Euro tròn 10 tuổi trong bối cảnh châu Âu khủng hoảng |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Hai, 02 Tháng 1 Năm 2012 14:09 |
Chưa bao giờ số phận đồng euro lại mong manh như hiện nay
Vào ngày này cách nay đúng 10 năm, đồng euro xuất hiện trong túi tiền của người dân trong hơn một chục nước châu Âu, thay thế cho đồng tiền quốc gia. 10 năm sau, khu vực đồng euro đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử đồng tiền chung duy nhất này. Thậm chí, sự tồn tại của euro còn bị đe dọa dưới sức ép của thị trường tài chính và các công ty thẩm định tài chính quốc tế. Ông Philippe Crevel, thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Thông tin về tiết kiệm và hưu bổng, một tổ chức tư vấn của Pháp, cho rằng giờ đây, người ta đã quên tất cả những ích lợi mà đồng tiền chung duy nhất này mang lại, nhất là trong lĩnh vực du lịch, trao đổi thương mại. Theo chuyên gia này, “với cuộc khủng hoảng, người ta chỉ nhớ đến những khía cạnh tiêu cực, nhưng cho đến 2008, đồng euro đã trải qua những năm tháng tốt đẹp”. Đến năm đến 2010, những dấu hiệu báo động đầu tiên xuất hiện. Sau Hy Lạp, đến lượt Aixlen và Bồ Đào Nha buộc phải cầu cứu sự giúp đỡ của quốc tế để thanh toán các khoản nợ đáo hạn. Sang đến năm 2011, khủng hoảng nợ công lây lan ra toàn khối euro: Tình hình trở nên nghiêm trọng tại Ý và Tây Ban Nha, trong khi đó, Pháp bị đe dọa mất điểm tín nhiệm AAA. Châu Âu tổ chức hàng loạt Hội nghị Thượng đỉnh để đối phó với khủng hoảng, các kế hoạch thắt lưng buộc bụng liên tiếp được đưa ra, “bão tài chính” thổi bay lãnh đạo chính phủ nhiều nước, như George Panpandréou ở Hy Lạp, Silvio Berlunisco tại Ý, Brian Cowen ở Aixlen, José Luis Zapatero tại Tây Ban Nha, José Socrates ở Bồ Đào Nha. Ông Sylvain Broyer, kinh tế gia ở Ngân hàng Natixis đề cập đến hai kịch bản có thể xẩy ra: Hoặc khu vực euro tan rã và các nước châu Âu quay lại dùng đồng tiền quốc gia, hoặc sẽ hình thành hai nhóm nước trong khối này. Cả hai trường hợp đều gây ra thảm họa cho châu Âu : Suy thoái kinh tế, lãi suất tăng cao, khu vực ngân hàng bị khủng hoảng nặng nề. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 09/12/2011 ở Bruxelles, các lãnh đạo của 26 thành viên Liên Hiệp Châu Âu – ngoại trừ Anh Quốc không tham gia – đã đồng ý cần phải xem xét và sửa đổi Hiệp định châu Âu, nhưng công việc này chỉ bắt đầu vào tháng Ba năm nay, 2012. Trong những tháng tới, nhiều nước trong khu vực đồng euro sẽ phải huy động tài chính ồ ạt trên thị trường để thanh toán các khoản nợ. Các Nhà nước, doanh nghiệp và ngân hàng sẽ vay được bao nhiêu và ở mức lãi suất nào ? Đây là một trắc nghiệm đầy rủi ro đối với chính đồng euro.
|