Chắc chúng tôi phải tự thiêu thôi, chú ơi! Tám năm rồi còn gì!
Trước trụ sở tiếp công dân của nhà nước và trung ương đảng, số 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, vào lúc hơn 11 giờ sáng ngày Thứ ba 13-12-2011 có một đoàn gần 30 người từ Tỉnh Bình Dương đến đây khiếu kiện vì bị chính quyền địa phương lấy hết đất đai làm khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương. Trong đoàn có một ông già hơn 80 tuổi. Mặc dù đoàn người đang chuẩn bị ra về, nhưng ông vẫn ngồi bệt trước cổng cơ quan nầy, vẻ như vừa mệt mỏi, vừa không tha thiết gì đến việc trở về nhà. Cạnh đó là một phụ nữ, khoảng 60 tuổi, dáng bộ nông dân, thô kệch đang cầm chiếc nón lá phe phẩy cho Ông già. Trên chiếc trán đen đủi của chị, mồ hôi cũng tươm ra lấm tấm. Tôi mon men lại gần, gạ chuyện. Ông già bỗng bật dậy, trở nên sôi nổi và hăng hái hẵn lên: “Chắc chúng tôi phải tự thiêu thôi, chú ơi! Tám năm rồi còn gì! Đất đai không còn một tấc, lấy gì mà sống. Mà sống để làm gì? Tổ tiên Ông bà dành dụm bao đời nay để lại cho con cháu một mẩu đất, nay chúng nó lấy hết. Nhà nào có một hai mẫu cũng lấy hết, có một hai sào cũng lấy hết. Nhà nước chưa phê duyệt dự án, họ đã ra quyết định thu hồi. Đất của chúng tôi chứ phải của ông của cha gì họ đâu mà thu hồi? Bồi thường ba mươi ngàn đồng, bán lại năm mười triệu, có chỗ lên tới vài ba chục triệu đồng một mét. Nhận tiền bồi thường một mẫu đất, không đủ mua lại nửa cái nền nhà ngay tại phần đất mình vừa bị thu hồi. Như vậy mà tỉnh, huyện cứ cho là đã thỏa đáng, buộc chúng tôi phải nhận tiền giao đất. Dân không có đất để sản xuất nuôi sống gia đình, còn chính quyền lấy đất để giao nhà đầu tư làm sân gôn, khu vui chơi giải trí hoặc để đó chờ bán lấy lời. Ai không chịu nhận tiền, thì tổ chức cưỡng chế. Chính quyền huy động công an, quân đội, dân quân… với đầy đủ vũ khí, phương tiện cơ giới tới đập nát nhà cửa, càn ủi hoa màu, chôn vùi gia súc, lấy hết lúa gạo, tủ bàn giường chiếu, quần áo, nồi niu chén bát không chừa một thứ gì. Cả nhà người bị cưỡng chế già trẻ bé lớn đều phải bơ vơ giữa trời mưa nắng không chỗ nương thân, không biết phải lấy gì mà ăn, làm gì để sống. Ai có thái độ kháng cự thì bị bắt bớ, đánh đập, tù đày. Khiếu kiện thì đi hết chỗ nầy sang chỗ khác, chẳng ai thèm ngó tới. Từ xã, đến huyện, tỉnh, bộ, thanh tra, chính phủ, quốc hội, chủ tịch nước có ai thèm đếm xỉa tới cái thân phận hèn mọn của chúng tôi đâu. Hết xin xỏ, kiến nghị, rồi tới khiếu nại, tố cáo… gởi khắp nơi chẳng một tiếng trả lời. Bọn chính quyền phường xã lên mặt thách thức: “Các ông có đi đâu cũng vô ích thôi! Bồi thường hay không, bồi thường bao nhiêu là do chúng tôi nè! Các ông có lên tới chủ tịch nước cũng không ai giải quyết cho đâu! Có giỏi thì kiện ra quốc tế, kiện lên liên hiệp quốc đi!”. Năm bảy gia đình trong chúng tôi đã phải sống cảnh màn trời chiếu đất từ hơn hai năm nay, chẳng ai ngó ngàng tới.
Sống dở, chết dở thì chẳng thà chết còn sướng hơn. Chúng tôi đã gởi đơn thỉnh nguyện lên chủ tịch nước, xin ân xá đem ra xử bắn để chúng tôi được chết ngay còn hơn phải sống như thế nầy. Chủ tịch nước là người ở tỉnh nầy, đã từng làm bí thư tỉnh nầy. Vậy mà nhận được đơn thỉnh nguyện của chúng tôi cũng ngậm câm như hến. Kêu đến nơi quyền cao chức trọng như thế mà còn chẳng có tác dụng gì thì chắc chỉ còn nước kêu trời. Tổ tiên ông bà đổ máu và nước mắt, dành dụm để lại cho con cháu, tuy không nhiều nhưng cũng có đất để ở, để sống. Qua bao thời chiến tranh ác liệt với thực dân, phát xít, vẫn còn giữ được. Vậy mà ngày nay phải mất sạch. Con cháu tôi mai đây chỗ đâu mà ở, làm gì để có cái mà ăn. Vô công ty xí nghiệp để làm công nhân là đem thân cho người ta bóc lột. Từ sáng làm tới chiều mệt nhừ, lại phải tăng ca tới gần nửa đêm, để được nhận đồng lương chết đói. Tiền đâu nuôi vợ nuôi con, nuôi cha nuôi mẹ? Tiền đâu mua đất cất nhà? Đình công đòi tăng lương, xin cải thiện chế độ lao động thì chính quyền tiếp tay với chủ tư nhân trấn áp, đuổi việc.
Không giữ được đất đai cho con cháu, chắc khi chết tôi không thể nhắm mắt. Và khi qua bên kia thế giới, tôi cũng chẳng dám gặp lại tổ tiên, ông bà. Nhưng sống như thế này thì có hơn gì con giun con dế đâu. Vậy thì tiếp tục sống để làm gì?
Làm sao có thể đành lòng nhìn cảnh bất công. Cán bộ thỉ có hằng trăm mẫu đất, lên xe xuống ngựa, ăn chơi ầm ĩ suốt ngày, con cái lại đi học ngoại quốc. Còn dân đen thì…”
Giọng ông già khi thì phẫn nộ, lúc lại trầm trầm như tự than van, kể lể. Tôi cứ lặng thinh chờ đợi để nghe cho hết, mà có cái gì cứ nhói nhói trong tim. Người phụ nữ ngưng quạt cho ông già. Chị giở từng trang trong xấp giấy tờ cầm trên tay để chứng minh cho tôi thấy tất cả những điều Ông già vừa nói đều là sự thật, trong đó có đơn thỉnh nguyện đã gởi chủ tịch nước xin cho những người bị cưỡng chế thu hồi đất được xử bắn thay vì phải chết dần chết mòn như hiện nay. Có tới hai lá đơn, một gởi cho Ông Nguyễn Minh Triết vào năm 2010, và một gởi cho Ông Trương Tấn Sang mấy tháng trước đây. Chị nghẹn ngào trong nước mắt: “đã có lần chú tôi đi cùng bà con lên UBND tỉnh Bình Dương. Ông mang theo một bình xăng để tự thiêu trước văn phòng tỉnh. Nhưng nhiều người can, và ông đã quyết định lại. Ông sẽ chết tại chợ Sài gòn, hoặc trước trụ sở Quốc hội, trước Văn phòng chính phủ hay Văn phòng chủ tịch nước gì đó ở Hà nội để mọi người biết rằng Ông chết để phản đối những người có trách nhiệm đã dung dưỡng cho tỉnh Bình Dương hà hiếp nhân dân, coi nhân dân như cỏ rác!”.
Trước khi viết lại những dòng chữ trên đây, tôi cứ suy nghĩ mãi. Lời nói của ông già và người phụ nữ không biết là những tiếng than van hay là những lời cảnh báo? |