Ðối tượng chính: Ngành nhà hàng và xây dựng
WESTMINSTER - Có bảy ngành dịch vụ ngày càng có khuynh hướng “giao dịch tiền mặt,” và hai trong số bảy ngành này - nhà hàng và xây dựng - sẽ bị tập trung thanh tra trong năm 2012.
Theo Bộ Lao Ðộng California, “kinh tế ngầm” ở California lên đến hơn $140 tỉ, làm thất thoát ngân sách tiểu bang $7 tỉ mỗi năm, và là một “đe dọa đáng kể cho ngân sách”. (Hình: AP)
Theo báo cáo của Cơ Quan Phát Triển Lao Ðộng và Việc Làm California (Labor & Workforce Development Agency). “Kinh tế tiền mặt” “Kinh tế ngầm,” tiếng Mỹ gọi là “underground economy,” hay “shadow economy,” tiếng Việt gọi là “kinh tế tiền mặt,” bị xem là một trong những nguyên gây thất thoát ngân sách chính phủ, sẽ bị thanh tra nghiêm ngặt trong năm 2012. Bất kể những lý lẽ giải thích theo kiểu kinh tế học, sự bố ráp nền “kinh tế tiền mặt” chắc chắn sẽ phải xảy ra, khi chính quyền các cấp, từ liên bang xuống đến tiểu bang, xuống thấp hơn nữa đến địa phương, đang đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng. Ông Robert Justich, giám đốc điều hành công ty Bearn Stearns Asset Management, trả lời phỏng vấn của tờ Barron's Tháng Mười, 2010, ước tính kinh tế ngầm của Hoa Kỳ hiện đã lên tới hàng ngàn tỉ (trillion) đô la, và “cứ tự nhiên” tăng trưởng khoảng 6% mỗi năm, kể từ thập niên 1990 đến giờ. Trong khi đó, nền kinh tế chính thức Hoa Kỳ, dù với sự hỗ trợ của nhiều “gói kích cầu” khác nhau, vẫn cứ phải ì ạch từng bước một trên bậc thang hồi phục. Riêng tại California, Bộ Lao Ðộng tiểu bang đánh giá rằng nền kinh tế ngầm ở đây đã lên đến hơn $140 tỉ, làm thất thoát ngân sách tiểu bang đến $7 tỉ mỗi năm. Vì đe dọa này, Bộ Lao Ðộng California, trong một thông cáo báo chí công bố cuối Tháng Mười Một vừa qua, cho biết sau khi đúc kết cuộc thanh tra trước đó một tháng đã phạt hai công ty Premier Warehousing Ventures và Impact Logistics Inc. hơn $1 triệu vì “vi phạm trầm trọng” luật lao động. Một đoạn của thông cáo báo chí cho biết hai nhà thầu này đảm nhận việc cung cấp nhân viên cho Schneider Logistics, một công ty chuyên phân phối hàng cho công ty Walmart. Hai công ty này bị phạt vì họ lem nhem trong việc giữ “thẻ bấm giờ” (time cards) của nhân viên, và không cho biết nhân viên được tính lương như thế nào. Như dự trù của Bộ Lao Ðộng, thông cáo báo chí trên gây xôn xao dư luận, một phần vì số tiền phạt khổng lồ, hơn $1 triệu, nhưng quan trọng hơn, vì Bộ Lao Ðộng nhân dịp này gửi một thông điệp mạnh mẽ, rằng tiểu bang California hiện đang ráo riết truy lùng những cơ sở thương mại phạm vi phạm luật lao động nói chung và hoạt động trong nền kinh tế ngầm nói riêng. Kinh tế ngầm là những hoạt động thương mại mà chính phủ không thể kiểm soát, không thể tính toán, và qua đó không thể đánh thuế, được một cách chính xác. Kinh tế ngầm bao gồm cả hoạt động hợp pháp lẫn không hợp pháp. Những cơ sở thương mại hoạt động hợp pháp nhưng được xếp vào lãnh vực “kinh tế ngầm” thường giao dịch bằng tiền mặt và không có hóa đơn. Giao dịch gồm mua, bán và thuê mướn giữa chủ và nhân viên. “Bất công, thất thoát công quỹ” Ðối với các chủ thương mại, lợi điểm của “cash business” là họ tránh không phải trả các khoản thuế nhân viên, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, ngày nghỉ phép, v.v... Tùy theo ngành, đây là những chi phí đáng kể, có thể lên tới 40% phí tổn mướn một nhân viên. Chẳng hạn khi mướn một nhân viên với giá lương $50,000 một năm, chủ nhân có thể phải tốn thêm $20,000 nữa, cho những chi phí trên. Công nhân đi làm lấy tiền mặt cũng có lợi vì tiền lương không bị khấu trừ, cuối năm không phải đóng thuế lợi tức. Vì tiết kiệm được nhiều phí tổn, giá của những dịch vụ tiền mặt hay buôn bán tiền mặt thường rẻ hơn so giá của những nơi làm ăn chính thức, và điều này có lợi cho giới tiêu thụ. Giới chủ có lợi, nhân viên có lợi, giới tiêu thụ cũng có lợi, vậy tại sao lại nói rằng nền kinh tế ngầm làm thất thoát của California mỗi năm khoảng $7 tỉ, và xem đó là là một đe dọa cho ngân sách tiểu bang? Gọi những cơ sở thương mại trả lương tiền mặt là “cheats” (ăn gian), bà Christine Baker, giám đốc Sở Quan Hệ Công Nghệ Tiểu Bang California (California Department of Industrial Relations - DIR), cho biết DIR đang hợp tác chặt chẽ với cơ quan có tên “Liên Minh Thi Hành Luật Nhân Dụng” (Economic Employment Enforcement Coalitions - EEEC) để “truy bắt người ăn gian”. Trả lời phỏng vấn của phóng viên nhật báo Người Việt qua email, bà Baker giải thích:
“Chủ nhân trả lương nhân viên bằng tiền mặt không cung cấp bảo hiểm tai nạn lao động, khi nhân viên bị tai nạn lúc làm việc, họ được đưa đến phòng cấp cứu của nhà thương công, và vì thế họ là gánh nặng cho những người cơ sở làm ăn chính thức.” “Thêm vào đó, các cơ sở tiền mặt trốn thuế, làm hụt thêm ngân sách hiện đã rất thiếu hụt của California, khiến tiểu bang phải tăng thuế những cơ sở còn lại, vì thế rất bất công với người đóng thuế!” / Bà Baker viết. Ðối tượng: Nhà hàng và xây dựng Cơ quan “DIR” là một trong nhiều tổ chức chính quyền hiện đang hợp tác với “EEEC” để truy tầm những cơ sở kinh doanh hoạt động mạnh trong nền kinh tế ngầm, tương tự như hai công ty Premier Warehousing Ventures và Impact Logistics Inc. Ngoài ra, còn nhiều cơ quan, tổ chức khác cũng tham gia vào chiến dịch truy quyết kinh tế ngầm, như California Labor & Workforce Development agency (LWDA), Unemployment Development Department (EDD), United States Department of Labor (DOL), Department of Consumer Affairs, Contractors State License Board (CSLB), California State Board of Equalization (BOE), v.v... Theo tài liệu của LWDA, kể từ khi thành lập năm 2005, với ngân sách chưa tới $6 triệu một năm, và chỉ với 66 nhân viên, EEEC đã thanh tra tất cả 5,500 cơ sở thương mại thuộc các ngành hoạt động mạnh trong nền kinh tế ngầm như nông gia, ngành xây dựng, nhà hàng, may mặc, dịch vụ dọn dẹp văn phòng, rửa xe, v.v... và đã viết gần 19,000 giấy phạt, với tổng số tiền phạt lên tới $39 triệu. EEEC cũng đã giúp tiểu bang thu thêm được $46 triệu tiền thuế lương. Hơn một nửa nhân viên của EEEC là người nói được hai thứ tiếng, ngoài Anh ngữ còn có tiếng Tây Ban Nha, Việt Nam, Philippines, Hàn Quốc, tiếng Quảng Ðông... Dựa vào hồ sơ khai thuế lợi tức tiểu bang, hồ sơ khai thuế Bán Buôn và Sử Dụng (Sales và Use tax), giấy phép kinh doanh (business license), nhân viên công lực ngồi đếm khách ngay tại cửa một doanh nghiệp đang bị nghi vấn, hay giả vờ làm khách hàng. Sau đó, các nhân viên của EEEC sẽ thiết lập một danh sách những cơ sở sẽ bị thanh tra. Một bảng tường trình của EEEC gửi cho Bộ Tài Chánh tiểu bang California cho biết, trong năm 2012, EEEC sẽ tập trung nhiều vào hai ngành xây dựng và nhà hàng để tìm những người phạm luật, vì theo kinh nghiệm, đây là hai trong những ngành hoạt động mạnh trong nền kinh tế ngầm. “Chẳng đặng đừng...” Kinh tế ngầm là sự chọn lựa tự nhiên? Không nhất thiết. Một số chủ doanh nghiệp nói rằng họ “không có chọn lựa khác”. Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, ông Thành Nguyễn (tên đã đổi), năm nay 54 tuổi, là một nhà thầu trong ngành xây dựng tại thành phố Long Beach hơn 18 năm, cho biết ông “không có sự lựa chọn”. “Trước đây tôi làm ăn khai thuế đàng hoàng,” ông Thành nói, và cho biết từ 15 nhân viên lúc làm ăn phát đạt nhất, ông giờ đây chỉ còn 3 nhân viên chính thức (mà ông trả lương 50% tiền mặt), còn những nhân viên còn lại đến từ “Home Depot”. Ông Thành giải thích: “Chính phủ muốn tụi tôi làm ăn đàng hoàng, nhưng thuế ngày càng cao, tiền bảo hiểm tai nạn ngày càng đắt, nếu làm ăn như xưa, tôi không thể nào sống nổi.” Tuy thế, ông không thể làm ăn hoàn toàn “chui,” vì cơ quan cấp giấy phép hành nghề tiểu bang (Contractors State License Board - CSLB), khi kiểm tra giấy phép hành nghề của ông “sẽ biết ngay” nếu chủ nhân không khai lợi tức. Bà Hoàng (danh tánh đã thay đổi), 48 tuổi, chủ một nhà hàng khá đông khách ở Little Sài Gòn, cho phóng viên Người Việt biết bà có tất cả 16 nhân viên, nhưng chỉ trả tiền chính thức cho 6 người, những người còn lại “làm chui”. “Chúng tôi cũng muốn đóng thuế đầy đủ, làm ăn đàng hoàng, nhưng hãy nhìn xem, ai cũng hạ giá 50% OFF, không thể cạnh tranh nổi.” Trả lời câu hỏi của Người Việt, là nếu có một cách nào đó mà chính phủ bắt mọi người đóng thuế đồng đều thì có thể tăng giá để sống được không, cả bà Hoàng lẫn ông Thành đều khẳng định “có!” Vấn đề, theo họ, thì hình như càng đóng thuế đàng hoàng lại càng hay bị kiểm tra (audit). “Còn những người buôn bán trên Craigslist hay Ebay thì sao, sao không ai bắt họ đi?” Ông Thành đặt vấn đề.
Liên lạc tác giả:
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
|