Home Tin Tức Thời Sự NHÂN SỰ KIỆN BIỂN ĐÔNG, TÌM HIỂU LỰC LƯỢNG HẢI QUÂN TRUNG QUỐC.

NHÂN SỰ KIỆN BIỂN ĐÔNG, TÌM HIỂU LỰC LƯỢNG HẢI QUÂN TRUNG QUỐC. PDF Print E-mail
Tác Giả: L.M. Phao Lô NGUYỄN VĂN TÙNG   
Thứ Năm, 15 Tháng 12 Năm 2011 10:26

 Binh chủng Hải Quân của Trung Quốc, tên chính thức là “Hải Quân của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân” (The People’s Liberation Army Navy. Viết tắt là PLAN).

Theo truyền thống, Trung Quốc không đặt nặng tầm quan trọng vào lực lượng hải quân. Ngay cả thời chiến tranh lạnh, hải quân của họ cũng chỉ đủ để bảo vệ các bờ biển trước viễn cảnh bị đổ bộ tấn công bởi các lực lượng quân sự của Mỹ hay ngay cả của Liên bang Soviet.

Nhưng đến khoảng cuối thập kỷ 80’s và đầu thập kỷ 90’s, nghĩa là sau khi Soviet và khối cộng sản quốc tế sụp đổ, Trung Quốc đã muốn có một lực lượng hải quân hoạt động tầm xa, vượt ra ngoài vùng ven biển của họ. Có hai lý do cho việc thay đổi này: Thứ nhất, sự cần thiết phải “giải phóng” quốc đảo Đài Loan (Taiwan), nhất là khi người dân ở đảo này muốn đòi tuyên bố độc lập. Thứ hai là nhu cầu phải bảo vệ hệ thống chuyên chở nhiên liệu và hàng hóa trên toàn cầu, phục vụ cho nền kinh tế, hiện đang đứng hàng thứ hai, sau Mỹ, của họ. Ngày nay, người ta phải kể thêm lý do thứ ba, là tham vọng chiếm toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa (Spratly) và Trường Sa (Paracel) với vùng biển mệnh danh là “lưỡi bò” bao gồn hầu như toàn bộ Biển Đông, mà họ gọi là Nam Hải, hay biển Hoa Nam. Vùng biển này được nhiều người tin rằng đang có những túi dầu hỏa mà tổng số dung lượng có thể lên đến trên 17 tỷ tấn, đứng hàng thứ tư trên thế giới. Một gia tài thiên nhiên khổng lồ mà không một quốc gia nào ở trong vùng có thể bỏ qua, nhất là một nước đang “khát” nhiên liệu như Trung Quốc.


Một cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc tại Biển Đông

TỔ CHỨC

Hiện PLAN đang có một lực lượng hải quân với trên 350 ngàn quân sĩ, bao gồm 34 ngàn binh sĩ cho không lực của hải quân; 38 ngàn của lực lượng duyên phòng, bảo vệ 1500 cây số bờ biển của họ; trên 56 ngàn thủy quân lục chiến. Số còn lại là các thủy thủ với khoảng 2 ngàn tàu chiến các loại, kể cả những chiếc tàu nhỏ được dùng trên sông. Tuy nhiên, họ không có một hàng không mẫu hạm (tàu sân bay) nào, ở thời điểm này (6/2011).

Bộ tư lệnh của PLAN đặt ở Bắc Kinh, điều khiển ba hạm đội: HĐ Bắc Hải (vùng Hoàng Hải và biển Nhật Bản) có bộ chỉ huy ở Qingdao, tỉnh Shandong; HĐ Đông Hải (vùng eo biển Đài Loan) đặt căn cứ chỉ huy ở Ningbo; và HĐ Nam Hải có căn cứ chỉ huy ở Zhanjiang, tỉnh Quảng Đông. Nhưng căn cứ quan trọng nhất đối với Biển Đông của Việt Nam là Yulin (còn được gọi là Tam Á) đặt trên phần cực nam của đảo Hải Nam.

PLAN đang có 26 khu trục hạm (Destroyers); 50 khu trục hạm loại nhỏ (Frigates), có khi được dùng như hộ tống hạm (Mỹ); 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử, có chứa hỏa tiễn nguyên tử tầm xa (SSBN); khoảng 7 tàu ngầm nguyên tử, loại tấn công (SSN); 56 tàu ngầm cũ chạy bằng dầu diesel; 27 tàu đổ bộ chiến cụ loại lớn; 31 tàu đổ bộ chiến cụ loại vừa; 58 tàu đổ bộ thủy quân lục chiến và xe lội nước; 80 tàu chiến ven biển; và khoảng trên 200 siêu tốc đỉnh (tàu nhỏ, chạy nhanh). Ngoài ra, PLAN còn có khoảng gần 500 phi cơ đủ loại.

Với một lực lượng hải quân như vậy, dĩ nhiên là họ không che giấu được ai, nhất là khi người Mỹ đã có thể đặt vệ tinh ở khoảng cách 32 ngàn cây số ngoài trái đất, mà viễn vọng kính của nó vẫn có thể đọc được bảng số xe của một chiếc ôtô đang chạy trên đường. Cũng có thể người Trung Quốc cố ý muốn cả thế giới biết đến “sức mạnh” của họ như một sự khoe khoang, như một cử chỉ hăm dọa. Hình như vậy, vì nhiều khi, sự khoe khoang đó lại vượt hẳn giá trị đích thực của điều họ có.

Ngày 13 tháng 1, năm 2009, Đô Đốc Robert F. Willard, tư lệnh các lực lượng quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương, đã nói rằng việc gia tăng hải lực cách “hung hăng” (aggressive) của PLAN đã gây sự quan tâm cho các nước trong vùng. Cũng trong năm này, ngày 15/7, Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, trưởng tiểu ban Đông Á, thuộc Ủy Ban Đối Ngoại của Thượng Viện Mỹ (Senate Foreign Relations Committee) đã tuyên bố rằng, chỉ có “Nước Mỹ mới có đủ tầm cỡ và sức mạnh quốc gia để đương đầu với sự mất thăng bằng cách hiển nhiên của cán cân quân sự mà Trung Quốc đưa đến.” (Wikipedia on PLAN) Những vấn đề như việc họ đang muốn chiếm trọn các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành mối quan tâm của mọi người.

NHỮNG YẾU ĐIỂM CỦA PLAN

Tuy nhiên, ông Ronald O’Rourke, thuộc Sở Nghiên Cứu của Hạ Viện Mỹ (Congressional Research Service) đã viết rằng PLAN “tiếp tục cho thấy những giới hạn hoặc yếu điểm của họ trong nhiều lãnh vực, kể cả những khả năng kéo dài các cuộc hành quân của một hải đội lớn trong một vùng biển xa xôi; hành quân hỗn hợp với những binh chủng khác của quân đội Trung Quốc; thiếu các hệ thống C4ISR (command, control, communication, computer, intelligence, surveillance and reconnaissance); hệ thống phòng không (anti-air warfare. AAW); hệ thống chống tàu ngầm (antisubmarine warfare. ASW); hệ thống dò mìn (mine countermeasures. MCM); và việc lệ thuộc vào sự bổ sung từ nước ngoài vào một số bộ phận của tàu chiến.” (ibid)

Thực ra, kể từ thế chiến thứ hai, không khi nào người ta gọi “một đoàn” tàu chiến không có hàng không mẫu hạm (HKMH) là một “hạm đội.” Không có HKMH là không thể đương đầu với hạm đội của bất cứ quốc gia nào khác đang có tàu sân bay. Tất cả các hạm đội đều cần phải có sự bảo vệ từ trên không, sự bảo vệ đó có thể đến từ trên đất liền, nếu đoàn tàu hoạt động ở gần bờ biển; hoặc đến từ các chiến đấu cơ đặt sẵn trên các HKMH, nếu ở giữa đại dương. Không có cái “ô dù” che chở từ bên trên, những tàu chiến ở dưới chỉ là mồi ngon cho các chiến đấu cơ của địch quân. Điều này đã được chứng minh nhiều lần trong đệ nhị thế chiến, mà điển hình nhất là trận Midway giữa Mỹ và Nhật.

TRẬN MIDWAY (4-7 June, 1942)

Sáu tháng sau trận đánh “trộm” (đánh trước khi tuyên chiến) của hải quân Nhật vào căn cứ hải quân Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) ở Hawaii; một tháng sau trận hải chiến ở Coral Sea; trong những ngày 4 đến 7 tháng 6 năm 1942, hải quân Mỹ đã giáng cho hải quân Nhật một đòn chí tử, ở gần đảo Midway, phía Tây của Hawaii, khiến hải quân của “thiên hoàng” (vua Nhật) không còn gượng dậy được cho đến khi tàn cuộc chiến (1945).

Tư lệnh hải quân hoàng gia Nhật, đô đốc Isoroku Yamamoto, đã muốn nhanh chóng loại hải quân Mỹ ra khỏi vòng chiến, để Nhật hoàn toàn làm chủ Thái Bình Dương, ông và ban tham mưu đã lập kế phục kích, tiêu diệt lực lượng HKMH của hải quân Mỹ. Nhưng Yamamoto không ngờ rằng người Mỹ đã giải được mật mã và biết trước cuộc hành quân của ông. Hải quân Mỹ, do đó, đã lập một cuộc phục kích ngược lại để phá hạm đội Nhật, kết quả là 4 HKMH và một tuần dương hạm hạng nặng (heavy cruiser) của Nhật đã bị đánh chìm, đổi lấy một HKMH và một tàu khu trục của Mỹ.

Thêm một lý do đưa đến sự thảm bại là Yamamoto đã quá tự tin và có vẻ khinh địch. Trong trận Coral Sea, chiếc HKMH Lexington của Mỹ đã bị đánh đắm và chiếc thứ hai, Yorktown, bị hư hại nặng. Như vậy quân Mỹ, theo suy đoán của Yamamoto, chỉ còn 2 HKMH: Enterprise và Hornet, trong vùng biển Hawaii, để đương đầu với 4 HKMH và siêu hạm đội của ông, mạnh gấp mấy lần quân Mỹ. Ông đã không ngờ rằng dưới sự chỉ huy và thúc dục của đô đốc Chester W. Nimitz, tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ, chiếc Yorktown đã được sửa chữa xong, chỉ trong vòng 72 tiếng đồng hồ! Như vậy Mỹ đã dùng 3 HKMH để phục kích 4 HKMH: Kaga, Akagi, Hiryu và Soryu, cùng rất nhiều chiến hạm và thiết giáp hạm (battleships) khác của Nhật; kể cả thiết giáp hạm thời danh Yamato, lớn và mạnh nhất trong lịch sử hải quân thế giới, mà Yamamoto đã dùng làm soái hạm (flagship, tàu chỉ huy).

Khi quân Nhật bắt đầu tấn công đảo Midway, lúc 4g30 sáng ngày 4 tháng 6, một số ít máy bay thám thính của Yamamoto vẫn chưa tìm thấy hạm đội của Mỹ, Đang qui tụ trong vùng Tây Bắc của đảo Midway. Yamamoto đã khinh địch ở điểm này. Thực ra, ông đã nghĩ rằng các tàu sân bay của Mỹ vẫn đang ở Trân Châu Cảng. Một số máy bay thả bom và ngư lôi của Mỹ đã kịp cất cánh từ Midway, trước khi quân Nhật bắt đầu đánh phá hải đảo này, họ tấn công hạm đội của Nhật nhưng không đạt kết quả nào. Ngược lại, phía Nhật cũng chưa “dứt điểm” được Midway; đô đốc Nagumo, người trực tiếp chỉ huy trận chiến, lúc 7g15, đã ra lệnh tung toàn bộ lực lượng không quân còn lại, để tấn công Midway lần thứ hai. Điều này đòi hỏi một khoảng thời gian để thay đổi loại bom khác cho các phi cơ; nhưng sau đó ít lâu, khoảng trước 8g00, Nagumo lại nhận được tin từ các phi cơ thám thính cho biết đã tìm thấy hạm đội của Mỹ, dường như chỉ có một HKMH (người báo cáo đã không dám đoan chắc, vì thời tiết xấu, nhìn không rõ). Trên nguyên tắc, Nagumo, dù nghi ngờ, vẫn phải tấn công hạm đội Mỹ ngay, nhưng các máy bay đã và đang được thay bom để đánh Midway, hơn nữa các phi cơ tấn công Midway đợt đầu vẫn chưa về đến HKMH của họ! Cuối cùng, Nagumo đã quyết định chờ cho các phi cơ đợt đầu hạ cánh xong, mới cất cánh tấn công Midway đợt hai, kế đó là tái võ trang cho các máy bay đánh Midway đợt đầu để tấn công hạm đội Mỹ.

Nhưng… đến lúc này thì đã quá muộn, vì quân Mỹ, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đô đốc Fletcher, đã tìm thấy vị trí của hạm đội Nhật và họ đã tung toàn lực không quân trên cả 3 HKMH để tấn công quân Nhật, đúng vào lúc quân Nhật đang có những lộn xộn nói trên và không kịp chuẩn bị để nghênh chiến. Chỉ khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, đến 10g30 sáng, ba HKMH: Akagi, Kaga và Soryu đã bị trúng bom, bốc cháy, bất khiển dụng, coi như hoàn toàn bị loại ra khỏi vòng chiến; cuối cùng, người Nhật đã phải tự đánh chìm (scuttled) những chiếc tàu này để tránh việc chúng rơi vào tay quân Mỹ.

Thoát được đợt tấn công của Mỹ, HKMH Hiryu của Nhật đã phản công hai đợt và đánh chìm chiếc Yorktown (chiếc HKMH đã được sửa cấp tốc trong 72 giờ). Buổi chiều cùng ngày, phía Mỹ đã tìm ra vị trí của Hiryu, các đợt máy bay từ HKMH Enterprise đã kết thúc số phận của chiếc mẫu hạm này, mặc dù Hiryu đã có sự chuẩn bị và được nhiều phi cơ bảo vệ. Đề đốc Yamaguchi, chỉ huy chiếc Hiryu, đã quyết định chết theo tàu. Không còn được bảo vệ từ trên không, Yamamoto bắt buộc phải lui quân, thực ra là tháo chạy. Hải quân Mỹ tiếp tục truy kích và phá hủy nhiều tàu chiến khác của Nhật đến 3 ngày sau mới thôi. Ngoài số tàu chiến bị chìm, Nhật còn mất 3057 thủy thủ, đặc biệt là cùng một lúc họ đã mất quá nhiều phi công (aviators) già dặn kinh nghiệm của các HKMH. Để huấn luyện được lớp phi công tài giỏi khác, đòi hỏi một thời gian rất lâu dài, nhưng nhu cầu của các chiến trường đã không cho phép Nhật làm chuyện đó. Hải quân Mỹ đã thực sự phục thù được trận Trân Châu Cảng, chiếm thế thượng phong ở Thái Bình Dương, đẩy đối phương lùi dần và cuối cùng là Nhật đã phải đầu hàng vô điều kiện, ba năm sau đó.

Như vậy, muốn thực sự có một “hạm đội”, hoạt động xa bờ, trên các đại dương; đơn giản là phải có “tàu sân bay.” Người ta có quyền tranh luận rằng các tàu chiến thời nay được trang bị bằng những hỏa tiễn tối tân, có thể tự bảo vệ mà không cần có HKMH. Chưa ai chứng minh được điều này, nhưng điều cần nhớ là cùng một lúc các phương tiện tấn công từ trên không cũng đã được tăng triển, “vỏ quýt dày, móng tay nhọn” đó là chuyện thường tình.

Xin đọc thêm câu chuyện về chiếc tàu khu trục HMS Sheffield của Anh Quốc, đã bị máy bay của Argentina phóng hỏa tiễn Exocet (do Pháp chế tạo) đánh chìm, trong trận chiến tranh giành các đảo Falkland, năm 1982. Rồi chính một tàu khu trục loại nhỏ của Mỹ, USS Stark (FFG-31), cũng bị trúng hỏa tiễn Exocet từ một máy bay của Iraq phóng ra, suýt bị chìm vào năm 1987, trong vịnh Ba Tư (Persian Gulf), thời chiến tranh Iran – Iraq. Sự thất bại của Đức Quốc Xã trong chiến dịch tàu ngầm (U-Boats) trên Đại Tây Dương, thời đệ nhị thế chiến, cũng vì máy bay. Chiếc thiết giáp hạm thời danh, Yamato, của Nhật đã bị máy bay Mỹ đánh chìm vào những ngày gần tàn thế chiến. Những sự kiện lịch sử đó cho thấy trong ba thứ: tàu bay, tàu chiến, tàu ngầm; tàu bay luôn là vũ khí lợi hại và nguy hiểm nhất đối với tàu chiến và tàu ngầm.

MỘT QUÂN ĐỘI XÀI HÀNG…NHÁI?

Có lẽ vì muốn tiết kiệm? Có lẽ vì muốn tỏ ra là mình cũng có thể “sản xuất” được những cỗ máy chiến tranh, nên Trung Quốc đã ‘tự tạo”, thực ra là bắt chước, đưa những món hàng họ mua về rồi tìm cách làm “nhái” lại, đặt tên mới, để có thể nói là “của mình.”

Về tàu chiến, PLAN đã có hai loại “hàng nhà” là các “lớp” (class) khu trục Lanzhou và tàu ngầm Yuan. Về máy bay chiến đấu (tiêm kích), đại đa số là hai loại J-7 và J-8, “lấy mẫu” từ chiếc Mig-21 của cựu Soviet. Họ cũng có một số ít J-10 và J-11, theo mẫu chiếc Su-27 của Nga. Gần đây, có tin rằng họ còn có cả J-15, “nhái” theo chiếc Su-33, một loại máy bay chiến đấu khá tân tiến của Nga, nhưng chiếc này vẫn chưa so sánh được với những phi cơ F-18 E/F Super Hornets trên các HKMH của Mỹ.

Về phẩm chất của những hàng nhái này, thì người ta phải “xem quả để biết cây.” Cứ nhìn những chiếc xe máy do họ “chế tạo”, bên ngoài trông không khác gì mấy đối với những chiếc Honda của Nhật, nhưng khi đưa về xử dụng và nhất là khi lỡ bị tai nạn thì “biết đá biết vàng” ngay. Xe hơi của họ, cho tới bây giờ vẫn “chưa đủ tư cách” (độ an toàn) để được vào cạnh tranh ở thị trường Mỹ.

Một thí dụ nữa, quí vị độc giả hẳn còn nhớ vụ một phi cơ chiến đấu của Trung Quốc đã “va” vào chiếc máy bay thám thính, EP-3E Aries II, không võ trang của Mỹ ở gần đảo Hải Nam, ngày 1 tháng 4, 2001. Những chuyến bay thám thính của Mỹ vào vùng biển quốc tế này vẫn thường bị phi cơ chiến đấu của hải quân Trung Quốc (PLAN) bay lên quấy nhiễu. Hôm đó, hai chiếc J-8 của PLAN đã lên và bay lượn quanh chiếc EP-3 của Mỹ, viên phi công Mỹ, hải quân đại úy Shane Osborn đã báo cáo rằng chiếc EP-3 lúc đó đang bình phi và trong tình trạng bay tự động (cruising). Một trong hai chiếc J-8 đã lượn quá gần và chạm vào chiếc EP-3, chiếc J-8 này do thiếu tá Wang điều khiển, đã bị vỡ tan (nghe nói ông này là một trong những phi công giỏi nhất của PLAN); các mảnh vụn của chiếc J-8 đã rơi xuống biển mà không thấy viên phi công bung dù. Sau này, PLAN tuyên bố là ông Wang đã chết. Trong khi chiếc EP-3 đã đáp khẩn cấp, nhưng an toàn, xuống phi trường Lingshui ở đảo Hải Nam, tạo nên một “sự cố” giữa Trung Quốc và Mỹ.


Tầu Sân bay Varyag của Ukraina được Trung Quốc mua lại,
đổi tên thành Thi Lang đang được tân trang gấp rút tại cảng Đại Liên.

TRUNG QUỐC LÀ CON CỌP GIẤY?

Đối với các nước ở Đông và Đông-Nam Châu Á, thật là sai lầm khi nghĩ rằng Trung Quốc chỉ là con cọp giấy. Quân đội của họ, dù được trang bị bằng vũ khí ở bất cứ loại phẩm chất nào, họ vẫn có thể đè bẹp một hay nhiều nước trong khu vực, đơn giản là vì họ có số đông. Tuy nhiên, điều đó có nên làm cho các nước trong vùng, nhất là Việt Nam, khiếp sợ? Câu trả lời rất xác thực và cương quyết là KHÔNG, vì từ hơn ngàn năm qua, lịch sử đã chứng minh, dân ta luôn luôn tìm được cách phá giặc, ở trên bờ cũng như dưới nước. Nhờ có số đông, thường là họ sẽ thắng lúc đầu, nhưng bao giờ họ cũng thua ở “hiệp” sau.

Gần đây, có tin PLAN sẽ cho chạy thử chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của họ, chiếc Varyag, đã được họ đổi tên thành Shi Lang (đọc là Thi Lang theo âm Hán-Việt). Tin chẳng vui gì đối với các nước ở Đông Nam Á, nhưng đồng thời cũng có tin nói rằng chiếc tàu sân bay này đã được trang bị bằng quá nhiều “hàng nhái”, cọc cạch, đến nỗi một phó đô đốc (3 sao) của hải quân Trung Quốc đã phải kêu lên, trên diễn đàn “lề phải” của tờ Nhân Dân Nhật Báo, rằng: “Có thể nó chẳng phải Lừa, mà cũng không phải Ngựa… một dạng như con… La vậy.” (BBC).