Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-12- 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-12- 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Ba, 27 Tháng 12 Năm 2011 19:36

Cuộc chiến giữa đô la và đồng nhân dân tệ bắt đầu tại Châu Á

  

Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, lãnh đạo hai bên đã ký thỏa thuận tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao thương giữa hai nước.

Le Figaro dành một bài xã luận và một bài viết để phân tích sự kiện này.

 Trong bài xã luận mang tên « Nhân dân tệ-Đô la : cuộc chiến bắt đầu ở Châu Á », tờ báo nhận định, do qui mô to lớn của nền kinh tế Nhật Bản, thỏa thuận khuyến khích sử dụng đồng nhân dân tệ nói trên và việc Nhật Bản sẽ mua trái phiếu Trung Quốc để đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ của mình là một bước tiến quan trọng trong quá trình quốc tế hóa đồng nội tệ Trung Quốc.
 
Tờ báo nhấn mạnh, Trung Quốc đã tiến hành tự do hóa kinh tế, và đang từng bước thận trọng tự do hóa lĩnh vực tiền tệ.

Sự phát triển quá mau chóng của nền kinh tế nước này khiến cho một ngày gần đây, có thể nhanh hơn người ta tưởng, đồng nhân dân tệ sẽ trở thành một trong những đồng tiền chính trên thế giới.
 
Đi sâu vào chi tiết, Le Figaro có bài : « Quá trình Quốc tế hóa tất yếu của đồng nhân dân tệ ».
 
Tác giả lượt lại quá trình đồng nhân dân tệ vượt ranh giới Trung Hoa lục địa. Vào tháng giêng năm 2004, tức 6 năm sau khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, đồng nhân dân tệ mới chính thức được cho phép sử dụng ở đặc khu hành chính này để tạo thuận lợi cho việc phát triển du lịch với Hoa Lục.

Đến tháng 7 năm 2009, hai bên mới chính thức ký thỏa thuận về việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong trao đổi thương mại.
 
Kết quả là, lúc trước trữ lượng nhân tệ trong các ngân hàng Hồng Kông chỉ khoảng 12,1 tỷ, thì đến năm 2010, con số này leo lên đến 609 tỷ.

Tổng trị giá các hợp đồng giao dịch bằng nhân dân tệ tại Hồng Kông hiện tại ước tính là 1 500 tỷ. Năm ngoái, một vài công ty nước ngoài lần đầu tiên đã cho phát hành trái phiếu bằng loại tiền này. Tiếp theo quá trình quốc tế hóa chính là thỏa thuận Trung-Nhật hôm chủ nhật.
 
Le Figaro dẫn lời của một chuyên gia cho rằng, thỏa thuận Nhật-Trung đánh dấu một giai đoạn phát triển mới rất quan trọng trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên đồng tiền Trung Quốc được đưa vào trong một thỏa thuận chính thức trong giao dịch giữa hai nước.
 
Hiện tại, Trung Quốc đã trở thành đệ nhị cường quốc kinh tế, vì thế, nước này tất nhiên không thể bất chấp mãi qui luật cuộc chơi. Nước này biết là như vậy, nên đã toan kéo dài thời gian kiểm soát tiền tệ càng lâu càng tốt.

Trong giai đoạn đó, Bắc Kinh liên tiếp nhiều lần thử nghiệm đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế. Kinh tế Châu Á ngày càng nặng ký trên thế giới, Trung Quốc vì thế đã bắt đầu hướng về những vùng lân cận như Hồng Kong và khối Asean.

Chiến lược tiền tệ của Trung Quốc đã mang lại kết quả tích cực. Năm ngoái, 8% giao dịch thương mại trên thế giới được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ, trong khi năm 2009 chỉ có 1%.
 
Tác giả nhận định, việc Nhật cam kết sẽ mua trái phiếu Trung Quốc sẽ giúp tăng cường uy tín của đồng nhân dân tệ. Bắc Kinh đã quá chán ngán với sức ép của Mỹ và Châu Âu về việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Vì thế, thỏa thuận giao dịch không cần đô la Mỹ lần này giữa nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới là một thắng lợi chính trị to lớn của Bắc Kinh.
 
Trung Quốc lại nhân dịp lễ để tấn công giới li khai

Hôm qua, tòa án Trung Quốc đã tuyên phạt 10 tù giam đối với nhà dân chủ Trần Tây.

Libération quan tâm đến sự kiện qua bài viết : « Săn người li khai trong dịp Noel ».
 
Trần Tây , 53 tuổi, bị buộc tội là « kích động lật đổ chính quyền », bị kêu án 10 năm tù giam vào án hôm qua, trong một phiên tòa kéo dài 2 tiếng rưỡi ở thành phố Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu.
 
Theo tờ báo, mỗi năm, như đến hẹn lại lên, nhân việc báo đài tập trung vào lễ tết, Bắc Kinh ra sức trấn áp giới li khai.

Như vào năm 2009, nhà li khai Lưu Hiểu Ba đã bị kết án cũng vào dịp giáng sinh, ngày 25/12. Sự việc đã khiến cho Lưu Hiểu Ba lâm vòng tù tội, nhưng lại giúp ông nổi tiếng thế giới và được tặng giải Nobel Hòa Bình hồi năm ngoái.
 
Trường hợp của Trần Tây có hơi khác biệt : ông không nổi tiếng như Lưu Hiểu Ba dù « thâm niên » tham gia các phong trào phản khán của ông đã bắt đầu từ cuối những năm 1970.

Ông tham gia cả phong trào Thiên An Môn năm 1989. Lần này, khi ông bị kết án, dân mạng Trung Quốc, do không biết nhiều về ông, không mấy quan tâm. Trên trang mạng Vi Bác (Weibo), phiên bản twitter của Trung Quốc, hôm qua, sự kiện Trần Tây không được nhắc đến.
 
Tờ báo nhắc lại, do lo sợ bị ảnh hưởng bởi mùa xuân Ả Rập, từ đầu năm 2011, Bắc Kinh đã ra sức “bịt miệng” giới li khai.

Một thành viên của tổ chức Human Rights Watch, chỉ trong năm 2011, đã có bốn nhà li khai Trung Quốc bị kêu án tù tổng cộng 40 năm.
 
Bàn về động thái tăng cường trấn áp để có thể bóp chết giới li khai từ trong trứng nước, Libération còn nói thêm, do năm tới, ông Hồ Cẩm Đào sẽ hết nhiệm kỳ, nên ông này hiện không muốn để có điều bất trắc xảy ra.
 
Thị trường lao động Châu Âu đầy u ám
 
Liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Âu, nhật báo kinh tế Les Echos có bài: “Khủng hoảng đã làm gia tăng sự bất bình đẳng trong lòng Liên hiệp Châu Âu”.
 
Ủy ban Châu Âu vừa công bố báo cáo tình hình việc làm và phát triển xã hội năm 2011.

Theo đó, cuộc khủng hoảng đã làm 6 triệu người Châu Âu mất việc làm. Trong số những người thất nghiệp, người bị thất nghiệp dài hạn chiếm đến 40% và sẽ còn tiếp tục tăng. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp chiếm đến 25% trong 10/27 nước thành viên, trong đó tại Tây Ban Nha lên đến 50%.
 
Tình trạng thất nghiệp đối với vị trí có mức lương trung bình trong ngành công nghiệp chế biến, xây dựng và công trình công cộng là nghiêm trọng nhất.

Tình trạng mất việc làm của những người đó làm gia tăng khoảng cách tiền lương giữa những người lao động, khiến tình trạng bất bình đẳng thêm nghiêm trọng. Thêm vào đó, trong tình hình việc làm khó khăn người lao động phải có trình độ đào tạo nghiệp vụ thật sự cao để có thể tiếp cận được những loại việc làm mới được trả lương cao. Hậu quả là người lao động nghèo tăng lên nhanh chóng.
 
Năm 2009, người Châu Âu có nguy cơ lâm cảnh nghèo và bị đẩy ra bên lề xã hội lên đến 114 triệu người, tức chiếm ¼ dân số của Châu lục.

Trong số đó, 40% người đã trên tuổi lao động, nghiêm trọng nhất là đối với người trên 75 tuổi. Đối với người trong độ tuổi lao động, có đến 8% có nguy cơ chìm sâu trong cảnh túng quẫn. Nguy cơ lâm cảnh nghèo đối với các gia đình có con cao hơn gấp hai lần so với gia đình không con.
 
Báo cáo cũng nhấn mạnh đến hiện tượng di cư, và cho rằng hiện tượng này đã góp phần quan trọng trong việc tái cấu trúc thị trường lao động Châu Âu.

 Dù bị hạn chế từ năm 2004, nhưng lượng lao động di cư vẫn tăng nhanh chóng. Tuy vậy, tình hình bớt căng thẳng do lượng di cư chựng lại bởi khủng hoảng, nhất là di cư đến những nước bị khủng hoảng nặng nề nhất.
 
Như vậy, theo ủy ban Châu Âu, cần phải có cách tiếp cận chính trị mới trước sự bấp bênh nghiêm trọng này của thị trường lao động Châu Âu. Để làm được điều đó, cần phải xem xét lại tận gốc rễ hệ thống phúc lợi xã hội và thuế khóa.
 
Em rể Kim Jong-il “nhiếp chính” thời Kim Jong-un

Tiếp tục nhìn về Bắc Triều Tiên thời hậu Kim Jong-il, nhật báo La Croix đặc biệt quan tâm đến ông Jang Song-thaek với bài chạy tựa: “Người nhiếp chính đầy quyền lực phía sau Kim Jong-un”.
 
Ông Jang Song-thaek năm nay 65 tuổi, hiện là phó chủ tịch quân ủy trung ương. Ông là chồng của em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-il, tức là dượng rể của tân lãnh đạo của chế độ Bình Nhưỡng.
 
Tờ báo thông tin khá kỉ về “tình bạn thâm niên” giữa ông này và ông Kim Jong-il. Hồi trước, ông này theo đuổi tiểu thư họ Kim, nhưng không được chủ tịch Kim Nhật Thành đồng ý, tình cảm giữa hai người vì thế đã gặp nhiều sóng gió. Cũng chính nhờ ông Kim Jong-il mà ông Jang mới đến được với người trong mộng.
 
Năm 2008, ông mang quân hàm đại tướng, bắt đầu được bổ nhiệm làm phó chủ tịch quân ủy trung ương, và tạm quyền lãnh đạo khi ông Kim Jong-un bị tai biến suýt chết.
 
Trong một đất nước mà mỗi sự kiện điều mang tính biểu tượng như ở Bắc Triều Tiên, La Croix cho rằng, việc ông Jang xuất hiện chính thức hôm qua trên đài truyền hình quốc gia khi đứng bên phải Kim Jong-un cho thấy vai trò trọng yếu của ông trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Hơn nữa, với bao kinh nghiệm chính trường, và với tuổi tác thuộc hàng thất thập, trong một xã hội còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi ý thức hệ Nho Giáo, thì ông Jang rõ ràng là một chỗ dựa vững chắc cho thanh niên họ Kim. Một chuyên gia nhận định: “Chắc chắn rằng ông Jang sẽ là người đảm bảo cho việc kéo quân đội về phía Kim Jong-un”.
 
Sóng thần làm khởi sắc thị trường xa xỉ phẩm Nhật Bản

Liên quan đến Nhật Bản thời hậu Fukushima, nhật báo Le Monde có bài chạy tựa ấn tượng: “Tại Nhật Bản, tìm xa xỉ phẩm để xua đuổi sóng thần”.
 
Có ai ngờ được rằng, thảm họa sóng thần lại có thể khuyến kích người dân móc hầu bao cho những thứ không thuộc hàng “nhu yếu phẩm”.
 
Tờ báo giải thích, sau thảm họa 11/3, bỗng nhiên lễ đính hôn và lễ cưới ở Nhật tăng lên rõ rệt. Và dĩ nhiên, các cửa hàng kim hoàn như diều gặp gió. Còn đối với những sản phẩm thuộc hàng cao cấp như Louis Vuiton, khách hàng quen thuộc đa trở lại sau khi nhận được tiền đền bù thiệt hại, và cũng để tìm cách nguôi sầu.
 
Tờ báo nhắc lại, trước đây, ngành công nghiệp hàng cao cấp của nước này rất phát triển. Nhưng kể từ khủng hoảng năm 2008 bắt nguồn từ Mỹ, nhà giàu Nhật bắt đầu thắt lưng buột bụng.

Thế nhưng, từ đầu năm 2011, ngành này có dấu hiệu khởi sắc. Sau đó, lại bị động đất, sóng thần, nhưng chỉ một thời gian sau, giới nhà giàu vẫn tìm lại thú vui xưa. Theo các chuyên gia, vào năm 2012, ngành này sẽ tăng thêm 2% nữa.
 
Bên cạnh nhu cầu hưởng thụ, người Nhật còn đang bắt đầu muốn khẳng định cá tính khi tìm đến hàng cao cấp.

 Hơn nữa, trong thời buổi khó khăn, người ta muốn mọi đầu tư phải mang tính chắc chắn và lâu dài, vì thế nhà giàu Nhật tìm đến các nhãn hiệu nổi tiếng và đắt đỏ cũng là để tìm kiếm sự đảm bảo về chất lượng hàng hóa.