Sông Ba đã “chết” do các nhà máy không “trả nước” đúng quy định.
PHÚ YÊN (NV) -Hàng trăm ngàn người dân vùng núi phía Tây tỉnh Phú Yên đang điêu đứng vì hệ thống thủy điện ở tỉnh này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và đời sống dân sinh.
Nhiều đoạn sông đã chết do thủy điện không trả nước theo quy định. (Hình: Người Lao Ðộng)
Báo Người Lao Ðộng hôm 29 tháng 12 cho biết, “Tỉnh Phú Yên có 3 công trình thủy điện là Krông H'Năng, sông Ba Hạ và sông Hinh.
Ðiều đáng nói là để xây dựng hồ thủy điện, đã có hàng ngàn hecta đất nông nghiệp của người dân bị giải tỏa, trong đó rất nhiều dân nghèo mất đất.” Tin cho hay, “Thủy điện sông Hinh hoạt động hơn 10 năm nay nhưng vẫn không thể giải quyết định canh cho người dân các xã EaTrol, Sông Hinh, Ðức Bình Ðông do bị mất gần 1,000 ha đất sản xuất.
Khu tái định cư buôn Mùi, xã EaTrol phải di dời 198 hộ, nhưng có đến 31 hộ không còn đất canh tác, chính quyền địa phương phải thường xuyên cứu đói.” Ðể xây dựng thủy điện sông Ba Hạ (huyện Sơn Hòa), ít nhất trên 3,000 ha đất sản xuất của hai tỉnh Phú Yên, Gia Lai bị giải tỏa trắng. Ngoài ra, hàng chục vạn dân sống ở vùng hạ lưu cũng lâm vào cảnh khó khăn, do thủy điện xả lũ vào mùa lụt, khô kiệt nước sản xuất, sinh hoạt vào mùa nắng. “Khi xây dựng, thủy điện đã vẽ lên một bức tranh tuyệt vời, nhưng giờ trở thành... xám xịt. Càng có nhiều công trình thủy điện thì tình trạng khô hạn vùng hạ lưu càng trở nên nghiêm trọng” - bà Ðặng Thị Lành, phó chi cục thủy lợi tỉnh Phú Yên, khẳng định. Sau khi các nhà máy thủy điện chặn dòng, nhiều đoạn trên hai con sông Hinh, sông Ba đã “chết” do các nhà máy không “trả nước” đúng quy định. Ông Chế Bá Hùng, phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Phú Yên, nói: “Ðối với các nhà máy thủy điện, giữ nước là... giữ tiền, xả nước là... mất tiền, nên họ không tuân thủ quy định”. Trong khi đó, ông Ðặng Văn Tuần thừa nhận chỉ trả nước về sông những khi cần thiết. Thực tế cho thấy dọc sông Ba ở hạ lưu chỉ trừ những ngày lũ, còn lại trơ ra nhiều bãi cát mênh mông, thảm thực vật hai bên dòng sông cũng không còn xanh tốt như trước đây.
|