Bà Bùi Thị Minh Hằng, năm nay 47 tuổi, đã bị bắt giữ tại Sài Gòn hồi cuối tháng 11/2011
Bà Bùi Thị Minh Hằng, tại quảng trường Nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn), ngày 27/11/2011. Đây là hình ảnh cuối cùng của bà Bùi Thị Minh Hằng, trước khi bà bị bí mật bắt đưa đi trại cải tạo. DR
Ngày hôm nay, 05/01/2012, sứ quán Mỹ tại Hà Nội ra thông cáo báo chí « về việc bắt giữ Bùi Thị Minh Hằng », theo đó, cơ quan đại diện Hoa Kỳ « quan ngại sâu sắc bởi những thông tin tường thuật rằng Bùi Thị Minh Hằng đã bị kết án không quan xét xử tới 2 năm giam giữ tại một trại cải tạo ở Việt Nam, vì đã tham gia vào một cuộc biểu tình ôn hòa » và việc bắt giam bà Hằng không theo trình tự chuẩn mực, đã mâu thuẫn với cam kết của Việt Nam đối với Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu.
Do vậy, sứ quán Mỹ tại Hà Nội « kêu gọi chính phủ Việt Nam thả bà Hằng và tất cả các tù chính trị », bởi vì « không ai đáng bị bỏ tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận hay quyền hội họp ôn hòa ». Cơ quan đại diện Mỹ cho biết vẫn thường xuyên yêu cầu chính quyền Việt Nam thả vô điều kiện mọi công dân bị bỏ tù chỉ vì bày tỏ chính kiến của mình. Thông cáo báo chí cũng nhắc lại rằng, nhân quyền vẫn là một hồ sơ quan trọng trong quan hệ song phương và Hoa Kỳ « tiếp tục thúc giục chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền được quốc tế công nhận ». Cũng trong ngày hôm nay, theo AP, tổ chức theo dõi về nhân quyền Human Rights vWatch, có trụ sở tại New York, đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho bà Bùi Thị Minh Hằng. Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW, cho rằng không có lý do gì để chính quyền Việt Nam cưỡng bức một người biểu tình ôn hòa vào một nơi thực sự là trại lao động cưỡng bức.
Theo đại diện HRW, « việc giam giữ bà Bùi Thị Minh Hằng mà không xét xử cho thấy sự coi thường đáng lo ngại của Việt Nam đối với các quyền con người và các bảo đảm về quyền tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp của chính Việt Nam ». Bà Bùi Thị Minh Hằng, năm nay 47 tuổi, đã bị bắt giữ tại Sài Gòn hồi cuối tháng 11/2011, vì đã giơ biểu ngữ phản đối hành động trấn áp, câu lưu những người biểu tình ở Hà Nội. Sau đó, bà bị chuyển thẳng đến cơ sở giáo dục Thanh Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, mà thực chất là một trại cải tạo lao động. Cuối tháng 12 năm ngoái, hơn một chục nhân sĩ, trí thức và các nhà hoạt động cho nhân quyền đã ký đơn kiến nghị gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang đòi trả tự do cho bà Hằng. Năm ngoái, bà Bùi Thị Minh Hằng là một trong những người tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình ở Hà Nội, phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Chỉ vì những hành động này mà bà đã bị công an câu lưu nhiều lần.
|