Home Tin Tức Thời Sự 20 năm sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga bắt đầu một cuộc cách mạng mới ?

20 năm sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga bắt đầu một cuộc cách mạng mới ? PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Phương   
Chúa Nhật, 25 Tháng 12 Năm 2011 21:04

Lịch sử nước Nga có vẻ như đang tái diễn vào đúng thời điểm kỷ niệm 20 năm

   

Toàn cảnh cuộc biểu tình tại Matxcơva ngày 24/12/2011 để phản đối kết quả bầu cử Quốc hội hôm 4/12/201.
REUTERS/Denis Sinyakov

 

Nhìn vào những cuộc biểu tình  với quay lớn chưa từng có kể từ khí ông Poutin lên nắm quyền trong tháng 12 này, người ta có cảm giác dường như lịch sử nước Nga đang tái diễn vào đúng thời điểm kỷ niệm 20 năm chế độ Liên Xô sụp đổ hoàn toàn, với việc tổng thống Mikhail Gorbachov tuyên bố từ chức ngày 25/12/1991.

 
Lần đầu tiên kể từ khi ông Vladimir Putin lên nắm quyền cuối năm 1999, đã có hàng chục ngàn người xuống đường trong tháng 12 này để phản đối những gian lận bầu cử đã giúp cho đảng cầm quyền « Nước Nga thống nhất » giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 4/12 vừa qua.

Lịch sử nước Nga có vẻ như đang tái diễn vào đúng thời điểm kỷ niệm 20 năm chế độ Liên Xô sụp đổ hoàn toàn, với việc tổng thống Mikhail Gorbachov tuyên bố từ chức ngày 25/12/1991.
 
Là người đã góp phần quan trọng làm tan rã Liên Xô, tổng thống đầu tiên của nước Nga Boris Eltsine đã khai mào cho tự do chính trị ở nước này. Nhưng trong thời gian cầm quyền sau đó, ông Eltsine đã bị cuốn vào những đấu đá chính trị, phải thỏa hiệp với một Quốc hội bất trị, báo chí thì lại được tự do quá mức. Hậu quả là nước Nga dưới thời Eltsine đã gần như rơi vào hỗn loạn.
 
Lên cầm quyền thay ông Eltsine, tổng thống Putin, nguyên là một sĩ quan KGB, đã lập lại kỷ cương theo kiểu của ông. Với danh nghĩa ổn định đất nước, ông đã hạn chế mọi quyền tự do và luôn rao giảng rằng chính thể chế đa đảng đã đưa nước Nga đến hỗn loạn trong những năm 1990.
 
Chính sách bóp nghẹt tự do ngôn luận của ông Putin đã được thể hiện qua việc Nhà nước nắm quyền kiểm soát trở lại các kênh truyền hình chính ở Nga.

Trên các kênh này, những chương trình châm biếm, tranh luận chính trị đã dần dần bị xóa bỏ. Còn tại Quốc hội, cho tới nay mọi đạo luật đều được thông qua mà hầu như không có tranh luận gì, do đảng cầm quyền « Nước Nga thống nhất » vẫn chiếm đa số áp đảo.

 Mọi cuộc xuống đường phản kháng, mọi cuộc tập hợp của các nhà đối lập đều bị giải tán một cách thô bạo.
 
Tạm thời giữ chức thủ tướng vì không thể ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ ba, ông Putin gần như chắc chắc sẽ giành lại chức tổng thống Nga trong cuộc bầu cử năm tới và như vậy đã khoá chặt quyền của cử tri Nga tự do chọn người lãnh đạo. Nói tóm lại, về mặt chính trị, nước Nga dưới thời ông Putin đã trở lại gần giống như thời Liên Xô.
 
Nhưng nay, tình thế nước Nga có vẻ như đang xoay chiều, với phong trào biểu tình phản đối gian lận bầu cử đang gia tăng cường độ.

Sau khi đàn áp những cuộc xuống đường đầu tiên, chính quyền Matxcơva nay đã phải cho tổ chức những cuộc tuần hành, cho dù một trong những khẩu hiệu của những người biểu tình là : « Nước Nga không Putin ».
 
Theo phe đối lập Nga, hôm qua, đã có đến 120 ngàn người tham gia biểu tình tại Matxcơva (cảnh sát thẩm định chỉ có 29 ngàn người). Đây là cuộc biểu tình lớn nhất chống chế độ Putin kể từ khi ông lên cầm quyền cách đây 12 năm và đặc biệt lần này những người biểu tình nhắm thẳng vào nhân vật nắm thực quyền của nước Nga hiện nay.
 
Trên đài phát thanh Tiếng vọng Matxcơva hôm qua, cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachov đã kêu gọi ông Putin hãy làm giống như ông cách đây 20 năm, đó là từ chức ngay lập tức. Ngay cả cựu bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin, mà mới tuần trước ông Putin còn xem là « một người bạn », hôm qua đã tham gia biểu tình và đòi tổ chức « bầu cử Quốc hội trước thời hạn ». Ông còn cảnh báo, nếu không có đối thoại giữa chính quyền với đối lập, một cuộc « cách mạng » sẽ bùng nổ ở Nga.
 
Trước phong trào phản kháng ngày càng lớn mạnh này, ông Putin có vẻ dứt khoát không nhân nhượng. Phát ngôn viên của ông hôm nay khẳng định là thủ tướng Putin vẫn được sự ủng hộ của đa số ở Nga. Nhưng theo nhà phân tích thuộc trung tâm Carnegie, Nikolai Petrov, cho dù cơ may đắc cử tổng thống của ông Putin rất cao, ông sẽ không thể chặn đứng đà sụt giảm uy tín.
 
Dầu sao, diễn biến tình hình tùy thuộc vào tầm mức của phong trào biểu tình.

Hiện giờ phe đối lập chưa ấn định ngày tổ chức các cuộc xuống đường mới. Trên mạng xã hội Facebook đã có những lời kêu gọi tham gia một cuộc tập hợp ngày 14/1. Nhưng nhà đối lập Boris Nemtsov thì cho rằng nên tổ chức biểu tình vào tháng hai, cho gần thời điểm bầu cử tổng thống tháng 3.