Home Tin Tức Thời Sự Dân Nga lên tiếng

Dân Nga lên tiếng PDF Print E-mail
Tác Giả: Việt-Long- RFA   
Thứ Sáu, 16 Tháng 12 Năm 2011 22:13

 Nước Nga diễn ra cuộc biểu tình lớn nhất từ hai chục năm nay

 kể từ khi khối Liên Bang Xô Viết cùng hệ thống Cộng Sản Đông Âu sụp đổ hoàn toàn. Thủ tướng Putin không lên tiếng. Nhà lãnh đạo đầy quyền lực ở Moscow biết lắng nghe chăng?

 
RIA Novosni / Hằng chục ngàn biểu tình ở quảng trường Bolotnaya-Moscow, 10 tháng 12- Photo: RIA Novosni

Bùng phát, nhưng ôn hoà

 Những cuộc biểu tình manh nha từ thứ hai tuần trước tại Moscow và St. Peterburg, khởi đầu khoảng vài trăm người, nhưng phong trào bùng nổ nhanh chóng qua những lời kêu gọi tập trung trên facebook, tweeter và các hệ thống thông tin giao tế xã hội.

Cao điểm là ngày thứ bảy 10 tháng 12, khoảng bốn năm chục ngàn người tràn ngập đường phố Moscow, không kể ở nhiều thành phố khác trải dài trên 8 múi giờ của nước Nga. Phong trào này không khác những sự kiện đã xảy ra từ ở Ai Cập, lan qua nhiều nước Hồi giáo, nhưng có một số đặc điểm.  

 Trước hết là chưa đầy 1 tuần con số người biểu tình từ vài trăm đã lên đến từ 25 ngàn đến 50 chục ngàn người, chỉ riêng tại Moscow.

Con số 25 ngàn do cảnh sát báo cáo, phe đối lập nêu con số từ 50 tới 80 ngàn người. Lấy trung bình cộng, tức khoảng 40 ngàn, có thể tạm đúng. Nhưng cuộc biểu tình được mô tả là hoàn toàn ôn hoà, tương đối có trật tự, dù những khẩu hiệu có khi rất mạnh mẽ, như “Putin hãy biến đi”- “Bầu cử trộm cắp lừa đảo”.

Trong khi đó thì cho đến chủ nhật chính phủ hầu như hoàn toàn im lặng. Cảnh sát phản ứng chừng mực, có nhiều vụ bắt giữ ngắn, nhưng không dấu hiệu đàn áp bằng bạo lực hay dùng thủ đoạn sử dụng côn đồ như thường thấy ở những nước độc tài cộng sản hay Hồi giáo.

  Biểu tình ở quảng trường Vostannya trước Hạ viện Nga- RIA Novosni Photo

Đặc điểm được chú ý là ông Putin im  lặng, viên chức đảng nói đảng nước Nga Thống nhất đang lắng nghe tiếng nói quần  chúng trong khi người Nga lên tiếng mạnh mẽ sau nhiều năm thụ động, sau nhiều năm ông Putin là nguồn phát biểu hầu như độc quyền ở Nga.

Mọi lời chỉ trích công khai đều bị ông phản kích và dập tắt nhanh chóng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của hệ thống truyền thông Nhà nước, tuy rằng cũng chưa có sự tố giác ông sử dụng thủ đoạn của mật vụ hay xã hội đen để trả thù hay khống chế đối lập. 

Lẩn này truyền thông Nhà nước Nga vẫn thiên vị chính phủ. Tuy nhiên không phải tất cả hay phần đông giới báo chí, truyền hình đều bênh vực chính phủ. Truyền hình Nhà nước thì chiếu cảnh biểu tình ủng hộ ông Putin rất nhiều, nhưng những đài phát thanh và báo chí tư nhân tường thuật cũng tạm đầy đủ.

Phong trào chợt lắng
 
Và phong trào biểu tình đang cuồn cuộn dâng lên thì đột nhiên ngưng lại. Đây cũng là một đặc điểm khá ngộ nghĩnh.

Thực ra phong trào không ngưng ở đây, vì những nhà hoạt động chính trị nói là họ sẽ tổ chức biểu tình tiếp vào cuối tuần này và cuối tuần sau nữa. Điểm đặc biệt ở chỗ người ta thấy dường như phía biểu tình tạm nghỉ để học tập kinh nghiệm, một việc không xảy ra trong những phong trào quần chúng xưa nay.

Có ý kiến cho rằng dường như phe biểu tình chưa đủ năng lực tổ chức hay cần phải đoàn kết, phối hợp chặt chẽ hơn. Tin tức cho biết hằng chục người phát biểu trong cuộc biểu tình mà nội dung sơ sài và khác biệt nhau, chứng tỏ phe đối lập chưa có được một nhân vật đủ uy tín và tầm cỡ để quy tụ quần chúng đối đầu với phe chính quyền của ông Putin và ông Medvedev.

Về vấn đề gian lận bầu cử, hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti của Nga cho biết có hơn 1 ngàn báo cáo chính thức của cơ quan bầu cử Nga, trong đó có những vụ gian lận, gây cản trở cho việc quan sát bỏ phiếu và kiểm phiếu, vận động bất hợp pháp, thủ tục mập mờ giúp nhiều cử tri bỏ phiếu nhiều lần ở nhiều địa điểm.

 
Biểu tình trước sứ quán Nga ở Luân đôn- RIA Novosni photo

 Đáng chú ý là đảng cầm quyền tố giác lại là có nơi đảng Cộng sản Nga đã đe doạ bằng bạo lực để cử tri bỏ phiếu cho họ, trong khi đảng Cộng sản tố cáo chính quyền tráo phiếu của đảng thành phiếu ủng hộ đảng cầm quyền. 

Kết quả bầu quốc hội cho thấy đảng nước Nga Thống Nhất chiếm khoảng 50% ghế Hạ viện trong nhiệm kỳ tới, sau khi đã mất hơn 100 ghế so với nhiệm kỳ này. Phe đối lập sẽ kiểm soát 14 Uỳ ban trong số 29 Uỷ ban quốc hội. Ba đảng đối lập sẽ có tiếng nói mạnh hơn, nhưng điện Kremlin vẫn có thể đưa các dự luật thông qua Quốc hội dễ dàng.  Tuy nhiên, sự kiện này đánh dấu  sự chấm dứt độc quyền của đảng của ông Putin ở Quốc hội, và cũng cho thấy người dân bất mãn với trò chơi chính trị của ông.

Sự im lặng khôn ngoan?
 
Trong khi ông Putin vẫn im lặng thì ông Medvedev triệu tập quốc hội mới được bầu lên, mà người dân cho là do kết quả bầu cử gian lận.

 Đầu tiên ông Putin có đả kích Hoa Kỳ sục sạo vào nội bộ chính trị nước Nga, ngoại trưởng Hoa Kỳ bị cho là đã kích động phong trào biểu tình khi bà nói bầu cử có vấn đề nghiêm trọng. Nhưng sau đó ông Putin không hề nhắc lại lời nào liên quan đến Hoa Kỳ, và giữ im lặng.

Tuy nhiên phát ngôn viên của ông Putin, Dmitry Peskov, nói rằng những người đòi hỏi công bằng và nhân quyền chỉ chiếm tổng cộng chưa đầy 10%, chỉ là thiểu số nhỏ nhoi so với khối quần chúng ủng hộ đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin.

 Tổng thống Medvedev hứa sẽ mở cuộc điểu tra, trong khi ông Dmitry Peskov nói sẽ không có nhiều sự gian lận và kết quả bầu cử sẽ không có gì thay đổi. Hôm thứ tư phụ tá cao cấp nhất trong đảng của ông Putin và là chủ tịch Hạ viện Gryzlov tuyên bố từ chức ở Quốc hội, nhưng vẫn giữ chức vụ trong đảng, tuỳ lãnh đạo quyết định.

Sự im lặng của ông Putin có thể chứng tỏ sự khôn ngoan và chin chắn về chính trị của nhà lãnh đạo nước Nga, mà phải nói là vẫn có nhiều người ủng hộ tuy cũng không ít người chống đối ông vì hành động sử dụng trò chơi chính trị để mong chiếm giữ điện Kremlin lâu dài trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.

Trong cuộc bầu cử đó, nhà tỉ phú giàu nhất nước Nga là Mikhail Prokhorov, với tài sản mà Forbes ước lượng 18 tỉ đô la, cho biết sẽ ra tranh cử thách đố ông Putin vào tháng ba này. Nhà tỉ phú trở thành đối lập này có thể lôi cuốn được giới cử tri trung lưu là những người không ưa trò chơi chính trị để chuyên quyền của ông Putin. Giới quan sát cho rằng ông Prokhorov có cơ hội thực sự thách đố ông Putin, nhưng cơ hội thắng được ông Putin thì không nhiều.  

 

 Hai người biểu tình ở St. Petersburg- Photo: RIA Novosti

 Dù sao cuộc tranh cử đó cũng sẽ có nhiều diễn tiến ngoạn mục, sau khi thời gian tới khi phe đối lập với phe chính quyền thi đấu chính trị ra sao với những cuộc biểu tình sắp tới.

Liệu phong trào biểu tình ở Nga có cuồn cuộn dâng sóng như ở các nước khác hay không, và liệu chính quyền có sử dụng thủ đoạn để khống chế biểu tình không, đó là những câu hỏi còn chờ được trả lời.

Tuy nhiên đến nay người ta thấy ít ra nền dân chủ cũng đã bén rễ và phát triển ở Nga, dù với trò chơi dân chủ mà ông Putin đang sử dụng, nhưng so với những nước độc tài cộng sản còn tồn tại thì nước Nga đã tỏ ra tiến bộ rất xa.