Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-12-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-12-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Năm, 29 Tháng 12 Năm 2011 11:48

Putin cài những người thân cận vào các chức vụ chủ chốt

 
Thủ tướng Nga, ông Vladimir Putin (REUTERS)

 

Từ nhiều ngày nay, chính quyền Nga đã cho tiến hành một loạt các bổ nhiệm mới thay đổi nhân sự ngay trong nội bộ chính quyền.

 Đằng sau động thái này ẩn chứa một thông điệp cho biết thủ tướng Nga sẽ cứng rắn hơn với các phe đối lập. Đây cũng là đề tài được nhật báo Le Monde số ra hôm nay quan tâm đến.

 Le Monde nhận định tín hiệu mở cửa theo mong muốn của những người biểu tình là một điều xa vời.

 Hôm thứ ba 27/12 vừa qua, Vladimir Putin đã bổ nhiệm ông Vladislav Sourkov, phó chánh văn phòng phủ tổng thống, được cho là « mưu sĩ » và « nhà tư tưởng chính » của hệ thống Putin, vào vị trí phó thủ tướng, phụ trách mảng hiện đại hóa nền kinh tế.
 
Nhật báo Kommersant Nga cho rằng ông này phải rời khỏi văn phòng tổng thống là vì ông đã phạm phải hàng loạt các sai lầm. Như vậy, vị trí của ông Sourkov sẽ do ông Viatcheslav Volodine đảm nhiệm, một lãnh đạo của đảng nước Nga thống nhất và là chánh văn phòng thủ tướng. Ông Volodine nổi tiếng là một người cứng rắn và rất bảo thủ.
 
Trước đó, thứ tư ngày 21/12, vị trí chánh văn phòng phủ tổng thống, vốn do ông Serguei Narychkine nắm giữ, cũng đã được trao lại cho ông Serguei Ivanov, một nhân vật thân cận khác của ông Putin.
 
Theo Le Monde, việc bổ nhiệm những người mới vào các vị trí chủ chốt cho thấy thái độ cứng rắn của chính quyền Matxcơva. Hơn thế nữa, đáp trả những đòi hỏi của phe đối lập, ông Putin khẳng khái tuyên bố rằng « không có chuyện phải xem xét lại kết quả bầu cử. Bầu cử đã chấm dứt ».

Ông cũng khẳng định « không việc gì phải gian lận » trong đợt bầu cử tổng thống vào tháng 3 sắp tới.
 
Khi nói về thành công của các vụ xuống đường biểu tình vừa qua, ông Putin đánh giá rằng « ngay trong lòng phe đối lập chẳng có người nào có thể hành động cụ thể, họ cũng chẳng có một chương trình chung, và không có mục tiêu rõ ràng. Họ chỉ tìm cách phá hỏng tính hợp pháp tiến trình bầu cử ».
 
Le Monde cho biết ông Alexei Koudrine, cựu Bộ trưởng tài chính Nga, đã từ chức do bất đồng chính kiến với tổng thống Medvedev, muốn thể hiện thiện chí làm cầu nối giữa chính quyền và các phe đối lập.

 Ông này khẳng định rằng thủ tướng Nga Putin sẵn sàng đàm phán. Theo ông, phe đối lập cần phải có « một cương lĩnh để đàm phán », nếu không họ không muốn để « vuột mất cơ may nhìn thấy sự thay đổi trong ôn hòa ». Tuy nhiên, việc ông Koudrine tham gia vào đoàn người biểu tình phản đối và đưa ra lời kêu đàm phán khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ về vai trò mà ông ta định nắm giữ.
 
Bình Nhưỡng : chuyển giao quyền lực nhìn từ hậu trường

Về thời sự châu Á, Le Figaro quan tâm đến chuyện hậu trường tang lễ nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Trong bài viết « Bình Nhưỡng : hậu trường việc chuyển giao quyền lực », Le Figaro mô tả cho thấy chân dung nhà lãnh đạo mới Kim Jong-un và cuộc chiến quyền lực trong lòng gia đình họ Kim này.
 
Le Figaro viết, việc Kim Jong-un dẫn đầu đoàn tang lễ rình rang của cha mình diễn ra ngày hôm qua đánh dấu một giai đoạn mới của sự chuyển giao quyền lực vốn đã được chuẩn bị rất tỉ mỉ từ ba năm nay.

 Hiện tại, tương lai của Bắc Triều Tiên vẫn là một phương trình của nhiều phép tính khó hiểu.

 Những gì mà một số nhà ngoại giao phương Tây thu thập được từ nhiều nguồn tin khác nhau về Kim Jong-un cho biết ông ta đã tham gia vào cuộc chiến chính trị khốc liệt không kém phần bạo lực, diễn ra trong hậu trường quyền lực kể từ mùa hè 2008, thời điểm ông Kim Jong-il bị nhồi máu cơ tim.
 
Theo Le Figaro, thật ra kế hoạch kế nhiệm đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Và tai nạn mùa hè 2008 chỉ thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình này.

 Trước đó, người được chọn để kế vị là Kim Jong-nam, con trai trưởng sinh năm 1961. Thế nhưng, sự kiện người này bị cảnh sát Nhật bắt giữ vì đã sử dụng passport giả để xâm nhập vào lãnh thổ xứ hoa anh đào đã khiến cho sự thăng tiến của anh ta bị đình lại.

Kim Jong-nam còn nổi tiếng là một người ăn chơi phóng đãng, thường xuyên lui tới những nơi được cho là điểm nóng ở vùng Đông-Bắc châu Á, nhất là Nhật Bản. Trong khi đó, người con trai thứ hai là Kim Jong-chol (sinh năm 1981) dưới con mắt của nhà lãnh đạo quá cố lại quá « nhu nhược ».
 
Như vậy, chỉ còn lại có Kim Jong-un, người con được ưu ái nhất.

 Le Figaro cho biết, trong việc chọn Kim Jong-un làm người kế vị, chính người vợ thứ năm của Kim Jong-il đã giữ vai trò chính yếu. Và kể từ năm 2009, người dân Bắc Triều Tiên đã được thông báo về quyền lực của nhà lãnh đạo mới.

 Dĩ nhiên, Kim Jong-un chưa được bổ nhiệm ngay, có lẽ là do không muốn làm phật lòng quân đội, do một bộ phận quân nhân nhìn sự thăng tiến này bằng con mắt không hài lòng. Tên của Kim Jong-il chỉ được công khai nhắc đến sau khi ông này được thăng hàm đại tướng.
 
Le Figaro còn lưu ý rằng ông Kim Jong-un không những giống cha về hình dáng mà cả về sức khỏe : béo phì và cao huyết áp.
 
Theo bài báo, Kim Jong-un nắm rất nhiều quyền hành trong bộ máy chính quyền. Việc ông này được thăng chức Bộ trưởng An ninh cho phép Kim Jong-un có thể giám sát mọi đối thủ của mình, bắt đầu từ người anh cùng cha khác mẹ là Kim Jong-nam.
 
Dựa vào sự hỗ trợ của Kim Jong-il và nhất là của hai nhân vật quan trọng khác là người bác kết nghĩa Jang Song-thaek và người dì là Kim Kyong-hui, Kim Jong-un đã thăng chức cho nhiều người tuyệt đối trung thành mới.

Theo nhận định của Le Figaro, những hành động này phần nào phác thảo cho thấy chân dung của một nhà lãnh đạo không chút ngần ngại. Có lẽ, chính bản thân Kim Jong-un đã giám sát việc hành quyết ông Ryu Kyong, nhân vật số hai của cơ quan tình báo vào tháng giêng rồi.
 
Indonesia : dân vùng Aceh sống dưới luật hồi giáo Sharia

Cũng tại châu Á, nhật báo công giáo La Croix có bài mô tả cuộc sống của người dân vùng Aceh dưới luật Sharia khắc nghiệt từ 10 năm nay. Theo bài báo, ngoài sự trừng phạt nghiêm ngặt, người dân vùng Aceh cho rằng việc áp dụng luật đạo luật này là bất công trong khi người dân ngày càng bất mãn với tệ nạn tham nhũng đang hoành hành.
 
Bên bờ biến vào lúc hoàng hôn, địa điểm lãng mạn thu hút nhiều cặp đôi đang ngồi ôm nhau trên các ghềnh đá. Nghịch lý thay niềm vui nho nhỏ của họ lại bị xem là bất hợp pháp theo luật Sharia. Tội « gần gũi » giữa một nam và một nữ chưa kết hôn có thể bị phạt đến 9 roi. Và cảnh sát giám sát luật sharia có quyền buộc những người phạm tội này phải kết hôn ngay tại chỗ.
 
La Croix cho biết tỉnh Aceh bị hồi giáo hóa từ thế kỷ 13. Và luật Sharia liên quan đến quyền gia đình có hiệu lực từ năm 1991. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là luật Sharia được phổ biến rộng rãi sang thành luật hình sự vào năm 2001.
 
Một đại diện của đảng chính trị cho La Croix biết rằng các quan chức địa phương đã dùng luật Sharia như là một phương tiện để gây áp lực và trấn áp người dân.
 
Theo La Croix, luật Sharia là một tập hợp những nguyên tắc hướng dẫn người theo đạo Hồi trong cuộc sống thường nhật, điều chỉnh cuộc sống riêng tư cũng như là những tội hình sự.

Tại Aceh, khác với những vùng khác tại Indonesia, theo luật Sharia một người phạm tội « gần gũi » thể xác có thể bị phạt roi ở nơi công cộng trước đền thờ của làng. Không những thế, đạo luật này còn nghiêm cấm phụ nữ không được ca hát và nhảy múa, những cử chỉ được cho là « đồi bại ».

 Theo nhận định của thành viên thuộc hiệp hội Solidaritas Perempuan, « đạo luật này quá hà khắc đối với phụ nữ, nó bao trùm lên mọi lãnh vực đời sống : từ cách ăn mặc, cho đến hành vi cử chỉ nơi công cộng […] ». Thậm chí, đạo luật này còn áp dụng cho cả các bé gái nhỏ. Đối với nhiều người dân tại vùng này, chính cách áp dụng đạo luật lại gây ra nhiều sự bất công.

 Việc buộc phụ nữ phải mặc váy trong khi làm việc ngoài đồng hay trên các sườn đồi là nguyên nhân chính gây ra nhiều tai nạn.
 
Mặt khác, luật Sharia còn giám sát chặt chẽ tất cả đàn ông trong làng phải đi nhà thờ vào trưa ngày thứ sáu. Tại Aceh, luôn luôn có đội tuần tra đi giám sát những người nào đi uống rượu hay đánh bạc. Phim ảnh cũng không được trình chiếu tại Aceh vì bị cho rằng nó phô bày cảnh thân mật giữa những người khác giới.
 
Thế nhưng, le stunami năm 2004 đã làm cho vùng này thay đổi một ít, do buộc phải mở cửa để đón tiếp các nhân viên cứu hộ người nước ngoài. Cách sống và sự tự do đi lại của số nhân viên này khiến cho việc áp dụng luật sharia cũng được mềm mỏng hơn.
 
Tuy nhiên, La Croix ghi nhận tư tưởng hồi giáo cực đoan đang có chiều hướng quay trở lại. Không những người dân tỉnh Aceh lo sợ về xu hướng cực hữu hóa luật Sharia mà họ còn chỉ trích mạnh mẽ việc áp dụng đạo luật không công bằng. Ai cũng biết rằng những người giàu của tỉnh Aceh đi hội hè và uống rượu tại Jakarta hay đi gặp các cô gái.
 
Dầu hỏa : tại sao giá dầu vẫn còn cao ?

Liên quan đến tình hình kinh tế, nhật báo Les Echos có bài viết giải thích vì sao giá dầu hỏa vẫn cao mặc dù kinh tế tại Mỹ và châu Âu đang bị suy thoái.
 
Les Echos cho rằng chính các mối căng thẳng địa chính trị giải thích phần nào cho biết vì sao giá dầu vẫn cao. Bị châu Âu và Mỹ đe dọa cấm vận ngành xuất khẩu dầu lửa, Iran đã đặt thị trường dầu hỏa dưới áp lực mạnh.

 Iran đe dọa sẽ cho đóng cửa eo biển Ormuz, nơi trung chuyển khoảng 40% lượng dầu thế giới. Les Echos cho biết, việc hải quân Iran cho thực hiện các cuộc tập trận trong khu vực eo biển từ 10 ngày nay, đã khiến cho thị trường dầu hỏa thêm căng thẳng. Vấn đề đặt ra là hiện tại chưa có phương cách nào để thay thế cho việc vận chuyển qua eo biển Ormuz.
 
Cách mạng « mùa xuân Ả Rập » cũng là nguyên nhân khiến giá dầu tăng. Các sự kiện xảy ra trong vùng Trung Đông đã khiến cho sản lượng khai thác dầu tại Libya bị sụt giảm. Không những thế, nó còn khiến cho Ả Rập Xê Út phải tăng mạnh các khoản chi tiêu công.

 Tại Barhein, do e sợ sự nổi dậy của cộng đồng người Chiite, quốc vương wahhabit công bố một dự án đầu tư trị giá 130 tỷ đô-la trong năm năm. Tất cả các biện pháp như xây dựng nhà ở, tăng thêm 15% lương cho công chức đã để lại những tác động nặng nề cho ngân sách nhà nước. Chính các biện pháp này, khiến các quốc gia sản xuất dầu lửa buộc phải tăng giá dầu lên thêm 20 đô-la/ thùng.
 
Một nguyên nhân khác khiến giá dầu vẫn cao, theo Les Echos, chính là do cơn khát dầu hỏa cầu ngày càng tăng của các nước mới trỗi dậy.

 Theo ước tính của Cơ quan năng lượng quốc tế, hành tinh sẽ tiêu thụ đến 90,3 triệu thùng dầu/ ngày. Trong khi đó, khả năng sản xuất thì lại có giới hạn, khoảng 4 triệu thùng/ ngày tại các nước thuộc khối Hiệp hội các nước sản xuất và xuất khẩu dầu hỏa.
 
Và nguyên nhân cuối cùng chính là việc phát triển các mỏ dầu sâu trong lòng đất hay việc khai thác khí đá phiến cũng khiến cho giá dầu tăng mạnh.
 
Cuối cùng, Les Echos tự hỏi, trong bối cảnh hiện nay, lệnh câm vận lên dầu hỏa Iran có thể sẽ có tác động gì ?

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, « việc đóng cửa eo biển Ormuz có lẽ sẽ có nhiều hậu quả nặng nề lên giá dầu ».