Ông Jang Song Thaek nổi lên như là nhân vật có quyền lực đứng hàng thứ hai ở Bắc Triều Tiên
Kim Jong-Un và các sĩ quan cao cấp Bắc Triều Tiên. Reuters
Ngày 28/12 tới, Bắc Triều Tiên tổ chức tang lễ cho ông Kim Jong Il và trong những ngày qua, có nhiều dấu hiệu cho thấy dường như việc chuyển giao quyền lực tại nước này đã gia tăng tốc độ.
Kim Jong Un đã được các phương tiện truyền thông Bắc Triều Tiên liên tiếp nhắc đến trong cương vị lãnh đạo chủ chốt của đảng Lao động Triều Tiên, « tư lệnh tối cao » của quân đội.
Như vậy, chỉ trong có vài ngày, kể từ sau cái chết của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il 17/12, con trai ông ta, Kim Jong Un, nhanh chóng được đặt vào hai chức vụ cao nhất và quan trọng nhất của chế độ Bình Nhưỡng, đó là lãnh đạo đảng cầm quyền và chỉ huy quân đội. Hôm nay, 26/12, nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đảng độc quyền lãnh đạo Bắc Triều Tiên, đã khẳng định rằng tất cả các tổ chức của Đảng trên toàn quốc ca ngợi « tư tưởng và sự lãnh đạo của đồng chí Kim Jong Un vĩ đại ».
Tờ báo còn kêu gọi các đảng viên sẵn sàng hy sinh để « bảo vệ Ban Chấp hành Trung ương dưới sự lãnh đạo của đồng chí Kim Jong Un kính mến ». Theo tổ chức của đảng Lao động Triều Tiên thì tổng bí thư sẽ lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương, chức vụ dân sự cao nhất trong chế độ Bình Nhưỡng. Giáo sư Kim Yong Hyun, thuộc đại học Dongguk, ở Hàn Quốc giải thích với AFP rằng, bài viết của báo Rodong Sinmun báo hiệu việc Kim Jong Un sẽ sớm có được chức vụ lãnh đạo cao nhất đảng Lao động Triều Tiên mà người cha Kim Jong Il đã nắm giữ cho đến khi chết.
Ông nói, « Jong Un chưa chính thức là tổng bí thư Đảng nhưng ông ta sẽ nhanh chóng có được chức vụ này, cũng như sẽ kế thừa các chức vụ khác mà người cha đã nắm giữ ». Cho đến lúc này, Kim Jong Un chưa có chức chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, như ông nội Kim Nhật Thành và người cha Kim Jong Il, nhưng ngay từ hôm thứ Bẩy, 24/12, báo Rodong Sinmun đã gọi Kim Jong Un là « tư lệnh tối cao » của quân đội Bắc Triều Tiên. Giới chuyên gia có cùng nhận định, nắm được quyền lãnh đạo quân đội là yếu tố chủ chốt cho phép nắm quyền lãnh đạo Bắc Triều Tiên, một đất nước có vũ khí nguyên tử và 1,2 triệu binh sĩ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nêu ra khả năng Kim Jong Un chỉ là con rối do còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm lãnh đạo chính trị và quân sự. Các tín hiệu phát đi từ Bình Nhưỡng những ngày qua cho thấy dường như chế độ này tiếp tục chính sách « songun – quân đội trên hết », đề cao vai trò cực kỳ quan trọng của quân đội.
Nhưng các nhà quan sát sẽ theo dõi chặt chẽ việc tổ chức tang lễ cho ông Kim Jong Il, để tìm hiểu tương quan lực lượng trong giới lãnh đạo chóp bu ở Bắc Triều Tiên, xem ai là những nhân vật nắm thực quyền, đứng đằng sau Kim Jong Un. Hay nói một cách khác : Ai sẽ là người đưa ra lời khuyên cho Kim Jong Un và ai sẽ nghe, tuân lệnh nhân vật này ? Theo ông Ralph Cossa, chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS, « các nhiếp chính mà ông Kim Jong Il lựa chọn, như người em gái là bà Kim Kyong Hui và người em rể Jang Song Thaek, chồng của bà Kim, là những nhân vật hàng đầu, ít ra là trong giai đoạn đầu tiên, mặc dù mức độ tin tưởng đối với ông Jang không chắc chắn ». Ông Jang Song Thaek nổi lên như là nhân vật có quyền lực đứng hàng thứ hai ở Bắc Triều Tiên, kể từ năm 2008, sau khi ông Kim Jong Il bị tai biến mạch máu não.
Năm 2004, nhân vật này bị thất sủng vì dính líu đến một vụ tham nhũng và phải đi cải tạo. Năm 2005, ông ta được phục hồi. Từ năm 2007, ông phụ trách bộ phận hành chính đảng Lao động Triều Tiên và năm ngoái, 2010, được chỉ định làm phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Theo chuyên gia Ken Gause, thuộc Viện Kinh tế Triều Tiên, ông Jang là một phần tử khó nhận diện trong quá trình chuyển giao quyền lực. Sự ủng hộ của ông ta đóng vai trò thiết yếu giúp Kim Jong Un củng cố quyền lực, nhưng về lâu dài, nhân vật này có thể là một vật cản đối với Kim Jong Un. Một số nhà phân tích dự báo là trong giai đoạn đầu, Bắc Triều Tiên đặt dưới sự lãnh đạo tập thể của một nhóm các nhân vật chủ chốt trong chế độ và quân đội, còn Kim Jong Un chỉ có vai trò tượng trưng.
Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng không nên đánh giá thấp khả năng của Kim Jong Un, một nhân vật có tính cách và cá tính mạnh mẽ, cho dù còn ít kinh nghiệm chính trường. Bất luận cá tính của những người giật dây ở hậu trường Bắc Triều Tiên ra sao, họ đều có chung một lợi ích là giữ không để cho chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ. |