Tập đoàn VN 'độc quyền trả lương cao' |
Tác Giả: BBC |
Thứ Năm, 29 Tháng 12 Năm 2011 12:38 |
Làm ăn lỗ nặng nhưng trả lương rất cao của ngành điện lực. Khói cao ngất trời trong vụ cháy tháp đôi EVN, tập đoàn lỗ 40 nghìn tỷ VND
Những ngày cuối năm 2011, một năm nổi bật nhiều vấn đề cho các tổng công ty nhà nước tại Việt Nam, dư luận nước này lại choáng váng khi nghe tin về lương cao quá mức cho quan chức Tập đoàn Điện lực EVN. Một loạt tờ báo, gồm cả báo của ngành công an đã vào cuộc nêu ra điều họ gọi là 'nghịch lý': làm ăn lỗ nặng nhưng trả lương rất cao của ngành điện lực. Chủ đề này đang khơi ra các vấn đề chung của nhiều công ty nhà nước hoạt động tại khu vực thiếu minh bạch về quyền sở hữu và trách nhiệm quản trị. Nhân dịp năm hết Tết đến, báo Việt Nam đưa tin thống kê của nhà nước cho thấy tại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, mức thưởng Tết cao nhất là 130 triệu đồng/người, trung bình 8,2 triệu đồng/người. Nhưng vấn đề là ở chỗ lương và tiền thưởng bị coi là quá cao tại chính các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Cao hơn lương tổng bí thư Theo một bài trên tờ Công an Nhân dân gần đây, lương của nhân viên tại Tập đoàn Điện lực VN là 13,7 triệu đồng một nhưng lương bình quân khối văn phòng tổng công ty lên tới gần 30 triệu VND một tháng, dù công việc tại các văn phòng đều chỉ mang tính bàn giấy. Tờ báo này, trong bài của ông Bấm Khổng Minh Dụ cho rằng mỗi năm EVN phải chi lương cho khối văn phòng trên 140 tỉ đồng trong đó lương lãnh đạo là 60-70 triệu. Điều đáng nói, theo báo chí Việt Nam là EVN, đã làm ăn thua lỗ (40 nghìn tỷ VND) nhưng vẫn có số nhân viên gần một vạn người và trả lương cho tổng giám đốc cao hơn Tổng bí thư Đảng cầm quyền. EVN cũng vừa tăng giá điện cho người tiêu dùng lên 5%. Trang Tổ Quốc trích lời Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nói về các doanh nghiệp nhà nước trả lương cao cho quan chức như sau: "Hiện nay lương của Chủ tịch tập đoàn là 61 triệu, nếu thực hiện nâng lương tối thiểu tới năm 2012 họ sẽ là 77 triệu đồng/tháng theo đúng chế độ quy định. Trong khi đó, Tổng bí thư lương được 13 triệu/tháng, bộ trưởng làm 10 năm lên được 45 triệu /tháng." Cách làm ăn của EVN và nhiều tập đoàn nhà nước khác là hưởng lợi từ cả hai chế độ công tư không rõ ràng. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội được báo Việt Nam trích lời nói: "Ở đây không phân biệt rõ giữa sở hữu và hoạt động sản xuất kinh doanh trên vốn sở hữu đó vậy nên dẫn đến sự không minh bạch giữa nguồn ra, vì vốn làm ra nguồn tiền, tức là giá trị gia tăng của anh là gì, anh chia tiền lương trên tổng vốn của Nhà nước, vào chi phí chứ không phải hiệu quả," Ông giải thích hiện tượng không minh bạch trong hạch toán kinh tế này: "Nếu không [có minh bạch] doanh nghiệp sẽ có hai sổ, khi trình lương cao thì họ báo lãi, khi xin vốn Nhà nước lại kêu lỗ, tức là thế nào cũng giải thích được," Ông cũng nói về cách tổng công ty quốc doanh rằng "họ kinh doanh trong những lĩnh vực rất có ưu thế, tức là có lợi thế cạnh tranh, sản xuất những sản phẩm có tính chất đặc biệt như khai thác tài nguyên: dầu khí, than… kinh doanh độc quyền," Sự thiếu minh mạch trong quan hệ sở hữu đi vào cả cơ cấu của các doanh nghiệp nhà nước. Thua lỗ Nhà nước chịu Ông Nguyễn Hữu Dũng nói: "Có khi Chủ tịch Hội đồng quản lý lại là Tổng Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc lại là ủy viên Hội đồng quản lý, nó đang nhập nhằng như thế, giữa vấn đề chủ sở hữu và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa rõ ràng." Lương cao cho quan chức doanh nghiệp nhà nước đang là vấn đề xã hội tại Việt Nam Báo Công an Nhân dân thì nêu ra ví dụ hồi đầu tháng 12 chuyện ở Tổng công ty Xăng dầu (Petrolimex) chi sai nguyên tắc trên 500 tỉ đồng, nhưng lại gộp vào các khoản lỗ để Nhà nước phải chịu. Ngoài ra còn có ngành ngân hàng, và nhìn chung, vẫn theo tờ báo này, chỉ trong mấy năm thôi mà ngành ngân hàng Việt Nam "đã để thất thoát tới 8.000 tỷ đồng, giỏi lắm chỉ thu lại được 2.000 tỷ, mất toi 6.000 tỷ". Tác giả Khổng Minh Dụ nêu ý kiến chua chát, "Vậy mà lương bình quân của ngành này lại cao ngất ngưởng". Nhà báo này nêu ra vấn đề "nghịch lý" trong việc trả lương và tham nhũng tại các tập đoàn nhà nước và đặt ra câu hỏi về công bằng xã hội. Các đại công ty nhận vốn của nhà nước tại Việt Nam đã bị nhiều nhà quan sát nước ngoài từ lâu nay cho là "vấn nạn chính" của Bấm cải tổ hệ thống kinh tế pha trộn cộng sản và tư bản tại Việt Nam hiện nay. Các báo nước ngoài đang chờ xem vụ xử tập đoàn đóng tàu Vinashin vào tháng 1/2012 tại London sẽ diễn biến ra sao và chính phủ Việt Nam sẽ rút ra bài học gì. Và càng gần đây, dư luận Việt Nam cùng báo chí chính thống bắt đầu nhận thấy các nhóm đặc quyền đặc lợi tập hợp trong những tập đoàn này bất lực trong việc đem lại hiệu quả kinh tế cho toàn xã hội như mong muốn. Câu hỏi là hệ thống cầm quyền ở Việt Nam có dám động vào các "con cưng" của họ khi chúng đã thành các "đại gia nặng nợ" hay không. Bối cảnh chung hiện nay là Việt Nam phải giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế với GDP cả năm đạt 5.89% chứ không còn là con số 7-8% như trước. Ngân hàng Thế giới cũng khuyến cáo Hà Nội cải thiện tính hiệu quả của đầu tư công thông qua phân bổ hợp lý hơn. Định chế tài chính này cho rằng tại Việt Nam hiện "có những rủi ro hệ thống tiềm tàng trong khu vực tài chính do: tăng trưởng tín dụng cao bất bình thường trong các năm trước, lãi cho vay cao và khả năng quản lý rủi ro kém".
|