Việc bắt giữ ông al-Hashemi có vẻ mang lý do chính trị.
BAGHDAD (AP) - Chính quyền Iraq do hệ phái Shiite lãnh đạo, vừa công bố trát bắt giữ Phó Tổng Thống Tariq al-Hashemi. Nhân vật này là giới chức hệ phái Sunni cao cấp nhất trong nước bị tố cáo có liên hệ đến tội khủng bố.
Phó tổng thống Iraq, Tariq al-Hashemi, trong cuộc họp báo ở Baghdad hồi tháng 12, 2009. Ông là người thuộc phái Sunni thiểu số vừa bị chính quyền do phái Shiite lãnh đạo đưa trát bắt giữ vì bị cáo buộc tội khủng bố. (Hình: AP/Karim Kadim)
Quyết định bắt phó tổng thống được thực hiện một ngày sau khi đợt quân Mỹ cuối cùng vừa rút ra khỏi Iraq, chấm dứt cuộc chiến của Hoa Kỳ kéo dài gần chín năm. Biến cố này là dấu hiệu cho thấy có sự leo thang căng thẳng giữa các hệ phái, vốn suýt đưa đến nội chiến vài năm trước đây. Adil Daham, phát ngôn viên Bộ Nội Vụ Iraq, cho báo chí hay về trát bắt giữ, đồng thời đài truyền hình chính phủ phát đoạn tường trình mà đài này gọi là sự thú tội của những người bị cáo buộc khủng bố, đang bị giam giữ ở Bộ Nội Vụ. Họ khai đã từng nhận lệnh của ông al-Hashemi đi tấn công các viên chức chính quyền lẫn cảnh sát. Ông Dahma nói: “Trát bắt giữ Phó Tổng Thống al-Hashemi, chiếu theo luật khủng bố, vừa được năm vị thẩm phán ký. Hôm Chủ Nhật, các thẩm phán sau khi điều tra những cận vệ của ông al-Hashemi vì bị truy tố tội tấn công, đã ra lệnh cấm phó tổng thống không được du hành ra khỏi Iraq.” Ông al-Hashemi và Thủ Tướng Nouri al-Maliki thuộc hệ phái Shiite, là hai đối thủ thâm niên. Việc bắt giữ ông al-Hashemi có vẻ mang lý do chính trị. Từ lúc quân đội Mỹ xâm nhập Iraq để lật đổ ông Saddam Hussein và chế độ của đảng Baath do người thuộc hệ phái Sunni nắm giữ, phe thiểu số Sunni thường xuyên than phiền phe đa số Shiite muốn tìm cách cho họ ra rìa. Ông al-Hashemi là người nằm trong cấp lãnh đạo của khối Iraqiya được phái Sunni hậu thuẫn. Khối này tẩy chay buổi họp nghị viện Iraq hôm Thứ Bảy, để phản đối việc ông al-Maliki kiểm soát hết các chức vụ quan trọng trong chính quyền. Trong hơn một năm qua, ông al-Maliki kiểm soát hầu hết Bộ Nội Vụ và Quốc Phòng Iraq, là hai cơ quan nắm lực lượng quân đội lẫn cảnh sát. Ðồng thời xung đột giữa các chính trị gia Sunni và Shiite làm trì hoãn việc bổ nhiệm các chức vụ bộ trưởng. Hamid al-Mutlaq, một nhà làm luật phái Sunni và cũng là thành viên của khối Iraqiya, cảnh cáo, khối này sẽ bước thêm một bước nữa nếu đòi hỏi của họ không được thỏa mãn, đó là rút hết bảy bộ trưởng ra khỏi chính quyền liên hiệp. (TP)
|