Trung Quốc : Liệu chế độ hiện hành có chuyển sang cởi mở hơn ?
Biểu tình tại Ô Khảm (Quảng Đông) 21/12/2011. REUTERS/David Gray
Tờ Le Monde hôm nay, trong phụ trương « Địa Chính trị » chú ý đến các thay đổi trên thượng đỉnh quyền lực tại nhiều quốc gia và khu vực. Bài viết mở đầu của hồ sơ này mang tựa đề : « Trung Quốc : phải chăng đang có một chuyển dịch hướng đến một sự cởi mở hơn ? ».
Bài viết nhận định, trong đại hội lần thứ 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) năm tới, Tập Cận Bình sẽ kế nhiệm Hồ Cẩm Đào trên cương vị lãnh đạo đảng và Quốc hội Trung Quốc sẽ bầu ông này làm chủ tịch nước vào năm 2013.
Theo Le Monde, Tập Cận Bình có thể thúc đẩy chế độ trở nên cởi mở hơn, trước một xã hội ngày càng có nhiều đòi hỏi gay gắt. Le Monde đưa ra một số ghi nhận về quá trình chuyển giao quyền lực hiện nay tại Trung Quốc. Về mặt nguyên tắc, gần một năm trước đại hội ĐCSTQ, các nhân vật đứng đầu Trung Quốc trong tương lai đã được lựa chọn.
Nhân vật thứ nhất là ông Tập Cận Bình như đã nói ở trên, nhân vật thứ hai là ông Lý Khắc Cường, sẽ được bổ nhiệm vào cương vị thủ tướng. Cả hai nhân vật này đã có mặt trong số 9 thành viên thường trực của Bộ Chính trị ĐCSTQ, kể từ kỳ đại hội 17 năm 2007 và hiện đảm nhiệm hai cương vị Phó chủ tịch nước và Phó thủ tướng thứ nhất.
Trong số 9 thành viên thường trực Bộ Chính trị, hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã nắm quyền trong hai khóa liền sẽ nghỉ, còn 5 thành viên khác cũng sẽ về hưu. Một số ứng cử viên vào các vị trí này được nói nhiều là Uông Dương - Bí thư tỉnh Quảng Đông, một nhân vật được coi thuộc phái « cải cách » -, Bạc Hy Lai - Bí thư thành phố Trùng Khánh, nổi tiếng các phát ngôn mao-ít - hay Lý Nguyên Triều - trưởng ban Tổ chức của ĐCSTQ. Các thành viên của Thường trực Bộ Chính trị của đảng sẽ được phân công đảm nhiệm các lĩnh vực quan trọng, như an ninh hay tuyên truyền. Trên thực tế, đây là những người đứng đầu của một loạt « các siêu bộ nằm trong hậu trường ». Le Monde nhận xét, quá trình chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Trong những tháng gần đây, hai ứng cử viên vào hai vị trí lãnh đạo chủ chốt của chế độ đã được giao một số nhiệm vụ mang tính thử thách, ví dụ như cử ông Tập Cận Bình tiếp đón phó tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Le Monde lưu ý, giai đoạn chuyển giao quyền lực là lúc mà việc điều hành đất nước có vẻ như bị tê liệt : ê kíp cũ muốn tránh những biến chuyển lệch hướng, còn ê kíp mới thì nghe ngóng chờ đợi, trước khi chính thức đứng vào cương vị cầm lái. Đây cũng là giai đoạn mà dân chúng nuôi niềm hy vọng thay đổi. Theo Le Monde, chưa bao giờ xã hội Trung Quốc lại có nhiều đòi hỏi đến như vậy, từ các công nhân nhập cư cho đến những người dân bị tước đoạt đất đai, từ các luật sư đấu tranh cho quyền dân sự, cho đến những người dùng internet nổi dậy chống lại hệ thống kiểm duyệt, … Trong khi đó, ở các vùng ngoại vi của đế chế Trung Hoa, các dân tộc Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ hay Mông Cổ đang sục sôi đòi khẳng định bản sắc. Le Monde cũng cho biết sơ qua gương mặt của « thái tử » Tập Cận Bình, con trai của Tập Trọng Huân, người chủ xướng cải cách kinh tế tại Quảng Đông trước năm 1981, và phản đối cuộc đàn áp tại Thiên An Môn.
Tập Cận Bình có nhiều quan hệ với các nhóm được coi là « tiên tiến nhất » của chế độ. Tuy nhiên, nhóm nắm quyền tối cao trong tương lai với xu hướng cải cách - là bộ mặt bên ngoài của chế độ -, vẫn tiếp tục bị cánh tả của đảng, chủ trương tiếp nối đường lối Mao Trạch Đông, kìm chế. Các chiến binh Libya hỗ trợ quân nổi dậy Syria
« Libya hỗ trợ quân nổi dậy Syria » là chủ đề của Le Figaro. Phóng sự gửi về từ Jebel al Zawiya, miền tây Syria. Phóng viên Le Figaro tiếp xúc được với các chiến binh người Libya, sau khi đã tham gia vào cuộc chiến lật đổ Kadhafi, đã đến hỗ trợ những người nổi dậy vũ trang Syria. Những người đến từ Libya vượt qua biên giới Liban – Syria để mang lại cho các binh sĩ, thuộc lực lượng vũ trang Syria tự do, nhiều vũ khí trang bị, kinh nghiệm chiến đấu và cả niềm tin vào chiến thắng trong cuộc nổi dậy chống lại chế độ độc tài. Qua các quan sát cuộc gặp gỡ giữa các chiến binh Libya với lực lượng quân đội kháng chiến Syria, Le Figaro ghi nhận, phía Lybia đưa ra những lời khuyên, đặc biệt nhấn mạnh đến việc quân nổi dậy Syria cần tổ chức tốt hơn mối liên lạc giữa các đơn vị chiến đấu và sử dụng một cách thành thạo các phương tiện kỹ thuật. Pháp : thông tri Guéant về các sinh viên nước ngoài sẽ được điều chỉnh Vấn đề thông tri liên quan đến việc làm của các sinh viên nước ngoài tốt nghiệp tại Pháp, do Bộ trưởng Nội vụ ban hành đầu năm nay được đưa ra xét lại, được rất nhiều báo Pháp quan tâm.
Theo Le Figaro, trong bối cảnh có nhiều phản đối của giới đại học và giới doanh nghiệp, tổng thống Pháp đã có cuộc gặp riêng với bộ trưởng Nội vụ Claude Guéant để bàn về chuyện này. Le Monde chú ý đến tuyên bố mới đây của bộ trưởng Nội vụ Claude Guéant về việc ban hành một thông tri mới để điều chỉnh lại thông tri cũ, bị coi là quá cứng rắn.
Phát biểu trên kênh truyền hình Europe 1, bộ trưởng Guéant khẳng định, trừng phạt các sinh viên tốt không phải là mục tiêu của thông tri 31/5/2011 và cho rằng có những hiểu lầm trong vấn đề này. Giới thân cận của Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết, thông tri mới có thể sẽ được ban hành vào đầu năm 2012. Ông Guéant nói, việc soạn thảo sẽ được tiến hành, cùng với việc « tham khảo ý kiến các bên liên quan ». Le Monde cho biết thêm, trong những ngày gần đây, khoảng 60 trí thức Pháp, đã đưa ra một kiến nghị lấy chữ ký, mang tên « Chất xám của chúng ta bao gồm tất cả các màu da », yêu cầu hủy bỏ thông tri kể trên. Trong số các trí thức tham gia có giải Noel Vật lý Pháp Albert Fert, cựu giám đốc Areva Anne Lauvergeon hay giáo sư Pierre Rosanvallon. Trong những tuần gần đây, nhiều bộ trưởng trong chính phủ cũng phản đối thông tri của Bộ Nội vụ. « Cánh hữu bình dân ủng hộ đề xuất của Guéant » là tựa đề của Le Figaro. Cùng với việc Bộ Nội vụ sẽ ra một thông tri mới để điều chỉnh thông tri cũ, tờ báo chú ý đến việc các thành viên cánh hữu của đảng cầm quyền UMP ủng hộ cuộc chiến chống lại những kẻ phạm pháp là sinh viên nước ngoài. Dự luật gia tăng trừng phạt đối với các sinh viên nước ngoài phạm pháp, được bộ trưởng Nội vụ đề xuất, sẽ được đưa ra trước Quốc hội vào đầu năm tới. Dự luật này có thể sẽ được đưa ra để thảo luận, nhưng sẽ khó có cơ hội được thông qua, trước khi Quốc hội mãn nhiệm vào giữa năm 2012. 2 tỷ người Thiên chúa giáo đón Noel
Le Figaro dưới hàng tựa « 2 tỷ người Thiên chúa giáo đón Noel », nhận xét : Thiên chúa giáo, với một phần ba nhân loại, là tôn giáo đông người theo nhất thế giới, vượt xa đạo Hồi. Số lượng tín đồ Thiên chúa giáo đông đảo là nhờ ở các nước đang phát triển. Trong hồ sơ này, Le Figaro đưa ra kết quả của một nghiên cứu của Mỹ (do trung tâm The Pew Forum on Religion & Public Life thực hiện), vừa xuất bản trong tuần này, nêu bật một số đặc biệt chủ yếu của sự biến đổi của đạo Thiên chúa trong vòng 1 thế kỷ qua. Theo đó, với hơn 2 tỷ tín đồ, đạo Thiên chúa đã tăng gấp ba lần so với cách đây 100 năm. Và nếu như vào năm 2010, đến gần 70% người Thiên chúa giáo sống ở châu Âu và Bắc Mỹ, thì đến năm 2010, tỷ lệ này chỉ còn là gần 40%. Riêng số người theo đạo Thiên chúa ở Châu Phi và Châu Mỹ La tinh hiện nay đã chiếm đến khoảng 50% tổng số. Để có thế thấy rõ sự đảo ngược này, Le Figaro đưa ra hai ví dụ, số lượng người theo đạo Tin Lành hiện nay tại Nigeria gấp hai lần so với người đồng đạo tại Đức, hay Brazil có số người theo Công giáo gấp đôi nước Ý. Ở châu Á, tỷ lệ này tăng từ 3-7% trong cùng thời gian này. Riêng tại khu vực Cận đông và Bắc Phi, tỷ lệ người theo đạo Thiên chúa ở mức thấp nhất, chưa đến 1%. Số người Thiên chúa giáo ở khu vực này còn thấp hơn cả ở Indonesia. Một điểm quan trọng nữa là, 90% người theo đạo Thiên chúa sống ở 158 quốc gia, nơi mà tôn giáo này chiếm đa số dân cư.
Nói một cách khác, người Thiên chúa giáo, chiếm 1/3 dân số toàn cầu, là thành phần dân cư chiếm đa số tại 2/3 các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, khái niệm đa số này chỉ mang tính nguyên tắc. Vì trên thực tế, như nghiên cứu kể trên cho thấy, tôn giáo này phân thành nhiều nhánh rất khác biệt nhau. Một nửa số người Thiên chúa giáo theo Công giáo, tương đương 1,1 tỷ, đạo Tin lành chiếm 37% và Chính thống giáo là 12%. Le Figaro cũng chú ý đến ảnh hưởng ngày càng mạnh của các hệ phái Phúc Âm Tin Lành tại khắp các châu lục. Pháp : tình trạng thiếu linh mục trẻ
Về Công giáo ở Pháp, Le Monde và Libération chú ý đến hiện tượng thiếu vắng linh mục và nhiều tu viện cho nữ giới phải đóng cửa vì thiếu người tu qua hai hố sơ : « Nỗi khổ lớn và những chắp vá nhỏ của giáo hội Công giáo » (Le Monde) và « Các nữ tu không nơi ở » (Libération).
Phóng sự của Le Monde cho biết ông Xavier Givert, giám mục của vùng Soissons phải sống đơn độc từ nhiều năm nay, trong khi phải làm phận sự đối với 74 làng, với khoảng 12.000 dân cư. Nhịp làm việc của giám mục Soissons hết sức căng thẳng. Mỗi kỳ nghỉ cuối tuần ông phải tổ chức ba thánh lễ tại ba địa điểm, chưa kể khoảng 185 lễ rửa tội và 40 lễ cưới trong mùa xuân, vào các thứ bảy, hay khoảng 150 đám tang hàng năm.
Linh mục cho biết, một năm ông phải đi tới 25.000 km để làm được hết những việc này. Trong khi đó, số lượng người cộng tác với ông trong việc đạo chỉ còn lại hết sức ít ỏi. Giám mục Soissons phải tìm cách mời các linh mục trẻ, đến từ Châu Phi hay các cộng đồng mới để hỗ trợ. Dù sao, rất may mắn là các tín đồ bình thường đã đảm nhận đến 80% các việc trọng trong giáo phận. La Croix thì kể về cuộc sống của một linh mục vừa mới được thụ phong, qua bài phóng sự dài : « Noel đầu tiên trong đời một linh mục trẻ ».
Bài phóng sự dựa trên nhiều cuộc gặp của các phóng viên La Croix với linh mục Pierre-Etienne Grislin, 32 tuổi, kể từ khi ông được phong mục tại Angers vào tháng 6/2011. Đây là một trong số khoảng 100 linh mục trẻ được phong chức hàng năm tại Pháp, để bổ sung vào vị trí khuyết thiếu của khoảng 800 linh mục qua đời mỗi năm. Trên trang nhất các nhật báo Pháp …
Tờ Le Figaro hôm nay chú ý đến việc 2 tỷ người Thiên chúa giáo trên thế giới đón Noel. Về thời sự quốc tế, Le Figaro đưa tin : « Những người Libya đến trợ giúp quân nổi dậy tại Syria ». La Croix đưa tin về « Haiti đón mừng lễ Noel », hai năm sau động đất kinh hoàng. Tờ Libération thì hướng đến cử tri Pháp với hồ sơ bầu cử tổng thống 2012 dưới tựa đề « Để tham gia bầu cử năm 2012, bạn phải đăng ký trước ngày 31/12 ». Cũng về thời sự nước Pháp, trên trang nhất Le Monde có bài « Nước Pháp thích đánh thuế hơn là tiết kiệm », liên quan đến ngân sách nhiệm kỳ 5 năm, mà Quốc hội Pháp vừa phê chuẩn ngày 21/12. Trong số 4 phụ trương của Le Monde, đáng chú ý có phụ trương Địa Chính trị, có nhiều hồ sơ về các thay đổi chính trị lớn tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. |