Home Tin Tức Thời Sự Tập Cận Bình đến Việt Nam tìm cách đối phó tranh chấp Biển Ðông

Tập Cận Bình đến Việt Nam tìm cách đối phó tranh chấp Biển Ðông PDF Print E-mail
Tác Giả: Nam Phương/Người Việt   
Thứ Năm, 15 Tháng 12 Năm 2011 16:50

Tập Cận Bình, 57 tuổi, hiện là phó chủ tịch nước và cũng là phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương

HÀ NỘI (NV) - Ngày 13 tháng 12, 2011, Bộ Ngoại Giao Việt Nam loan tin thật ngắn, “Nhận lời mời của Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam và Phó Chủ Tịch nước Nguyễn Thị Doan, ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị, Phó Chủ Tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-22 tháng 12, 2011.”
 

 Tập Cận Bình (phải) tiếp Tướng Ngô Xuân Lịch (trái), chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị quân đội CSVN, ở Bắc Kinh ngày 16 tháng 9, 2011. (Hình: Ðất Việt)

 

Khi được báo chí ngoại quốc hỏi, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lương Thanh Nghị chỉ đưa ra câu trả lời mà không trả lời gì cả: “Hai bên sẽ trao đổi quan điểm về các biện pháp củng cố và tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc.”
 
Nhưng một số chuyên viên quốc tế tin rằng chuyến đi của ông Bình có thể nhằm tìm kiếm một lối thoát cho vấn đề tranh chấp Biển Ðông.
 
Bắc Kinh nhìn thấy Việt Nam đang lôi kéo nhiều nước bên ngoài ASEAN, từ Mỹ, Ấn Ðộ, Nhật nhảy vào nhằm hóa giải các áp lực quá lớn của họ.
 
Tập Cận Bình, 57 tuổi, hiện là phó chủ tịch nước và cũng là phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương của Trung Quốc.

Các tin tức tuy không chính thức nhưng được loan truyền rộng rãi nói ông sẽ là người lên thay Hồ Cẩm Ðào ở ghế chủ tịch nước vào năm 2013 khi ông Ðào mãn nhiệm.
 
 Chuyện Biển Ðông
 
 Mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc năm nay nhiều sóng gió. Nổi bật nhất là chuyện tàu Trung Quốc hai lần cắt cáp tàu dò tìm dầu khí của Việt Nam ngay trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng giữa tháng 10, 2011 với đỉnh điểm là ký thỏa hiệp nguyên tắc giải quyết tranh chấp biển đảo giữa hai nước.
 
Nhưng cái nền tảng của vấn đề vẫn là chủ trương không thay đổi chiến lược đàm phán của Bắc Kinh. Tức là chỉ muốn đàm phán tay đôi để tận dụng lợi thế nước lớn mà chèn ép. Hà Nội chấp nhận đàm phán tay đôi với Bắc Kinh về vấn đề Hoàng Sa nhưng đòi hỏi đàm phán Trường Sa phải có sự hiện diện của những nước khác liên quan như Philippines, Malaysia, Brunei.
 
Khi tiếp Tướng Ngô Xuân Lịch ở Bắc Kinh ngày 16 tháng 9, 2011, Tập Cận Bình được báo Ðất Việt tường thuật nói là: “Thời gian vừa qua, do những bất đồng, tranh chấp ở Biển Ðông nên quan hệ giữa hai nước có những khó khăn tạm thời, nhưng lãnh đạo hai đảng và hai nhà nước luôn có niềm tin chắc chắn rằng hai bên sẽ tìm ra những giải pháp để giải quyết thỏa đáng vấn đề này.”
 
Cái gai góc nhất trong đàm phán biển đảo giữa hai nước là chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa sau một trận hải chiến với Hải Quân VNCH năm 1974.
 
Không có một tiết lộ nào về nội dung các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông. Nhưng những gì được một số chuyên viên quốc tế phân tích thì Bắc Kinh nhất quyết không thảo luận gì về Hoàng Sa vì vụ đánh cướp đã xong từ lâu, không có gì để thương thuyết.
 
Nhưng về phía Việt Nam, nhà cầm quyền thường xuyên lập lại quan điểm của mình là nước Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo này.
 
Ngày 25 tháng 11, 2011, khi ra trả lời chất vấn ở Quốc Hội, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, lập lại chủ trương của Hà Nội là “đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.”
 
Một đoạn video clip được tung lên mạng về cuộc điều trần của ông Dũng trong đó ông nói: “Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ và lịch sử pháp lý để khẳng định điều này.”
 
Dịp này, ông Dũng cả quyết Việt Nam đã “làm chủ thực sự” hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa “ít nhất từ thế kỷ thứ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc về bất cứ quốc gia nào.”
 
Tờ Hoa Nam Bưu Báo (SCMP) ngày 14 tháng 12, 2011 cho hay chuyến thăm viếng Việt Nam của ông Tập Cận Bình được dự đoán rộng rãi là chuyện tranh chấp Biển Ðông sẽ là nét chính nội dung các câu chuyện ở Hà Nội.
 
Việt Nam, sau lần bị cắt cáp thăm dò dầu khí hồi tháng 6 đã liên tiếp có những chuyến thăm viếng hoặc tiếp xúc đàm phán đối tác chiến lược với nhiều nước kể cả Ấn Ðộ, Mỹ, Nga, Nhật, Nam Hàn và Philippines.
  
“Mặt trận chống Trung Quốc?”
  
Nhiều phần khi Tập Cận Bình đến Hà Nội trong tư thế của người sắp cầm đầu Trung Quốc có thể sẽ vỗ về Hà Nội, hầu tránh căng thẳng hơn và nhất là tránh đối diện với Mỹ, Ấn, Nhật, Úc trên Biển Ðông.
 
Giả Khánh Quốc, hiệu phó Học Viện Nghiên Cứu Quốc Tế ở Bắc Kinh nhận xét qua cuộc phỏng vấn của SCMP: “Tôi tin rằng có thể có cái gì đó đặc biệt nằm đằng sau chuyến đi.”
 
Còn ông Carl Thayer, chuyên viên các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, người thường được báo chí quốc tế phỏng vấn, cho rằng: “Nếu Tập Cận Bình lên cầm đầu Trung Quốc, ông ta phải chứng tỏ là người có dũng khí đối phó Việt Nam. Không có nghi ngờ gì về những lời ca ngợi hồ hởi (tuyên truyền) về chuyến thăm viếng, nhưng một số các cuộc đàm phán gay go cũng sẽ diễn ra.”
 
Bắc Kinh đưa Tập Cận Bình tới Hà Nội để cho ông ta thêm tăm tiếng, chuẩn bị thêm cho uy tín để dễ leo lên ghế chủ tịch năm 2013.
 
Theo nhận định của ông Thayer, Tập Cận Bình sẽ cố thuyết phục để Hà Nội đừng kéo các nước khác thành một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc, nhất là sắp có cuộc họp về Biển Ðông sắp được tổ chức ở Bắc Kinh.
 
Ian Storey, một học giả tại Trung Tâm Nghiên Cứu Ðông Nam Á ở Singapore cho rằng chuyến đi của Tập Cận Bình có thể mang theo một vài đề nghị để khai thông các bế tắc hiện nay. Nhưng liệu Hà Nội có nghe theo không?
 
“Tôi không tin là ông ta sẽ đem mối lợi kinh tế sang nhử vì Bắc Kinh biết không dùng được cái mồi này vào bây giờ.” Storey nói. “Nhiều phần những gì ông nói sẽ chỉ là đặt nền móng cho những chuyện đàm phán sau này.”