Chi phí cho việc thống nhất đất nước sẽ rất cao và kéo dài trong nhiều năm
Những người ủng hộ thống nhất bán đảo Triều Tiên biểu tình đòi nối lại đàm phán 6 bên, trước cửa trụ sở Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, 5/1/2011. REUTERS/Kim Hong-Ji
Hôm nay, 05/01/2012, bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo, một trong những ưu tiên hành động trong năm nay 2012 của cơ quan này là chuẩn bị cho khả năng thống nhất Nam và Bắc Triều Tiên.
Công việc cụ thể là thành lập một quỹ đặc biệt tài trợ cho công cuộc thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Seoul đã nêu ra việc thành lập quỹ, nhưng chưa cho biết thời điểm thực hiện. Trong thông báo hôm nay, bộ Thống nhất Hàn Quốc không cho biết chi tiết về số tiền sẽ huy động và bằng cách nào. Ngay từ năm 2010, tổng thống Lee Myung Bak đã nói đến việc lập một loại thuế đặc biệt để cung cấp vốn cho quỹ. Cái chết bất ngờ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên ngày 17/12 năm ngoái và việc Kim Jong Un, còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm chính trị, lên thay cha, đã làm tái xuất hiện cuộc tranh luận ở Hàn Quốc về việc thống nhất hai miền trên bán đảo Triều Tiên. Ông Chang Yong Seok, thuộc Viện nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất của trường đại học Quốc gia Seoul giải thích : « Nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ, đã mệt mỏi về vấn đề thống nhất đất nước, nhưng cái chết của ông Kim đã làm cho công luận nhớ ra rằng họ đang sống kề cận Bắc Triều Tiên ». Trước khi ông Kim Jong Il qua đời, xu hướng muốn thống nhất đất nước đã giảm, đặc biệt trong giới trẻ ở Hàn Quốc.
Theo một cuộc thăm dò dư luận do trường đại học Quốc gia ở Seoul thực hiện và được công bố cách nay ba tháng, thì 53,7% số người được hỏi cho rằng cần phải thống nhất hai miền. Tỷ lệ này là 59,1% trong năm 2010. Theo các nghiên cứu, một trong những lý do khiến người dân Hàn Quốc không nhiệt tình với chuyện thống nhất đất nước là miền Nam sẽ phải cõng miền Bắc trong nhiều năm. Thực tế thống nhất Đông – Tây Đức trong những năm 1990 đã làm nản lòng. Theo các thẩm định của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, thì miền Bắc nghèo hơn miền Nam đến hơn 20 lần.
Chi phí cho việc thống nhất đất nước sẽ rất cao và kéo dài trong nhiều năm. Một nghiên cứu của bộ Thống nhất Hàn Quốc dự tính là chỉ riêng trong năm đầu tiên sau khi thống nhất hai miền, Seoul sẽ phải chi ra tới 167,5 tỷ euo, tương đương một phần tư tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc. Tuy vậy, theo một số chuyên gia, trên khía cạnh thuần túy kinh tế, việc thống nhất cũng mang lại một số lợi ích cho Hàn Quốc : Dân số miền Bắc trẻ hơn miền Nam. Bắc Triều Tiên có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên hơn Hàn Quốc. Theo giới phân tích, tiến trình thống nhất bán đảo Triều Tiên chỉ có thể khởi động với sự sụp đổ của triều đại họ Kim. Giáo sư khoa học chính trị Yoo Ho Yeol, thuộc trường đại học Hàn Quốc nhận định : « Nếu Kim Jong Un ủng hộ cải cách mạnh mẽ hơn những người tiền nhiệm thì cái chết của ông Kim Jong Il sẽ dẫn đến những thay đổi trên bán đảo Triều Tiên giống như trong quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan ». Thế nhưng, việc chuyển giao quyền lực sau cái chết của ông Kim Jong Il dường như đã diễn ra êm thấm và Kim Jong Un đã nhanh chóng được xưng tụng làm lãnh đạo « tối cao » và « vĩ đại ». Nếu như giới tướng lãnh chóp bu tại Bình Nhưỡng, để bảo đảm quyền lợi cho mình, đều đồng ý ủng hộ Kim Jong Un nắm quyền, thì viễn cảnh thống nhất lại càng trở nên xa vời. Phát biểu trước các sinh viên, ngày hôm qua, tại Seoul, bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Yu Woo Ik cho rằng « thống nhất đất nước không phải là một sự lựa chọn, đây là một công việc mà người dân Triều Tiên phải hoàn tất và nếu chỉ vì vấn đề tiền mà không muốn thống nhất đất nước thì đó là một hành động hèn nhát ». |