đô hộ đất nước họ, đó là bất lợi chính trị đối với Hà Nội,” ông nói. “Bất cứ quân đội nào đến xứ nào thì cũng gây bất mãn cho người dân thôi,” ông Phát giải thích, nhưng ông cũng cho rằng Việt Nam không có lựa chọn nào khác vì đã ‘đánh thì phải giữ’, nếu không chính quyền vừa mới dựng lên bị đổ ngay vì tình hình lúc đó tàn quân Khmer Đỏ vẫn còn duy trì kháng chiến.
Sam Rainsy là người chủ trương bài Việt Nam mạnh mẽ để kiếm phiếu cử tri Về việc cắm mốc biên giới giữa hai nước, ông Phát cho biết người dân thủ đô Phnom Penh cũng có bàn tán đất đai bị mất và báo chí cũng có nói đến nhưng ‘rồi cũng qua’. “Tuy nhiên họ cho rằng nhà nước phải chịu trách nhiệm và cũng không thấy lợi lộc gì cả nên cũng không dám đấu tranh,” ông nói, “Chính phủ ở đây cũng không cho phép biểu tình chống Việt Nam đâu.” Lập trường về Biển Đông Giải thích về lập trường mới đây của Chính phủ Hun Sen ủng hộ quan điểm đàm phán song phương của Trung Quốc về Biển Đông, ông Phát cho biết điều này chứng tỏ ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Phnom Penh hiện nay lớn hơn của Hà Nội. “Sau năm 1979 thì con bài Pol Pot không còn tác dụng gì nữa đối với Bắc Kinh và ảnh hưởng của họ cũng bị loại trừ,” ông nói. “Nhưng kể từ năm 1993, Bắc Kinh bắt đầu chú ý đến chính quyền mới ở Phnom Penh cho nên họ đổ viện trợ, mở quan hệ ngoại giao, tăng cường quan hệ kinh tế, văn hóa, đầu tư và tăng cường sự hiện diện của người Hoa ở Campuchia,” ông nói thêm. “Họ [Trung Quốc] tận dụng ưu thế tiền bạc nên dần dần Phnom Penh ngả về phía Bắc Kinh.” Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng nếu Biển Đông phát sinh ‘tình huống mới’ mà Hun Sen tuyên bố ủng hộ Bắc Kinh thẳng thừng như vậy thì Hà Nội sẽ không để yên. “Tại Phnom Penh nếu để ý kỹ sẽ thấy có sự cạnh tranh tiềm tàng giữa hai thế lực Hà Nội và Bắc Kinh,” ông nói. “Bắc Kinh có tài chính dồi dào và dùng mưu lôi kéo,” ông nói thêm. Tuy nhiên, Hà Nội cũng không vì thế mà chịu thua kém, ông nói, vì Việt Nam có khoảng cách địa lý rất gần Campuchia và cũng cố gắn đầu tư kinh tế khá nhiều vào nước này thông qua các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. “Sau năm 1979 Hà Nội còn bỏ công xây dựng hệ thống chuyên gia ngầm cài trong hệ thống chính quyền Phnom Penh rất nhiều, và nhiều quan chức cao cấp Campuchia thạo tiếng Việt,” ông Phát phân tích.
|