Home Tin Tức Thời Sự Gỗ lậu nằm ụ trên 15 toa tàu ở ga Hà Nội

Gỗ lậu nằm ụ trên 15 toa tàu ở ga Hà Nội PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 16 Tháng 12 Năm 2011 12:53

 Lật xe tải chở gỗ lậu chết 10 người ở Nghệ An, 4 quan kiểm lâm bị tống giam

HÀ NỘI (NV) - Một tuần lễ sau tai nạn chở gỗ lậu ở Nghệ An làm chết 10 “cửu vạn,” ngày Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011, báo Tiền Phong hé lộ cho thấy hiện đang có một vụ vận chuyển gỗ lậu cực kỳ lớn, lớn nhất từ trước đến nay, liên quan tới một đường dây ma mãnh có thể dính từ quan chức hỏa xa đến quan chức nhiều ngành từ Bình Ðịnh đến Bắc Ninh và nơi khác.
 

  
15 toa tàu chở gỗ lậu quý hiếm đang bị giữ tại ga Giáp Bát, Hà Nội. (Hình: Tiền Phong)
 

“Chiều 14 tháng 12, phóng viên Tiền Phong có mặt tại ga Giáp Bát (Hà Nội), thấy 15 toa tàu gỗ bất hợp pháp đang được niêm phong bằng kẹp chì.

 Ga Giáp Bát đang có nhiệm vụ trông giữ số gỗ nói trên, chờ kết luận, xử lý của cơ quan chức năng.”
 
Tờ Tiền Phong kể như vậy và cho hay, “Một bảo vệ của ga Giáp Bát cho biết, trong số 15 toa gỗ lậu nói trên, một số toa bị giữ lại tại ga này khi kéo từ ga Diêu Trì (Bình Ðịnh) ra, số còn lại kéo từ ga Từ Sơn (Bắc Ninh) xuống. Theo người bảo vệ này, khi cơ quan chức năng phát hiện số gỗ trái phép trên các toa ở Bắc Ninh, hàng trăm người dân ở Bắc Ninh đã kéo đến, cản trở buộc cơ quan chức năng phải kéo về ga Giáp Bát để xử lý.”
 
Tổng số gỗ lậu này “được xẻ thành từng khúc to bằng cổ chân để làm tay ghế, chân khuỷu của bàn ghế. Có nhiều loại gỗ quý phải mang đi cân, không đo được.”
 
Tổng số gỗ đó gồm gần 330 m3 gỗ Hương, Trắc, Gụ, Giổi, Chiêu Liêu (trong đó, phần lớn là gỗ Hương, Trắc, đều thuộc nhóm I). Ngoài ra, có thêm gần 74,400 kg (khoảng hơn 70 m3) cành, nhánh, gốc, rễ Trắc, Cẩm Lai, Hương được vận chuyển trên các toa. Cộng lại, số gỗ trên khoảng 400 m3, “tất cả đều không phù hợp với hồ sơ lâm sản.” Nói khác, hồ sơ vận chuyển có “khối lượng chênh lệch tới 70%-80%.” Không những vậy, hồ sơ vận chuyển gỗ đã được làm giả hồ sơ, hóa đơn, chứng từ và lý lịch của các loại gỗ “để vận chuyển, buôn bán trái phép.”
 
Nguồn tin trên nói “có nguồn gỗ từ Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum và xuất phát từ ga Bình Ðịnh, rồi chuyển về ga Từ Sơn (Bắc Ninh), để đưa về Ðồng Kỵ (Bắc Ninh) tiêu thụ. Cũng có thông tin cho rằng, số gỗ trên không chỉ dùng cho chế biến gỗ ở Ðồng Kỵ, mà có thể dùng để xuất khẩu sang Trung Quốc.”
 
Nguồn tin thuật lời một viên chức điều tra nói: “Gỗ được lọc, chế biến sẵn thành từng loại. Cán bộ của cơ quan chức năng phải mất cả ngày trời kiểm tra vẫn chưa hết được số gỗ trong một toa. Hiện chúng tôi phải cắt cử cán bộ trông coi 24/24 giờ, dù các toa tàu chở gỗ đã được niêm phong.”
 
Nguyễn Hữu Tuyên, trưởng ban Kinh doanh Vận tải Ðường sắt nói với tờ Tiền Phong là “cơ quan chức năng đã điều tra gần 1 tháng nhưng chưa thông báo kết luận vụ việc với ngành đường sắt.” Liệu sự bí mật và im lìm bao trùm vụ điều tra này có thể báo hiệu những chuyện điều đình cho chìm xuồng đang tiến hành chẳng may bị lộ?
 
Ông Tuyên chỉ cho biết 15 toa tàu này là của nhiều đoàn tàu khác nhau và gỗ được vận chuyển từ ga Diêu Trì (Bình Ðịnh) ra Từ Sơn (Bắc Ninh).
 
Theo lời ông, số gỗ này đã được chủ hàng trả cước vận chuyển đầy đủ cho đường sắt. “Ở các ga (cả ga xuất phát) đều có đầy đủ các lực lượng chức năng như kiểm lâm, hải quan, thuế vụ... để kiểm tra hàng hóa trước khi lên tàu. Nhân viên đường sắt chỉ có chức năng kiểm tra trong phạm vi cho phép,” ông Tuyên nói. Nói khác, nó xác nhận có sự toa rập thông lưng buôn lậu của quan chức thuộc nhiều ngành khác nhau, ở nhiều nơi khác nhau.
 
Trong một bản tin khác ngày 15 tháng 12, 2011 trên báo Tiền Phong, công an huyện Buôn Ðôn, tỉnh Ðắc Lắc đã bắt giữ một chiếc xe tải chở hơn 30 m3 gỗ lậu đã xẻ sẵn gồm các loại gỗ quí như gỗ Hương, Cẩm Lai, Căm Xe. Tài xế chiếc xe tải không chứng minh được nguồn gốc của số gỗ này.
 
Hai ngày trước, công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ Trịnh Thanh Long, phó giám đốc Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Pù Huống (huyện Con Cuông) kiêm hạt trưởng hạt Kiểm Lâm Pù Huống.
 
Ông Long là quan chức thứ 4 của Kiểm Lâm Nghệ An bị bắt giữ sau 3 ông Ðào Công Thắng, trạm trưởng; kiểm lâm viên Nguyễn Kim Hùng; một trạm trưởng khác, Phan Sỹ Tuấn cũng đã bị bắt giam.
 
Khi nổ ra vụ việc là hai ông Thắng và Hùng ngồi trên chiếc xe tải bị lật và bị thương nhẹ, ông Long từng bắt “tất cả cán bộ, nhân viên của trạm Kiểm Lâm Nga My giải trình, làm rõ trách nhiệm từng người.” Dù tin tức xì ra cho biết ông Thắng khai là người “hộ tống” gỗ lậu cho ông, ông vẫn còn cả quyết không liên can.
 
“Không biết lâm tặc bố trí như thế nào lừa Thắng hay Thắng với lâm tặc như thế nào tôi không hiểu. Tôi khẳng định từ trước tới giờ tôi không liên quan đến số gỗ trên. Tôi nói thật, nhiều hôm tôi bắt được gỗ lậu còn phải thu điện thoại của cán bộ cấp dưới. Tôi thường bắt và làm căng đối với lâm tặc. Bây giờ sự việc như thế nên bao nhiêu người dồn ép vào tôi,” ông Trịnh Thanh Long nói.
 
Ngày 15 tháng 12, 2011, báo Tiền Phong dẫn lời Hoàng Văn Chiến, chủ chiếc xe tải chở gỗ lậu, nói “nếu người thuê xe không nói chở gỗ cho ai thì không bao giờ tôi cho thuê. Họ khẳng định gỗ của ông Trịnh Thanh Long, phó giám đốc Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên (BTTN) Pù Huống tôi mới nhận lời.”
 
Chờ xem còn những ông quan nào sau lưng ông Trịnh Thanh Long có dính vào vụ gỗ lậu ở Nghệ An. Và chờ xem có những ai nằm đằng sau 15 toa xe chở gỗ lậu ở ga Giáp Bát xuất hiện. (TN)