''Cấm vận xuất cảng dầu lửa của Iran thì sẽ không một giọt dầu nào có thể đi qua eo biển Hormuz.”
TEHRAN (Reuters) -Hôm Thứ Ba, Iran đưa ra lời đe dọa sẽ chặn đường chở dầu thô từ vịnh Ba Tư qua eo biển Hormuz nếu bị các nước Tây phương gia tăng biện pháp cấm vận.
Eo biển Hormuz, cửa ngõ ra vào vịnh Ba Tư. (Bản đồ: Người Việt)
Eo biển Hormuz nơi hẹp nhất là 4 dặm nằm giữa Iran và Oman. Khoảng 1/3 dầu thô xuất cảng từ Trung Ðông, bao gồm phần lớn dầu thô khai thác ở Saudi Arabia, Kuwait, Iran, Iraq, và UAE (tức là Liên hiệp 7 Tiểu vương quốc Á Rập) chở bằng các tàu dầu đi qua eo biển Hormuz.
Ngoài ra hầu hết khí đốt hóa lỏng từ Qatar, quốc gia đứng đầu về xuất cảng khí đốt, cũng được vận chuyển qua đường biển này. Trước đây 5 tuần lễ, bộ trưởng ngoại giao các quốc gia EU (Liên Hiệp Âu Châu) quyết định siết chặt thêm biện pháp cấm vận Iran vì nước này vẫn tiếp tục chương trình phát triển nguyên tử.
Hoa Kỳ và Liên Âu cũng dự trù biện pháp trừng phạt nguồn tài nguyên chính của Iran là cấm xuất cảng dầu lửa. Tuy nhiên Nga và Trung Quốc ngăn chặn quyết nghị này ở Liên Hiệp Quốc. Iran đứng hàng thứ 5 trên thế giới về xuất cảng dầu thô, mỗi ngày bán cho 27 nước thành viên Liên Âu 450,000 thùng nghĩa là khoảng 18%, phần lớn số còn lại bán cho Ấn Ðộ và Trung Quốc. Thông tấn xã IRNA của nhà nước Iran dẫn lời đệ nhất Phó Thủ Tướng Mohammad Reza Rami hôm Thứ Ba, nói rằng: “Nếu Tây phương cấm vận xuất cảng dầu lửa của Iran thì sẽ không một giọt dầu nào có thể đi qua eo biển Hormuz.” Trong khi đó nguồn tin từ giới kỹ nghệ dầu lửa cho biết Saudi Arabia, nước đứng đầu thế giới về xuất cảng dầu, và các nước sản xuất dầu lửa khác trong vùng Vịnh sẵn sàng bổ sung số dầu thô thiếu hụt nếu dầu thô của Iran bị cấm xuất cảng qua Liên Âu.
Tuy nhiên Rostam Qasemi, bộ trưởng dầu lửa Iran. bác bỏ tin này và cho rằng Saudi Arabia không có sự hứa hẹn thay thế vào số dầu thiếu hụt nếu dầu lửa Iran bị cấm xuất cảng. Hạm Ðội 5 của Hoa Kỳ đặt căn cứ tại Bahrein trong vùng Vịnh và các chiến hạm vẫn thường xuyên tuần tiễu bảo đảm sự tự do lưu thông hàng hải ở đây.
Lực lượng quân sự Iran, bao gồm hải quân, không quân và hỏa tiễn đặt trên đất liền có khả năng phong tỏa eo biển Hormuz nhưng trong trường hợp đó có thể đưa tới nhiều hậu quả nghiêm trọng kể cả xung đột lớn tại khu vực. Mặt khác, cũng hôm Thứ Ba, cơ quan truyền thông bán chính thức nhà nước Iran cho biết một người Mỹ bị tố cáo làm gián điệp cho CIA có thể bị án tử hình. Trong một phiên tòa đóng kín cửa, phía công tố đưa ra án tử hình, bản tin của Fars cho biết, bởi vì nghi can, được xác định tên là Amir Mirzaei Hekmati, “thú nhận ông được Hoa Kỳ huấn luyện và có dự định ngụ ý rằng Iran liên quan đến hoạt động khủng bố ở các quốc gia khác” sau khi trở về Mỹ. Phía công tố nói Hekmati vào cơ quan tình báo của Iran ba lần. Bài báo cho biết Hekmati lập lại lời thú tội trên đài truyền hình nhà nước Iran hôm 18 Tháng Mười Hai. Theo luật Iran, hoạt động gián điệp có thể bị tử hình nếu là quân nhân. Bài báo của Fars nói luật sư của ông Hekmati, chỉ đưa ra tên họ là Samadi, bác bỏ lời tố cáo. Ông nói tình báo Iran chặn không cho Hekmati đột nhập, và theo luật Iran, dự định đột nhập không cấu thành tội. Vị luật sư này nói ông Hekmati bị CIA lừa. Hiện chưa biết ngày cho phiên tòa kế tiếp. Ông Hekmati, 28 tuổi, gốc Iran, sinh ra tại Arizona. Cha của ông, đang sống ở Michigan, nói con trai ông không phải là gián điệp của CIA, và đến Iran thăm ông bà thì bị bắt. (HC)
|