Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 4-01-2012 |
Tác Giả: Anh Vũ |
Thứ Tư, 04 Tháng 1 Năm 2012 14:04 |
Hungary đang trượt khỏi những giá trị dân chủ của châu Âu
Ngay từ những ngày đầu năm nay, tình hình Hungary đã trở nên sôi sục với Hiến pháp mới, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2012, chứa đựng những nội dung phản dân chủ, đi ngược lại những giá trị chung của Liên Hiệp Châu Âu mà nước này là thành viên. Người dân trong nước thì phẫn nộ với chính phủ, còn cộng đồng quốc tế thì không khỏi lo ngại. Hôm qua, 03/01/2012, gần một trăm nghìn người dân Budapest đã xuống đường biểu tình phản đối bản Hiến pháp có nguy cơ đẩy đất nước trở lại chế độ toàn trị. Là đất nước trong những năm cuối của thập kỷ 1980 từng đi tiên phong trong cuộc đấu tranh chống lại ách toàn trị cộng sản, giờ đây Hungary lại trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế với lo ngại là chính phủ của thủ tướng Viktor Orban đang trượt theo hướng một chế độ toàn trị. Đây cũng là đề tài nóng của các báo Pháp ra hôm nay. Bản Hiến pháp mới được thông qua từ tháng 4 năm 2011 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 quy định một loạt các điều khoản về chính trị, kinh tế, tư pháp và xã hội chủ chốt. Nó chỉ có thể được sửa đổi với sự chấp thuận của 2/3 Quốc hội, một đa số mà đảng Fidesz cầm quyền đang chiếm. Viktor Orban đã phân chia quyền hành cho những người thân cận ở vào các vị trí chủ chốt trong các lĩnh vực tư pháp, kinh tế, quân đội, cảnh sát với nhiệm kỳ kéo dài từ 9 đến 12 năm. Tờ báo tỏ ra thất vọng với thái độ thụ động của Liên Hiệp Châu Âu trước việc một nước thành viên đi ngược lại giá trị chung của cả khối. Xã luận của Le Monde nhận thấy, Liên Hiệp Châu Âu đang ở trong tình huống tế nhị trước đứa con ngỗ ngược, mới chỉ là thành viên của gia đình này được 7 năm. Châu Âu không thể bàng quang với việc làm của chính phủ Orban. Cuối tháng 12 vừa qua, chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso đã lần thứ hai gửi thư cho ông Orban cảnh báo những nguy hiểm trong đường lối chính sách của chính phủ Hungary. Nhưng dường việc này cũng không có kết quả. Theo tờ báo thì trừng phạt một chính phủ được ra đời từ một cuộc bầu cử dân chủ là một điều không đơn giản. Trong khi đó thì Liên Hiệp lại phải chịu sức ép của của phe đối lập, các tổ chức xã hội công dân và tầng lớp trí thức Hungary, những người đang muốn sống trong một cộng đồng đoàn kết xung quanh những giá trị dân chủ. Vụ 7 người Duy Ngô Nhĩ bị bắn chết tại Tân Cương gây nhiều nghi vấn Theo Le Monde, trong vụ « 7 kẻ khủng bố » người Duy Ngô Nhĩ bị tiêu công an tiêu diệt hôm 28/12 /2011, tại một khu làng của tỉnh Tân Cương, có nhiều tình tiết mới khiến cho giờ đây người ta phải nghi ngờ tính xác thực trong thông tin chính thức của chính quyền Trung Quốc xung quanh sự kiện này. Thực chất những người bị bắn chết được coi như là những phần tử « khủng bố » đó chính là những nông dân bị đang muốn bỏ chạy khỏi Trung Quốc. Trong vụ này, một phó công an huyện đã bị chết. Báo chí Trung Quốc đã mô tả những người Duy Ngô Nhĩ bị bắn chết là thuộc một nhóm khủng bố đang tìm đường đến với những chiến binh thánh chiến Hồi giáo bên Pakistan. Thông tin này ngay sau đó đã được Đại hội người Duy Ngô Nhĩ, một tổ chức lưu vong của sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, tìm hiểu một cách kỹ lưỡng. Theo bà Rebiya Kadeer, lãnh đạo của phong trào trên thì Bắc Kinh đang tiến hành một chính sách hành quyết tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ và cái cớ « khủng bố » vẫn được Bắc Kinh viện đến để biện minh cho chính sách trấn áp của họ. Một trong những vị trưởng lão của làng này cho biết lý do là vì « họ không thể thực hành tôn giáo theo tín ngưỡng của mình ». Ngay một công an của huyện Bì San cũng đã cho RFA biết qua điện thoại rằng, được tin những gia đình nói trên bỏ trốn, công an địa phương đã tới thuyết phục họ quay lại. Cuộc thương lượng đã không thành công và vị phó công an huyện, cũng là một người Duy Ngô Nhĩ, đã bị một người đàn ông đâm chết khi vị công an này động đến vợ anh ta. Cuối cùng là lực lượng an ninh đã can thiệp và hậu quả như đã nói ở trên. Tai nạn hạt nhân Fukushima ở Nhật không chỉ làm không ít các cường quốc hạt nhân giật mình mà còn làm thay đổi cái nhìn về nguồn năng lượng này. Châu Âu cũng yêu cầu đánh giá lại mức độ an toàn của tất cả các lò phản ứng hạt nhân đang họat động. Ngày hôm qua, ông André-Claude Lacoste, chủ tịch Cơ quan An toàn Hạt nhân của Pháp đã trình lên thủ tướng báo cáo tổng thể về hiện trạng và tương lai của ngành năng lượng hạt nhân nước này. Kết luận chính của bản báo cáo là không đề nghị dừng một lò phản ứng nào, nhưng yêu cầu phải đầu tư lớn cho an toàn hạt nhân. Đặc biệt đây là lĩnh vực nhạy cảm và nước pháp đang dẫn đầu thế giới. Tờ báo khẳng định, không giống như các nước Đức hay Thụy Sĩ muốn từ bỏ ngay năng lượng hạt nhân, nước Pháp vẫn thấy lợi thế của mình trong lĩnh vực này và từ bỏ hạt nhân ngay ngày một ngày hai sẽ gây thiệt hại lớn cho nước Pháp. Việc hủy bỏ toàn bộ sản xuất điện hạt nhân sẽ làm Pháp mất khoảng 500 tỷ euro và hàng trăm nghìn lao động, chưa kể đến các thiệt hại trực tiếp đánh vào người tiêu dùng.
Cách đây nửa tháng, mọi người đều chắc như đinh đóng cột Beckham sẽ về với Paris khi một số tờ báo đưa tin cựu danh thủ của Manchester United sẽ ký hợp đồng với Paris Saint Germain 1 năm rưỡi với mức lương 800 nghìn euro một tháng, một kỷ lục ở giải vô địch quốc gia Pháp Ligue1. Theo Le Figaro thì ngay cả sở cảnh sát Paris cũng đã lên kế hoạch đặc biệt để đón « Becks ». Thậm chí còn có tin đồn rằng người ta đã in sẵn 30 000 chiếc áo mang tên Beckham chỉ chờ ngày anh ra mắt sân Paris là tung ra thị trường. Chắc chắn nếu Paris Saint Germain thành công trong thương vụ Beckham này thì thương hiệu của câu lạc bộ bóng đá Pháp sẽ lớn lên nhiều trên trường quốc tế, giúp cho PSG mở thị trường sang châu Á, nơi bóng đá Pháp vẫn còn vắng bóng. Không có Beckham, liệu Paris Saint Germain có hiện diện trong sân chơi của các ông lớn bóng đá châu Âu kém cách ngạo nghễ, tự tin hơn chăng ?
|