Home Tin Tức Thời Sự Phim tài liệu ‘Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát’ bị CSVN cấm chiếu ngày ra mắt

Phim tài liệu ‘Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát’ bị CSVN cấm chiếu ngày ra mắt PDF Print E-mail
Tác Giả: Trùng Dương   
Thứ Ba, 03 Tháng 1 Năm 2012 07:46

 André Menras: Từ cuốn sách ‘Chúng tôi lên án: Trở về từ nhà tù Sàigòn’ tới phim tài liệu ‘Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát’ bị CSVN cấm chiếu ngày ra mắt

 

 

Hình trang YouTube về cuốn phim tài liệu “Hoàng Sa Việt Nam: Niềm đau mất mát” (Ảnh Trùng Dương)

Sáng nay, hai ngày trước khi bước sang năm 2012, chị bạn bên Pháp chuyển cho cái link phim tài liệu “Hoàng Sa, Việt Nam: Nỗi đau mất mát”, thấy ghi là do André Menras Hồ Cương Quyết thực hiện. Phim có tựa tiếng Pháp/Anh là “La Meurtrissure - Painful loss”. Phim dài 59 phút, bị chính quyền Cộng sản Việt Nam cấm không cho trình chiếu trong buổi ra mắt ngày 29 tháng 11 vừa qua, khiến nhiều khách mời phải chưng hửng ra về, và nhà làm phim cũng ngỡ ngàng, bối rối.[*]

Trong thư chuyển tiếp, thấy ghi lại lời của ông Menras: “Các nhân viên an ninh đă đối xử với tôi và các bạn của tôi một cách thô bạo và phi pháp. Bộ phim là tiếng nói chân thật của các ngư dân miền Trung bị tàu Trung quốc cướp bóc, đánh đập và hành hạ tại vùng biển đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“Trong bộ phim ta thấy một nét văn hoá đặc biệt của ngư dân là văn hoá ‘mộ gió’,” thư chuyển tiếp vài hàng tâm sự của Menras. “Đây không phải chỉ là vấn đề tâm linh mà còn là một thông điệp cho bất cứ kẻ xâm lược nào rằng: Họ không bao giờ chịu bị cướp đoạt những điều họ quí nhất, đó là linh hồn của người thân, vùng biển truyền thống của tổ tiên, niềm tự hào của họ, quyền sống của mình và của con cháu mình.

“Tôi cam kết sẽ báo cáo thường xuyên và sẽ hỗ trợ trực tiếp, tại chỗ cho các phụ nữ có chồng đă chết trong cuộc mưu sinh, bám biển, bám đảo và cho các trẻ em mồ côi cha tại Lý Sơn và Bình Châu.” Và ông Menras đòi: “Hăy xoá đường lưỡi bò trên biển Đông và hăy bảo vệ cho những ngư dân Việt Nam hiền hoà.”

Tất nhiên là tôi rất tò mò, vì cái tên của người thực hiện. Nhưng, do thói quen, trước khi tôi bỏ thì giờ ra mở YouTube xem cuốn phim dài cả tiếng đồng hồ này và không biết có đúng tiêu chuẩn phim tài liệu để không làm mất thì giờ của mình, tôi có thắc mắc cần giải đáp trước đã: Cái ông André Menras này là ai? Sao lại có cái đuôi tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết? Phải chăng là một anh Việt Nam có quốc tịch Pháp nên khi đổi sang tên Tây vẫn cố níu lại cái tên Việt cho đỡ mất gốc?

Điều tôi tìm ra hấp dẫn hơn cả điều tôi suy đoán.

André Menras là ai?

Bốn mươi năm trước André Menras là một người tích cực ủng hộ cuộc chiến xâm lăng Miền Nam của Cộng Sản Hà Nội. Nguyên là giáo viên dạy Pháp ngữ tại trường Jean Jacques Rousseau ở Saigòn trước, Menras yêu mến dân tộc Việt. Song như nhiều trí thức ngây thơ khác, ông nghe lời đường mật và chọn đứng về phe Cộng sản Bắc Việt, có lẽ một phần vì tinh thần chống Mỹ của nhiều người Pháp quan tâm tới Việt Nam vào giữa thế kỷ trước, mà Hoa Kỳ lại là nước hỗ trợ chính phủ Mìền Nam trong việc ngăn chặn cuộc xâm lăng của Cộng sản.

Theo chiều kim đồng hồ, trên, trái: Andre Menras (Ảnh Facebook); Menras bắt tay Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sau khi được nhận vô quốc tịch Việt (Ảnh Internet); Menras viết biểu ngữ cho cuộc biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa; và Menras cầm biểu ngữ, bên phải, với một số người tham gia biểu tình ở Việt Nam, tháng 5 năm 2011. (Ảnh Google Images, Collage TD).

Vào ngày 25 tháng 7 năm 1970, Menras và một người bạn, Jean Pierre Debris, tới Saigon, với sứ mạng khuấy rối để tạo sự chú ý của dư luận quốc tế. Họ leo lên tượng Thủy Quân Lục Chiến trước toà nhà Quốc Hội ở góc đường Tự Do và Lê Lợi hồi ấy treo cờ của Mặt Trận Giải Phóng Mìền Nam (Việt Cộng) và phân phối nhiều ngàn truyền đơn chống lại cuộc chiến Việt Nam. Họ bị chính quyền Việt Nam Cộng Hoà bắt và kết án tù, hai năm cho Menras và bốn năm cho Debris, và bị đưa đi Côn Đảo. Mãn hạn tù, Menras trở về Pháp và càng tích cực yểm trợ cuộc chiến tranh “giải phóng” của Hà Nội. Ông và Debris sau đó cùng xuất bản vào năm 1973 cuốn hồi ký dầy 93 trang, “Chúng tôi lên án: Hồi hương từ nhà tù Saigon” (“We Accuse: Back from Saigon’s Prisons”), nhằm tiếp tay với phong trào phản chiến đẩy mạnh cuộc xâm lăng Miền Nam đến chiến thắng cuối cùng của Hànội vào mùa xuấn năm 1975.

Menras ở đâu, làm gì kể từ sau chiến thắng 1975 của Cộng sản Việt Nam?

Không biết ông có nghe biết về những chuyến vượt biển kinh hoàng của hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam tìm đường lánh nạn Cộng sản?

Không biết ông có nghe biết về những chuyện trả thù man rợ của chính quyền Cộng sản Việt Nam đối với những người thuộc chế độ cũ?

Không biết ông có nghe biết về nạn đói đe doạ khi chính quyền CSVN nhất định áp đặt chế độ xã hội chủ nghĩa mong đẩy nhanh đẩy mạnh đất nước và dân tộc Việt đến với thiên đường Cộng sản cho lẹ, và đẩy thêm nhiều người Việt ra biển làm mồi cho sóng gió và hải tặc?

Để rồi cuối cùng họ đành phải đi theo con đường của Trung Cộng vào thập niên 1980, đó là áp dụng nền kinh tế thị trường của tư bản mà họ đã tốn bao xương máu của người dân lương thiện để chống lại?

Và kết quả là một nước Việt Nam đầu Ngô mình Sở: hào nhoáng bề ngoài, rỗng tuếch rỗng toác bên trong, một môi trường tan nát vì nạn ô nhiễm, lụt lội triền miên vì rừng đã bị khai quang để bán, tham nhũng từ trên xuống dưới, mua quan bán tước, với một dân tộc ngày càng tha hoá, dân tình hoang mang bất mãn cùng cực, đặc biệt từ ngày xẩy ra chuyện Hà Nội nhượng đất, đảo và cho Trung Cộng thuê rừng, nhưng người dân lại bị cấm không được biểu tình chống lại trước hiểm hoạ bị Bắc thuộc lần thứ tư?

Đấy là chưa kể tới những việc chính quyền Hà Nội đàn áp tôn giáo, bỏ tù những người đòi tự do dân chủ.

Tuyệt nhiên không thấy ông Menras lên tiếng, mặc dù những cựu đảng viên Cộng sản như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Dương Thu Hương, kẻ đào nhiệm, kẻ lưu vong đầy rẫy đường phố Paris của ông và đã lên tiếng tập thể “Chúng tôi lên án” một chế độ tàn bạo, tráo trở, vô luân và vô nhân.

Công dân Hồ Cương Quyết

Thế rồi ông bỗng trở lại Việt Nam vào đầu thế kỷ 21, không rõ vì lý do gì. Tôi vốn thích nghĩ tốt về người khác trước khi có được những thông tin chi tiết về họ để vẽ một chân dung chính xác hơn về đương sự. Do đấy tôi nghĩ có thể vấn đề mất mát biển đảo ở Việt Nam đã khiến ông quan tâm? Thêm vào đó là tâm trạng tự nhiên của một người lớn tuổi có khuynh hướng tìm về dĩ vãng, mà dĩ vãng đầy lý tưởng của đảng viên Cộng sản Menras cũng đáng để vuốt ve lắm chứ.

Không biết ông đã thấy những gì, đã đi những đâu, đã tiếp xúc với những ai với khả năng tiếng Việt khá lưu loát của ông, không những nói mà cả viết. Rồi ông ngỏ ý muốn xin nhập tịch Việt Nam. Cũng có thể vì chỉ có cách nhập tịch mới tạo cho ông điều kiện thích hợp để tiếp tay xây dựng một Việt Nam mà ông đã “phải lòng” từ hồi còn trẻ, như mối tình đầu và có lẽ là cuối, chăng? Tuy vậy, ông vẫn muốn là dù nhập tịch Việt song ông vẫn giữ quốc tịch của mẫu quốc. Rồi ông được toại nguyện khi chính quyền Việt Nam chấp nhận song tịch. Và vào tháng 11 năm 2009, ông chính thức trở thành người Việt Nam với hộ chiếu và căn cước hẳn hoi, với tên Hồ Cương Quyết, nghe nói cho có vẻ cùng giòng họ với Hồ Chủ tịch kính yêu vô vàn.

Đã hẳn là báo chí Việt Nam coi đấy là tin lớn. Chẳng gì đây là lần đầu tiên có “sự cố” như thế này vì từ bao nhiêu thập niên nay chỉ thấy người Việt đi nhập tịch tứ phương thiên hạ, con số nay cũng lên tới cả hai, ba triệu, và có triển vọng tăng nữa. Chứ có ai thấy người nước ngoài nhập tịch Việt Nam đâu. Xin mở/đóng ngoặc đơn ở đây: Trường hợp nhạc sĩ Phạm Duy là ngoại lệ, vì tuy ông là người Mỹ nhập tịch Việt Nam nhưng cái gốc của ông vẫn là người Việt, là… khúc-ruột-ngàn-dặm, mặc dù hồi ấy báo chí nhà nước CSVN cũng khua chiêng gõ trống um sùm.

Với tư cách là công dân Hồ Cương Quyết, ông Menras đã viết nhiều bài có tính xây đựng đối với quê hương thứ hai là Việt Nam này. Một trong những bài đó, khá dài, có tựa là “Con người cần có ô-xy, ánh sáng và không gian” đăng trên boxitvn.net, cho thấy ông còn muốn cứu vãn cả đảng Cộng sản Việt Nam đang suy thoái hết thuốc chữa nữa cơ. Nhà văn Nguyễn Huệ Chi, trong bài giới thiệu bài viết bằng tiếng Việt của công dân Hồ Cương Quyết, đã viết ngắn, gọn, và thâm trầm, như sau:

“Là một người Việt mới nhập quốc tịch Việt Nam, tuy vậy ông André Menras luôn có một cái nhìn thực tiễn sắc bén hiếm thấy. Ngòi bút phê phán của ông trước các vấn đề cụ thể đang diễn ra trên đất nước mà đối tượng là người cầm chịch vận mạng của dân tộc, bao giờ cũng đích đáng. Song trong khi ở Pháp, Đảng Cộng sản Pháp đang vỡ ra từng mảng thì ông lại có một niềm tin rất đáng yêu về một triển vọng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ không chóng thì chầy từ nguy cơ suy thoái đang hiển hiện trước mắt lại có thể trở lại trong sạch như pha lê bởi đó là Đảng Cộng sản của người Việt Nam, một dân tộc với những phẩm chất mà ông yêu quý tự đáy lòng. Lão Tử cho rằng trở về với bản tính hồn nhiên của ‘anh nhi’ -- trẻ thơ/ngây thơ – là vươn đến đỉnh cao trong phương thức sống của một triết nhân đạt đạo. Cầu chúc cho công dân Việt Nam Hồ Cương Quyết tìm được bí quyết đó trong tư duy như Lão Tử khuyên dạy.”

Chẳng biết Đảng CSVN có lắng nghe công dân Hồ Cương Quyết quyết lòng làm sạch đảng hay không, nhưng Đảng đã chỉ thị cho truyền thông Đảng nắm trong tay quyền sinh sát làm những gì cần làm. Khi công dân Hồ Cương Quyết tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm chiếm biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam hồi giữa năm, lại còn viết bài "Hãy lên tiếng, dõng dạc và minh bạch!" dài trên 2,000 chữ và đưa cho báo nhà nước Tuần Việt Nam đăng tải, ban biên tập biết phải làm gì. Chẳng những họ cắt bài của ông đi gần nửa, lại còn sửa đổi nội dung, đến cả cái tựa cũng viết lại, thành “Biển Đông: Sợ hãi không đẩy lùi hiểm họa”. Họ quên là họ đang sống ở thời đại Internet. Nhiều báo điện tử, trong đó có Tiền Vệ (tienve.org) đã đưa vụ này, đầy đủ, lên Mạng cho cả thế giới chiêm ngưỡng.[**]

Chưa hết, Đảng lại vừa tặng cho công dân Hồ Cương Quyết một đòn còn ngoạn mục hơn, đó là bóp chết đứa con tinh thần mang nặng đẻ đau của ông nữa.

Phim tài liệu ‘Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát’

Phải công bằng mà nhận rằng đây là một phim tài liệu có giá trị, cả về hình thức lẫn nội dung. Về nội dung, đó là một loạt những phỏng vấn người dân chài chất phác, thực thà, những sự việc thật, không thêm thắt. Menras đảm trách phần phỏng vấn bằng tiếng Việt và dẫn giải trong ấn bản tiếng Pháp, và một giọng nữ dẫn trong ấn bản tiếng Việt. Cả hai dẫn bằng một giọng bình dị, như người kể chuyện, rỉ rả, không lên giọng kết án ai, kể cả quân Trung Quốc hiện đang trấn đóng vùng biển Hoàng Sa vốn thuộc về Việt Nam từ trước cả thời Gia Long, và là động lực gây ra một số chết chóc, bắt bớ, tịch thu tài sản của dân chài và họ còn bị đòi tiền chuộc nữa, diễn ra từ các năm giữa tới cuối thập niên 2000. Tóm lại, đó là một cuốn phim phóng sự có giá trị tài liệu, trình bầy không thêm thắt những mảnh đời dân chài ít người Việt có dịp biết đến, nếu không nhờ nhóm quay phim cất công về tận nơi, ra tận đảo (Lý Sơn) để quay phim và phỏng vấn.

André Menras phỏng vấn gia đình ông Nguyễn Việt cho phim “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát”. Ông Việt có người con trai tên Nguyễn Thanh Biên đi biển bị quân Trung Quốc bắt ở Hoàng Sa năm 2009, bị tịch thu hết thuyền bè, và còn bị đòi tiền chuộc. Hiện giờ gia đình vẫn còn nợ khoảng 220 triệu đồng VN tiền chuộc, có giấy chứng nhận của quân đội Trung Quốc và cả của… chính quyền Việt Nam địa phương. (Ảnh Trùng Dương, chụp từ phim tài liệu “Hoàng Sa Việt Nam”)

Vài khuôn mặt trong “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát” do André Menras thực hiện, từ trái: Em Lê thị Thanh Thanh, cư dân đảo Lý Sơn, có cha là Lê Minh Tâm, đi biển chết mất xác; Bà Lê thị Sanh, cư dân đảo Lý Sơn, có chồng là Nguyễn Hoàng, đi biển mất tích với năm người khác, đề lại cho bà ba đứa con không một phương tiện sinh nhai; ông Võ Hiển Đạt, 80t, gia đình sống nhiều đời trên đảo Lý Sơn, nói Hoàng Sa thuộc về Việt Nam từ trước cả thời Vua Gia Long, và ông còn giữ nhiều tài liệu liên hệ. (Ảnh Trùng Dương, chụp từ phim tài liệu “Hoàng Sa”)

Cái làm người xem động lòng thương tâm, và có lẽ là cái làm cho chế độ CSVN nhột nhạt, là những ngưởi dân chất phác hiền lành chịu đựng mọi rủi ro, tai ương thiên nhiên cũng như thời thế nhân tạo, hoàn toàn trong sự cô đơn, không có một an ủi, vỗ về, chứ đừng nói tới bênh vực, từ những người đại diện chinh quyền. Phải chăng đây chính là sự thiếu xót của phim, đó là đã không có phần phỏng vấn các viên chức địa phương, hoặc muốn mà không thực hiện được, vì chẳng ai dại gì ra mặt?

Với tôi, sức mạnh của một bài phóng sự, phim tài liệu, là thái độ thản nhiên trình bầy, không dùng những tiếng tĩnh tự hay trạng tự -- tiếng báo chí Mỹ gọi là “show, don’t tell” --, không mao tôn cương, không cả dùng những tiếng nhạc dồn dập, khích động, những xảo thuật điện ảnh, như trong một số phim tài liệu về Việt Nam, kể cả của người ở hải ngoại thực hiện mà tôi đã có dịp xem gần đây. Hãy tôn trọng độc/khán giả và để họ tự rút ra kết luận của riêng mình. “Hoàng Sa Việt Nam: Niềm đau mất mát” đã hoàn thành sứ mệnh đó. Có lẽ vì thế mà nó bị cấm?

Trong cái rủi ro thường bao giờ cũng có cái may, tiếng Mỹ là “silver lining”. Nhờ bị cấm đoán của chính quyền mà cuốn phim tài liệu “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát” đã tìm đường lên Internet, được posted trên YouTube, và chúng ta ở hải ngoại đã được dịp xem. (Bạn đọc nào sử dụng Real Player ấn bản mới, miễn phí, có thể tải nguyên cuốn phim 59 phút này xuống máy computer của mình để xem offline hoặc chia sẻ với bằng hữu.)

Công bố sự có mặt của cuốn phim tài liệu tại YouTube, Menras vừa viết trên boxitvn.net, ngày 20 tháng 12 vừa qua, như sau:

“Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát” đã có phiên bản tiếng Việt

Các bạn thân mến,

Tôi rất vui mừng báo tin với các bạn rằng, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của một số thân hữu của tôi, kể từ hôm nay, các bạn có thể vào youtube để xem trọn bộ phim “Hoàng Sa Việt Nam: La Meurtrissure, Painfull loss, Nỗi đau mất mát”, phiên bản tiếng Việt. Xin các bạn truy cập theo đường link sau đây:
http://www.youtube.com/watch?v=FaWNlxJ9OZo

Bất chấp việc cấm đoán thô bạo của chính quyền ở TP. HCM, và sau đó là thái độ im lặng khó hiểu của họ khi tôi đề nghị được giải thích, bất chấp việc tôi không thể nào tiếp cận được với các giới chức đã trì hoãn buổi chiếu phim của tôi ở Hà Nội, cuối cùng bộ phim cũng được phổ biến rộng rãi cho mọi người Việt Nam trong nước cũng như trên toàn thế giới.

Không ai có thể ngăn chận mãi tiếng nói của sự thật!

Tôi hy vọng bộ phim mà tôi đã hoàn thành với tất cả tâm huyết này sẽ mang đến cho mọi người cái nhìn khái quát và chân thật về tình cảnh khốn khó và đầy hiểm nguy mà các ngư dân cùng người thân của họ đang phải đối mặt từng ngày, từ đó các bạn sẽ có hành động hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất, nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau thương mất mát của đồng bào ta.

Về phía mình, tôi long trọng cam kết sẽ là nhịp cầu nối đáng tin cậy cho hoạt động tương thân tương ái này, với sự đảm bảo và giúp sức tận tình của các bạn bè của tôi…

Hồ Cương Quyết – André Menras

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó công dân Hồ Cương Quyết bị tống xuất khỏi Việt Nam, như chàng thanh niên André Menras đã bị trục xuất khỏi Sàigòn cách đây gần 40 năm. Liệu ông có sẽ viết một cuốn hồi ký tựa là “J’accuse…”?