Thảo luận toàn diện về một loạt các vấn đề của khu vực châu Á -Thái Bình Dương.
Ông Kurt Campbell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Thái Bình Dương. DR
Vào hôm nay, 19/12/2011, quan chức ngoại giao cao cấp thuộc ba nước Mỹ, Ấn và Nhật gặp nhau tại Washington để tham dự cuộc họp đầu tiên của một cơ chế đối thoại ba bên vừa được hình thành.
Theo các nguồn tin báo chí, chương trình nghị sự cuộc họp bao gồm nhiều lãnh vực trong đó có vấn đề an ninh hàng hải và cứu trợ thiên tai.
Về cuộc đối thoại tay ba, vào đầu tháng 12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner xác định rằng cuộc họp sẽ là cơ hội để ba “ba nền dân chủ hàng đầu trong vùng” thảo luận toàn diện về một loạt các vấn đề của khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Xin nhắc lại là cơ chế đối thoại tay ba Mỹ - Ấn – Nhật thoạt đầu là một sáng kiến được Tokyo và New Delhi đề ra từ tháng Tư năm 2010, với một cuộc họp đầu tiên dự trù vào ngày 8/10 vừa qua ở thủ đô Nhật Bản. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Mỹ, cuộc họp đã được dời qua hôm nay, và nơi họp là Washington thay vì Tokyo. Theo quan điểm của Mỹ, đây là một thành tố trong chính sách ngoại giao mới của Hoa Kỳ, đang chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Báo chí Ấn Độ vào hôm qua đoan chắc là vấn đề Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự, với các cuộc thảo luận về tình hình Biển Đông, Ấn Độ Dương, vì cả ba nước đều quan tâm đến quyền tự do hàng hải trong vùng. Trước dư luận cho rằng đối thoại tay ba Mỹ -Ấn - Nhật có mục tiêu “ngăn chặn” Trung Quốc, ông Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á - Thái Bình Dương vào hôm thứ Sáu vừa qua đã phản bác luận điểm này, xem đấy là một suy đoán “lố bịch”. Ông Kurt Campbell là trưởng phái đoàn Mỹ tham gia cuộc đối thoại tại Washington. |