Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-12-2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-12-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Năm, 15 Tháng 12 Năm 2011 12:48

Miến Điện khởi đầu đối thoại với các nhóm thiểu số nổi dậy

 
Người sắc tộc thiểu số Kachin ở miền bắc đã bao nhiêu năm sống như kẻ thù của chính quyền quân sự Miến Điện., 2011
REUTERS/Partners Relief & Development/Handout

 

Trong bài viết mang tựa đề « Miến Điện mở đầu đối thoại với các nhóm nổi dậy thiểu số », thông tín viên của Le Monde tại Bangkok quan tâm đến việc quân đội Miến Điện đã ngưng chiến với những nhóm thiểu số người Kachin, người Chan và một số nhóm người Karen.

 Tờ báo cho biết, Tổng thống Thein Sein hôm đầu tuần này đã yêu cầu quân đội ngưng các cuộc chiến đấu chống lại quân giải phóng Kachin (Kachin Liberation Army – KIA), một trong những nhóm thiểu số nổi dậy quan trọng nhất.

Theo Le Monde thì trong bối cảnh mở cửa chính trị, lời kêu gọi này mang tính quyết định, nếu giữ lời hứa. Sự kiện này diễn ra tiếp theo thỏa thuận ngưng bắn ký ngày 4/12 giữa chính phủ và một nhóm vũ trang khác của người Shan, hoạt động rất tích cực ở miền trung đông nước này, đó là nhóm Shan State Army South (SSA).
 
Quân giải phóng Kachin vốn thuộc nhóm thiểu số mà hầu hết theo đạo công giáo, sinh sống ở miền bắc Miến Điện, chiếm 7% dân số. Họ hoạt động tại một bang mang tính chiến lược nằm gần Trung Quốc, đã thỏa thuận ngưng bắn với tập đoàn quân sự vào giữa thập niên 90, nhưng những cuộc xung đột với quân chính phủ lại tái diễn từ tháng 6 năm nay.

Tình trạng thù địch này chủ yếu là do việc xây dựng một đập thủy điện tại bang Kachin có thể gây nhiều nguy hại về sinh thái và về mặt xã hội. Chính phủ đã có một quyết định ngoạn mục là ngưng dự án do Trung Quốc tài trợ trên đây, nhưng vẫn chưa thỏa thuận được việc ngưng bắn.
 
Le Monde nói thêm, các tổ chức phi chính phủ không ngớt tố cáo tình trạng bạo lực và cách xử sự của quân lính Miến Điện. Hôm 28/11, tổ chức Cơ Đốc giáo Partners Relief anh Development tại Mỹ đã công bố bản báo cáo “Tội ác ở Miến Điện”, trong đó những người điều tra được gởi đến bang Kachin đã ghi nhận các hành động « tra tấn, sát hại bừa bãi, cưỡng bức lao động ».

Còn tổ chức Refugees International hôm 9/12 bày tỏ quan ngại về « bi kịch nhân đạo ở Miến Điện, vì các cuộc chạm trán có thể làm trên 30.000 người dân phải sơ tán đi nơi khác.
 
Con đường dẫn đến hòa bình còn xa

Dù vậy, việc chính phủ ký thỏa thuận ngừng bắn với quân nổi dậy người Chan cho thấy có thể chính quyền muốn coi việc giải quyết xung đột sắc tộc là một phần của chính sách mở cửa. Thỏa thuận này là kết quả của cuộc họp ngày 19/11 tại vùng biên giới với Thái Lan, giữa các viên chức Miến Điện và đại diện nhiều nhóm vũ trang người Chan, Chin, Karen, Karenni, Kachin, những tộc người chủ yếu trong một đất nước Miến Điện đa sắc tộc. Trước đó vào ngày 3/11, đội quân số 5 của nhóm Democratic Karen Buddhist Army cũng đã ký ngưng bắn với chính phủ.
 
Tổ chức International Crisis Group (ICG) trong báo cáo công bố ngày 30/11 nhận định: “Các nỗ lực hòa bình này đánh dấu một trong những giai đoạn ý nghĩa nhất trong sáu thập kỷ xung đột”, tuy vẫn cho rằng hãy còn quá sớm để chắc chắn là hòa bình được bảo đảm.
 
Le Monde nhắc lại, trong chuyến viếng thăm Miến Điện cuối tháng 11, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và những người thân cận đều cho rằng xung đột sắc tộc là một trong những vấn đề khó giải quyết nhất tại đây.

Theo một nhà quan sát ở Rangoon, thì « Các cuộc thương lượng hòa bình hiện tại chưa vượt qua khỏi giai đoạn ngừng bắn ». Một tiến trình thảo luận lâu dài chỉ mới bắt đầu.
 
Tờ báo nhận định, con đường trước mặt hãy còn dài. Từ khi đất nước độc lập đến nay, các dân tộc thiểu số luôn cho rằng chính quyền chưa bao giờ công nhận các quyền của họ. Người đứng đầu Euro-Birmanie (Châu Âu – Miến Điện), một trong những cơ quan chủ chốt trong các cuộc thương lượng giữa quân nổi dậy và chính phủ, giải thích : « Các tổ chức vũ trang hiện hữu là do các dân tộc thiểu số chưa bao giờ có thể nói lên sự bất đồng của họ một cách hòa bình ».
 
Tòa án Khmer Đỏ : Nhiều yếu tố gây trì hoãn

Tại Cam Bốt, nhật báo cánh tả Libération trong bài « Những người ốm nặng ra tòa », đã nhận xét tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ vấp phải trở ngại về tuổi tác của các bị cáo, vì các cựu lãnh tụ Khmer Đỏ ra trước tòa lần này đều đang ở lứa tuổi 80.
 
Việc dàn dựng lại các sự kiện và tìm kiếm sự thật khó khăn khi các bị cáo và một số nhân chứng đi đứng xiêu vẹo, trí nhớ mập mờ. Tòa phải tạm nghỉ nhiều lần để giải lao hay vì một người liên quan bị hạ huyết áp…những khó khăn loại này đã làm chậm lại một phiên tòa đã được chờ đợi từ nhiều thập kỷ.
 
Trường hợp của bị cáo Ieng Thirith, cựu bộ trưởng Xã hội, người đàn bà đầy quyền lực của chế độ Khmer Đỏ là một minh họa cụ thể. Bà ta vẫn phải ngồi tù cho dù được xem là mất trí, sắp tới có thể được đưa vào bệnh viện để « cải thiện sức khỏe tâm thần », trước khi giám định y khoa trong vòng sáu tháng nữa.
 
Luật sư Martine Jacquin, người cùng với khoảng 12 đồng nghiệp khác bảo vệ quyền lợi cho 1.200 nguyên cáo, cho rằng : « Đây là một khởi đầu hỗn độn. Các bị cáo già nua, mệt mỏi, lại thêm vấn đề phiên dịch và thái độ thù địch của một số ê-kíp tòa án đối với các nguyên cáo. Nhưng dù sao đi nữa phiên tòa vẫn phải đi đến hồi kết ». Việc tài trợ cho phiên tòa được tính toán trong vòng 18 tháng, và thay vì một phiên xử quy mô, đã được cắt ra thành nhiều phiên xử nhỏ để tiến hành nhanh hơn.
 
Về thái độ của các cựu lãnh tụ Khmer Đỏ trước tòa, Libération nhận xét, khác với cựu ngoại trưởng Ieng Sary hầu như câm lặng và luôn giữ vẻ cao ngạo, Nuon Chea, nhân vật số hai của Khmer Đỏ không hề hà tiện lời nói. Hôm qua ông ta đã từ chối biệt danh « Anh Hai », và ngụy biện cho vụ buộc dân Phnom Penh sơ tán hồi năm 1975. Ông ta cũng say sưa cáo buộc Việt Nam là « luôn cố nuốt chửng đất đai» và « giết người Cam Bốt».
 
Luật sư Jacquin ghi nhận, Nuon Chea cuối cùng cũng đã cung cấp nhiều thông tin về cách hoạt động của nhà nước Khmer Đỏ. Các thông tin này sẽ được đưa vào hồ sơ của các phiên xử tương lai, mà thời điểm khởi đầu có vẻ bất định hơn bao giờ hết.
 
Trung Quốc : Từ « công xưởng thế giới » tiến lên « phòng thí nghiệm thế giới »

Tiếp tục loạt bài về kinh tế Trung Quốc, bài viết hôm nay trên nhật báo công giáo La Croix có chủ đề « Phòng thí nghiệm của thế giới ». Trở thành công xưởng thế giới chỉ sau hai thập kỷ, nay quốc gia đang đứng thứ nhì thế giới về kinh tế lại muốn biến thành phòng thí nghiệm của toàn cầu.
 
Một chuyên gia ghi nhận, việc tổ chức sản xuất tại chỗ là một thuận lợi quan trọng cho việc nghiên cứu của Bắc Kinh.

Các tập đoàn quốc tế đều cho thành lập các bộ phận nghiên cứu tại Trung Quốc, và chính phủ Bắc Kinh có nhiều chính sách thu hút nhân tài. Hiện nay Trung Quốc có một triệu rưỡi nhà nghiên cứu, 100.000 tiến sĩ, và mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ dành 2,5% tổng sản phẩm nội địa cho nghiên cứu phát triển, sử dụng dưới 30% kỹ thuật của nước ngoài. Mục đích cuối cùng là cho ra sản phẩm, với 95% ngân sách dành cho việc nghiên cứu ứng dụng, chỉ 5% cho nghiên cứu cơ bản.
 
La Croix cho biết, hiện nay Trung Quốc đứng hàng thứ 9 trong danh sách các quốc gia sáng tạo nhất trên thế giới, theo Ngân hàng Thế giới.

Chuyên gia trên cho biết thêm, tuy không có những sáng kiến quan trọng, nhưng người Trung Quốc cũng sẽ đạt được các kỹ thuật mũi nhọn với giá rẻ nhất. Phương Tây cho rằng vẫn giữ được ưu thế kỹ thuật khi chuyển dịch sản xuất sang Trung Quốc. Điều đó cách đây 10 năm thì đúng, nhưng ngày nay không còn chính xác nữa.
 
Thời sự xã hội nước Pháp : Đề tài chính các báo hôm nay

Thời sự nước Pháp là chủ đề chính của của các báo xuất bản tại Paris hôm nay. Nhật báo Le Monde băn khoăn : « Làm thế nào cứu vãn mô hình xã hội của Pháp ? », nêu ra việc các ứng viên tổng thống cánh tả cũng như cánh hữu đều đang xoay sở tìm cách kết hợp hài hòa giữa tính cạnh tranh và việc tài trợ cho phúc lợi xã hội.

Nhật báo Le Figaro chú ý đến « Hưu bổng : Hollande làm đảng Xã hội bối rối ».Trái với những gì cử tri cánh tả vẫn nghĩ, ông François Hollande cho biết ông không ủng hộ việc giảm tuổi về hưu từ 62 còn 60 tuổi.

Tờ báo cánh hữu nhận xét rằng chủ đề này đang gây chia rẽ trong cánh tả, và giúp phe hữu có dịp công kích quan điểm « tiền hậu bất nhất » của ứng viên tổng thống đảng Xã hội.
 
Cũng trên khía cạnh xã hội, nhật báo cộng sản L’Humanité cho rằng « Các giáo viên bị mất giá », khi chính phủ dự tính trao toàn quyền đánh giá công việc của giáo viên cho hiệu trưởng, thay vì một 60% số điểm về công tác sư phạm được giao cho thanh tra giáo dục như lâu nay.

Vì vậy các công đoàn kêu gọi lực lượng giáo viên hôm nay xuống đường phản đối. Xem xét cả hai mặt của vấn đề, nhật báo công giáo La Croix chạy tựa « Làm thế nào đánh giá giáo viên », nhắc nhở rằng hệ thống hiện nay thật ra vẫn chưa hợp lý.
 
Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos đề cập đến « Kế hoạch của ngân hàng Crédit Agricole để đối phó với khủng hoảng » : quyết định giảm 2.350 việc làm, không chia cổ tức trong năm nay.

Về báo chí, Libération luyến tiếc : « France Soir đình bản, thông tin vẫn tiếp tục » trước sự kiện tờ báo có tuổi thọ đã 67 năm hôm nay chính thức biến mất trên các sạp báo, do không chịu nổi lỗ lã.

Tờ báo cánh tả dành đến 4 trang lớn cho sự cáo chung của đồng nghiệp, nhưng nhận định rằng báo chí tiếp tục phát triển trước các nhu cầu mới của độc giả.

Một số thử nghiệm đã được đưa ra : không còn ra báo ngày nhưng đưa lên mạng miễn phí, song song đó là một ấn bản hàng tuần để bán ; hoặc đưa ra phiên bản internet có trả tiền toàn bộ hay một phần. Nhiều nhật báo đã bổ sung các phiên bản dành cho máy tính bảng và điện thoại di động để thu hút thêm độc giả.