Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-12-2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-12-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Ba, 20 Tháng 12 Năm 2011 11:01

Nhiều câu hỏi đặt ra sau cái chết của nhà độc tài Bắc Triều Tiên

 
Người Bắc Triều Tiên mang những vòng hoa phún điếu trong lễ viếng cố chủ tịch Kim Jong Il. Ảnh ngày 20/12/ 2011.
REUTERS/KCNA

 

Cái chết đột ngột của ông Kim Jong Il lãnh tụ cộng sản Bắc Triều Tiên, một đất nước khép kín và chứa đựng nhiều bí ẩn nhất thế giới, không chỉ chiếm trang nhất hầu hết các báo Pháp ra hôm nay mà còn là đề tài được khai thác sâu rộng ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Nhiều phán đoán bất trắc cùng những hy vọng thay đổi đã được đặt ra cho một thời kỳ hậu Kim Jong Il.

 Nhật báo Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Sau cái chết của Kim Jong Il Bắc Triều Tiên : Rơi vào hư vô ».

Theo tờ báo thì mặc dù việc kế tục sự nghiệp của vị « lãnh tụ kính yêu » này đã được chuẩn bị từ nhiều tháng qua nhưng cái chết đến khá bất ngờ với nhà độc tài  có thể gây ra những xáo trộn bất ổn ở đất nước này.

Le Monde nhận định qua hàng tựa lớn : « Một nhà độc tài mất đi, căng thẳng đe dọa châu Á ».

Cùng chung với nhận định của Le Monde, xã luận tờ Le Figaro viết : « Cái chết của Kim Jong Il mở ra một thời kỳ đầy bất trắc trên bán đảo Triều Tiên, nơi đang hoàn toàn phụ thuộc vào sự bùng phát của vấn đề hạt nhân. Người ta vẫn muốn thấy trong sự kế tục sẽ mở ra một cơ hội mới. Nhưng sự chuyển tiếp cũng có thể là thời điểm  nguy hiểm, nếu chế độ cho thấy không biến chuyển ».
 
Báo Libération thì dành hẳn 8 trang viết để mổ xẻ những hệ lụy sau cái chết của Kim Jong Il đối với đất nước Bắc Triều Tiên cũng như với khu vực châu Á. Libération nhận định « Qua đời hôm thứ Bảy, bạo chúa Kim Jong Il để lại sau mình một đất nước nhợt nhạt vì mất máu ».

Tờ báo giải thích, lãnh tụ Bắc Triều Tiên không chỉ là một kẻ độc tài mà còn là một bạo chúa đã « đẩy đất nước mình vào nạn đói, dành mọi nguồn lực có được để trang bị vũ khí hạt nhân …» .
 
Nhiều câu hỏi cũng được đặt ra sau cái chết đường đột nhưng ít nhiều cũng đã được chuẩn bị trước.

 Le Figaro đặt vấn đề việc kế thừa của người con út Kim Jong Un, đã được khẳng định cùng với thông báo cái chết của người cha.

Theo Le Figaro « Kim Jong-un chưa đầy 30 tuổi… liệu anh ta sẽ là một con người của sự thay đổi ? » hay nhân vật này chỉ là một thứ đồ chơi của cuộc đấu đá nội bộ ? Liệu anh ta có dám gây căng thẳng mới để khẳng định tính chính đáng của mình ?

Tờ báo kết luận « Trong một chế độ bị phủ kín bằng bức màn bí ẩn, vốn đã quen với việc khiêu khích và mở cửa giả tạo thì trả lời cho những câu hỏi trên là điều không thể».
 
Tuy nhiên tờ báo Công giáo La Croix lại nhận thấy sự ra đi của nhà độc tài Kim Jong Il có thể mở ra những khả năng biến chuyển nhất định. Tờ báo đặt vấn đề «Bắc Triều Tiên liệu có thay đổi ? »
 
Về tình hình bên trong Bắc Triều Tiên, La Croix cho biết mặc dù đang ở trong hòan cảnh kinh tế thê thảm, 6 triệu người dân thiếu ăn triền miên, trong đó chủ yếu là trẻ em và người già, nhưng rất ít có khả năng người dân Bắc Triều Tiên có thể vùng lên đòi lật đổ chế độ cộng sản.

Người dân hiểu được rằng Kim Jong Il là người chịu trách nhiệm của nạn đói kinh hoàng năm 1995 làm gần 2 triệu người chết. Lòng tin đối với vị lãnh tụ này cũng bị sói mòn nhiều nhưng ở bên trong Bắc Triều Tiên không có một tổ chức ly khai nào để có thể đòi một sự thay đổi. Có chăng thì chỉ ở một vài phe phái trong quân đội có thể ủng hộ thay đổi theo mô hình của Trung Quốc : Mở cửa kinh tế, giữ nguyên trạng chính trị.

Một số nhà quan sát tuy nhiên vẫn đưa ra khả năng có thay đổi chính trị « nhanh hơn dự tính » với một lãnh đạo trẻ. Nhưng dự đóan này cũng không có gì bảo đảm.
 
Cái chết của Kim Jong Il dẫn đến hệ lụy gì cho khu vực ?

Trung Quốc, đồng minh lâu đời của Bình Nhưỡng từ thời chiến tranh Triều Tiên 1950 đến nay, chỉ lo ngại những biến động ở Bắc Triều Tiên sẽ gây ra làn sóng ồ ạt người tỵ nạn tràn sang Trung Quốc. Hơn bao giờ hết Bắc Kinh sẽ ủng hộ Kim Jong-Un giữ nguyên hiện trạng.
 
Một nước láng giềng khác của Bắc Triều Tiên là Nhật Bản. Tokyo không có quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng nhưng hai bên vẫn tồn tại những tranh chấp như vụ hơn chục công dân Nhật bị bắt cóc những năm 1970 và 1980. Nhật cũng hy vọng một sự chuyển biến ở Bình nhưỡng để có thể giải quyết dứt điểm vụ này.
 
Quốc gia có liên quan trực tiếp đến sự thay đổi lãnh đạo ở Bình Nhưỡng chính là người anh em thù nghịch Hàn Quốc. Seoul luôn cảnh giác cao độ với người bà con phương bắc. Ngày hôm qua sau khi bất ngờ với tình huống đột ngột, Hàn Quốc đã chuyển qua lo lắng, đặt quân đội trong tình trạng báo động cao nhất.
 
Biến chuyển tình hình Bắc Triều Tiên có tác động gì đến hồ sơ hạt nhân ?

Theo La Croix thì chế độ Bình Nhưỡng chẳng dại gì làm lại ván bài trong khi mà vòng đàm phán tham khảo song phương với Mỹ đang hé mở những dấu hiệu hòa dịu, sau nhiều năm căng thẳng.

Đặc biệt là Bình Nhưỡng đang rất cần viện trợ lương thực để nuôi dân hàng ngày khi mà những ngày kỷ niệm trọng đại đang đến gần. Cũng trong ngày thông báo Kim Jong Il qua đời, Bình Nhưỡng cho biết đã chấp nhận ngừng chương trình làm giàu Uranium vào mục đích quân sự, một yêu cầu tiên quyết của Hoa Kỳ để nối lại các cuộc đàm phán về giải trừ hạt nhân và viện trợ lương thực.

 Các chuyên gia ở Seoul đều tin chắc là Bình nhưỡng sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ sau tang lễ. Theo La Croix, chế độ Bình Nhưỡng cũng chắc sẽ nhượng bộ nhưng sẽ không muốn đàm phán về toàn bộ vấn đề giải trừ hạt nhân. Chính kho vũ khí đó là quân bài duy nhất của họ để đem ra mặc cả trong đàm phán.
 
Trả lời cho câu hỏi của La Croix : Thay đổi ở Bắc Triều Tiên là có thể, tuy nhiên mức độ thế nào và chiều hướng ra sao thì vẫn chỉ là những phỏng đoán, hay như hy vọng của Le Figaro rằng : « Sự suy sụp kinh tế ngày càng khó giấu kín . Với công nghệ mới, các đường biên giới không còn bị khép kín nữa và người Bắc Triều Tiên cuối cùng rồi sẽ tự mình vùng lên vì điều kiện sinh tồn của họ đã bị đẩy đến mức tệ hại ».
 
Cuba tiếp tục cởi trói dần nền kinh tế

Sau một thời gian dài cố gắng đóng cửa với thế giới bên ngoài, Cuba cuối cùng không chịu đựng được nữa đang phải mở dần cánh cửa kinh tế.Sau các quyết định cho mua bán nhà và xe hơi, Cuba tiếp tục một bước mới nữa quyết định mở rộng tự do trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.
 
Theo nhật báo le Monde, bắt đầu kể từ ngày hôm nay (20/12) một bộ phận người dân Cuba có thể được tiếp cận với tín dụng ngân hàng.

Quyết định này nhằm đẩy nhanh tiến độ chương trình 300 cải cách nhằm « hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội » , như cách nói của các lãnh đạo cộng sản Cuba. Trong kế hoạch này, lãnh đạo Cuba hiện nay, ông Raoul Castro, dự tính sẽ cắt giảm biên chế khu vực nhà nước, hiện chiếm tới 90% lực lượng lao động của nước này, đồng thời tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân từng bước phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Theo Le Monde, 1,3 triệu ha đất canh tác đã được chia cho 150 nghìn nông dân tự do sản xuất và trả hoa lợi cho nhà nước. Ngoài ra những nông dân nói trên còn được bán trực tiếp sản phẩm của mình, bước đầu là cho một số nhà hàng, khách sạn.

 Để đạt mục tiêu xóa bỏ 1,3 triệu biên chế trong các cơ quan nhà nước từ nay đến năm 2015, chính quyền đã cho phép mở 181 nghề tư nhân, trong đó có các ngành nghề từ ăn uống đến bơm gas bật lửa, cắt tóc cho đến trông giữ xe.
 
Một bước tiến mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, Chủ tịch Raoul Castro đã ra quyết định mở cửa tín dụng ngân hàng cho những người lao động độc lập hay để cho những người có nhu cầu mua sắm vật tư sửa chữa hay xây dựng lại nhà cửa.
 
Nghị định mới của chính phủ cho phép người lao động được mở tài khoản thông thường. Việc vay mượn được tiến hành theo các điều kiện thỏa thuận giữa người vay và các ngân hàng trong giới hạn của ngân hàng trung ương cho phép. Người đi vay được bảo lãnh bằng thu nhập cá nhân hợp pháp hay tài sản nhà cửa.
 
Le Monde cho biết, quyết định cho phép mua bán xe hơi và nhà cửa được người dân mong đợi nhiều hơn cả.

Việc chuyển nhượng loại tài sản này từ hơn năm mươi năm qua vẫn bị cấm hay bị hạn chế bởi nhiều quy định rất khắt khe. Riêng việc chuyển nhượng xe hơi, người dân vẫn chỉ được mua bán các loại xe đã chạy từ trước năm 1959.

Chỉ có một số ưu tiên cho các nghệ sĩ, vận động viên thể thao thành tích cao hay các chuyên gia, bác sĩ làm việc ở nước ngoài mới được quyền mua xe mới. Hiện đất nước hơn 11 triệu dân này mới chỉ có khoảng 300 nghìn chiếc xe mà phần lớn là xe Mỹ từ năm những năm 1950 hay là xe của Liên Xô chế tạo.
 
Các chuyên gia theo dõi tình hình Cuba thời gian gần đây đều nhận thấy những chuyển biến này là tích cực nhưng chưa đủ để vực dậy một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã kiệt quệ. Hiện tại, vẫn theo Le Monde, kinh tế Cuba lại lệ thuộc chủ yếu vào hai đối tác Venezuela và Trung Quốc.

 Caracas cung cấp cho Cuba 115 nghìn thùng dầu mỗi ngày đổi lại, 40 nghìn người Cuba sang Venezula làm việc, chủ yếu là các bác sĩ, y tá hay chuyên gia tình báo. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai, là bạn hàng chính mua Nikel của Cuba.
 
Khắc phục hậu quả tai nạn Fukushima : Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn

Liên quan đến châu Á, nhật báo Liberation trở lại với tiến triển trong công cuộc khắc phục hậu quả tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Phải mất hơn 8 tháng kể từ sau tai họa đến tận hôm 16/12 vừa rồi chính phủ Nhật Bản mới thở phào nhẹ nhõm phần nào khi lò phản ứng bị tai nạn cuối cùng đã được làm nguội.
 
Đây là giai đoạn mấu chốt trên công trường khắc phục hậu quả tại nhà máy điện Fukushima. Tuy nhiên « trận chiến vẫn chưa kết thúc » như tuyên bố của thủ tướng Yoshiko Noda hôm thứ Sáu. Đúng là trận chiến đấu vẫn còn tiếp diễn không chỉ trên công trường của nhà máy điện mà còn cả trên một khu vực rộng lớn xung quanh nhà máy. Đó là việc giải quyết hậu quả nhiễm phóng xạ ra môi trường, thu xếp lại cuộc sống của hơn 100 nghìn dân bỗng dưng bị đảo lộn hòan toàn từ khi xảy ra tai họa động đất sóng thần.
 
Chính phủ Nhật cho biết việc sửa chữa, dọn dẹp lại các lò phản ứng của nhà máy điện Fukushima 1 thôi cũng phải mất hai đến 3 năm nữa mới tạm ổn.

Còn việc tháo gỡ hoàn toàn nhà máy thì phải tính đến thời gian 30 hay 40 năm. Cả nhà máy điện Fukushima hiện nay không hoạt động nhưng trên công trường này vẫn luôn có gần 18 nghìn nhân viên làm các công việc khắc phục hậu quả tai nạn.

Việc theo dõi y tế, bảo đảm an tòan sức khỏe cho những nhân viên này cũng đang là vấn đề nan giải cho chính phủ Nhật.