Kim Jong Un đã có vị trí vững chắc trong bộ máy quyền lực
Kim Jong Un (giữa, hàng đầu tiên) trong một hội nghị của đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng ngày 30/09/2010. Reuters
Cái chết của ông Kim Jong Il gây ra nhiều lo ngại trên thế giới về nguy cơ tranh giành quyền lực tại Bắc Triều Tiên, một quốc gia có vũ khí nguyên tử. Thế nhưng, giới quan sát lại cho rằng hầu như không có nguy cơ xẩy ra đấu đá nội bộ gây rối loạn, và quá trình kế thừa lãnh đạo đã và đang được tiến hành ở nước này.
Trong thông báo về việc ông Kim Jong Il từ trần, các phương tiện truyền thông chính thức của chế độ Bình Nhưỡng đã khẳng định một cách rõ ràng : Kim Jong Un, con trai út của cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên, là một nhân vật quan trọng trong bộ máy chính quyền – ít ra là cho đến lúc này. Mặc dù Seoul đặt quân đội trong tình trạng báo động nhưng Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak kêu gọi người dân nước này hãy bình tĩnh. Ông Paik Hak Soong, thuộc Viện Sejong, một tổ chức tư vấn ở Seoul, được AFP trích dẫn, nhận định rằng « sẽ không xẩy ra ngay những rối loạn trong công việc nội bộ hoặc đối ngoại của miền Bắc ». Hơn nữa, hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA đã coi Kim Jong Un là « người kế thừa vĩ đại » và đưa ra lời kêu gọi khuôn mẫu đầy tính tuyên truyền trong các chế độ toàn trị độc tài: « Toàn đảng, toàn quân và toàn dân trung thành với sự lãnh đạo của đồng chí Kim Jong Un kính mến ». Do vậy, các nhà phân tích gạt bỏ nguy cơ xẩy ra cuộc tranh giành quyền lực hoặc quân đội làm đảo chính vào thời điểm hiện nay.
Theo chuyên gia Paik, « điều này cho thấy rõ ràng là Kim Jong Un đã có vị trí vững chắc trong bộ máy quyền lực và trong hai ngày qua, kể từ khi ông Kim qua đời, tất cả những quan chức chủ chốt trong chế độ Kim Jong Il đã quyết định ủng hộ Kim Jong Un như là một lãnh đạo mới…chế độ có vẻ ổn định với ban lãnh đạo mới » và « thời kỳ Kim Jong Un đã bắt đầu ». Cho đến khi ông Kim Jong Il bị tai biến mạch máu não vào năm 2008, ít ai biết đến Kim Jong Un. Sau sự cố này, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã hối hả thực hiện kế hoạch đưa con lên thay. Tháng 9 năm ngoái, Kim Jong Un được chỉ định giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy đảng Lao động Triều Tiên và được phong đại tướng mặc dù nhân vật này không hề có kinh nghiệm quân sự gì. Từ đó, người ta thường xuyên thấy Kim Jong Un xuất hiện bên cạnh cha. Giới phân tích nhận định, bà Kim Kyong Hui, cũng được phong làm đại tướng, em gái cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên và chồng của bà ta, ông Jang Song Thack, người được coi một cách không chính thức là nhân vật số hai của chế độ Bình Nhưỡng, là những người đỡ đầu Kim Jong Un, bảo đảm cho việc « cha truyền con nối ». Đây cũng là nhận định của giáo sư Kim Tae Hyun, ở đại học Chung Ang Seoul : Dường như Kim Jong Un có được sự ủng hộ của quân đội và các thế lực trong Đảng và chế độ Bình Nhưỡng muốn duy trì nguyên trạng. Theo chuyên gia Baek Seung Joo, thuộc Học viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, thì giới quân sự và gia đình họ Kim ủng hộ Kim Jong Un lên làm lãnh đạo và sẽ đoàn kết xung quanh nhân vật này.
Tuy nhiên, do còn non trẻ, không có kinh nghiệm lãnh đạo, Kim Jong Un sẽ tìm cách chia sẻ quyền lực hoặc liên kết với các lãnh đạo quân đội chủ chốt.
Do vậy, ông Baek cho rằng « một cuộc đấu đá quyền lực có thể xẩy ra trong tương lai, gây trở ngại cho Kim Jong Un trong việc kế thừa, bởi vì nhân vật này chưa chắc có được sự ủng hộ hoàn toàn của người dân ».
|