Kết án tù vì tội khi quân : dân Thái khó chịu trước các trường hợp lạm dụng
Biểu tình ủng hộ ông Amphon vốn bị phạt 20 năm tù giam (REUTERS)
Những vụ kết án tù giam với tội danh « phạm thượng » ngày nhiều thêm tại vương quốc Thái Lan.
Nhật báo Pháp Le Monde số đề ngày hôm nay, 14/11/2011, đã phản ánh tình hình này qua bài viết mang tựa đề « Thái Lan : tâm trạng bức xúc ngày càng gia tăng trước luật khi quân ».
Tác giả bài báo Bruno Philip, thông tín viên Le Monde tại Bangkok, mô tả một số cuộc biểu tình những ngày 9 – 10/12 vừa qua, không đông lắm, chỉ khoảng 100 người trên đường phố Bangkok. Thế nhưng theo nhà báo, sự kiện đó quan trọng không phải ở số lượng người tham dự mà là ở ý định, tư tưởng và tính biểu tượng của sự kiện : Những người đó xuống đường để phản đối hệ thống luật lệ nghiêm khắc dùng để trừng trị tội khi quân trong vương quốc Thái. Một ngưòi nêu lý do phản đối : « Các luật này đã tạo ra một không khí lo sợ ở Thái Lan », và bị sử dụng như là những « công cụ chính trị ».
Ông Sulak Sivaraksa, 80 tuổi, ngồi trên xe lăn để đến tham gia cuộc biểu tình, đã giải thích là nhiều người Thái đã không ý thức được là những luật lệ này đã trở nên nghiêm khắc đến mức nào.
Ông Sulak đã phải ra tòa đến 3 lần về tội này, nhưng cả ba lần ông đều được trắng án. Nhân vật này, theo tác giả bài phóng sự, được biết đến trong giới trí thức là có những tư tưởng khác người. Sở dĩ thái độ bất bình, bức xúc dâng cao hiện nay, đó là vì những lời buộc tội phạm thượng ngày gia tăng.
Bài báo nhắc lại hai ví dụ gần đây đã gây xôn xao dư luận : Trong tháng 11 vừa qua, ông Amphon, 61 tuổi, đã bị kết án 20 năm tù. Tội của ông là đã gởi đến thư ký riêng của cựu thủ tướng Abhisit 4 tin nhắn bị cho là ‘xúc phạm đến Quốc vương Thái Lan.
Bản án quá đáng đối với Amphon đã gây bất bình trong dư luận Thái, trong bối cảnh ông Amphon luôn khẳng định là ông vô tội, ông không rành sử dụng điện thoại di động. Gần đây hơn, vào tuần qua, ngày 08/12, ông Wichaikammart, 54 tuổi, một người Mỹ gốc Thái, cũng đã bị kết án tù về tội khi quân, nhưng bản án nhẹ hơn, chỉ hai năm rưỡi tù giam. Tội của ông là đã dịch ra tiếng Thái và đưa lên mạng một quyển sách bị cấm đoán về vua Bhumibol. Trong quyển sách viết bằng tiếng Anh tựa đề ‘Vị vua không bao giờ cười’ (The King Nevers Smiles), tác giả Paul Handley nhận định là Quốc vương Thái trong nhiều năm tháng dài, đã củng cố một nền quân chủ hùng mạnh bất cần đến dân chủ.
Vua Bhumibol ngự trị trên đất Thái hơn 6 thập niên, một thời gian dài không ai bì kịp. Tác giả bài báo nhận thấy trong thời buổi mà Thái Lan bị xáo trộn về chính trị với cuộc đối đầu giữa nhũng người báo vệ chế độ quân chủ và những người muốn một nền dân chủ thoát khỏi ảnh hưởng hoàng cung, việc nhắc đến quyển sách trên là một hành động phạm thượng nặng nề, nhất là khi việc thừa kế quốc vương Thái - năm nay 84 tuổi, sức khỏe yếu kém - lại có thể là một yếu tố gây thêm bất ổn định cho Thái Lan. Thế nhưng điều đập mắt là luật khi quân đang được sử dụng vì những mục tiêu chính trị, trong các vụ đấu đá.
Tác giả bài viết nhận thấy là thường khi những lời tố cáo không liên can gì đến các phiên xét xử bị cáo bị cho là đã xúc phạm đến Quốc vương, Hoàng hậu hay hoàng gia và có thể bị phạt cả chục năm tù. Có mặt trong phiên xét xử người Mỹ gốc Thái nói trên, lãnh sự Mỹ, bà Elisabeth Pratt cho là bà rất quan ngại về bản án.
Bà tuyên bố « hoàn toàn tôn trọng nền quân chủ, nhưng cũng muốn hỗ trợ cho quyền tự do ngôn luận, một quyền được công nhận trên bình diện quốc tế ». Đối với người Thái, thì ngày càng nhiều người, như giáo sư đại học Suraphot Thaweesak - có mặt trong đám người biểu tình tuần hành trước đài dân chủ, đầu tháng 12 này - cảm nhận rằng « Luật khi quân vi phạm quy chế công dân với tư cách con người. Nó tạo ra tù nhân vì chính kiến, nạn nhân của một chế độ chuyên chế ». Nhật Bản : Giới lãnh đạo đảng Dân chủ coi thường phụ nữ !
Ngoài Thái Lan, nhìn về châu Á, Le Monde còn chú ý đến Nhật Bản với nhận xét : Thái độ xem thường phụ nữ, khinh miệt quần chúng, nổi trội nơi những lãnh đạo đảng Dân chủ Nhật. Tác giả bài viết, Philippe Pons, nêu lên thái độ này nhân cuộc tranh luận hiện nay về khả năng một phụ nữ lên ngôi báu ở Nhật nếu hoàng gia không có con trai nối ngôi. Theo bài báo, quan niệm nam nữ bình quyền ở thượng tầng nhà nước chưa phải là một điều hiển nhiên, tại quốc gia vốn tự hào là một trong những nước tiến bộ nhất hành tinh. Bài báo minh hoạ nhận định trên bằng phát biểu của một bộ trưởng và một viên chức cao cấp đã cho thấy là họ không những xem thường phụ nữ, mà lại còn khinh miệt người dân về mặt chính trị, như đối với cư dân Okinawa. Khi được hỏi về kế hoạch di dời căn cứ Mỹ ở Futenma qua Okinawa, ông Satoshi Tanaka, giám đốc cơ quan quốc phòng ở Okinawa, đã trả lời một cách mỉa mai là « Có ai báo trước cho một phụ nữ là bà ta sắp bị cưỡng hiếp đâu », hàm nghĩa là không ai cần ý kiến của người dân Okinawa, căn cứ vẫn được dời đến đây dù họ có muốn hay không. Lời mỉa mai của ông Tanaka đã làm dấy sự phản đối của dư luận, khiến ông bị đình chỉ công tác và thuyên chuyển đi nơi khác.
Thế nhưng chỉ hơn vỏn vẹn một tháng sau sự cố này, đến lượt bộ trưởng quốc phòng Yusuo Ichikawa, phát biểu trước quốc hội rằng ông có nghe thấy « mang máng » việc một em bé gái 12 tuổi bị 3 người lính Mỹ hãm hiếp năm 1995 ở Okinawa.
Phát biểu này đã khiến phe đối lập buộc ông từ chức. Vì không thể nào không biết đến một sự cố đã làm dáy lên làn sống phẫn nộ khiến Nhật phải xét lại quy chế số 47.000 lính Mỹ đóng tại đây. Tuy nhiên thủ tướng Noda vẫn duy trì bộ trưởng của mình. Nhà báo Philippe Pons còn nhắc lại thái độ xem thường phụ nữ của cựu thủ tướng Koizumi, đã từng nói với bộ trưởng ngoại giao của ông - bà Makiko Tanaka - mà ông sắp cách chức, là ‘nước mắt là luận chứng cuối cùng của phụ nữ’. Đối với Le Monde, thái độ đó, cũng như sự khinh miệt đối với người dân Okinawa, thường được thấy ở những người ngoài 60 tuổi. Khi bị phản đối thì chính quyền Nhật cho đấy chỉ là sự vụng về, và chỉ khiển trách nhẹ hoặc xin lỗi cho qua việc. Vấn đề, theo bài báo, là thái độ đó làm hoen ố phần nào hinh ảnh mà Nhật Bản muốn cho bên ngoài thấy về họ. Pakistan gây căng thẳng với đồng minh Mỹ
Sự đối đầu gay gắt hơn của Pakistan đối với người đồng minh lớn là Hoa Kỳ, đã được hai tờ Le Monde cũng như Le Figaro theo dõi. Trong hàng tít trang quôc tế, Le Monde nêu bật haành động khiêu chiến của Islamabad : « Pakistan ngăn chặn các đoàn xe của NATO và đe doạ trả đũa Liên Minh bằng biện pháp quân sự ». Tờ báo còn nhắc lại lời thủ tướng Pakistan là « sự tin tưởng đối với Washington không còn nữa ». Một loạt sự cố trong thời gian vừa qua chứng minh quan hệ ngày xấu đi giữa hai đồng minh : Hàng ngàn xe vận tải chở hàng tiếp tế cho binh lính NATO ở Afghanistan đã phải nằm lại trên đất Pakistan, nhân viên CIA bị đuổi ra khỏi căn cứ không quân bí mật ở miền nam Pakistan, NATO bị đe doạ đánh trả nếu thâm nhập vào lãnh thổ Pakistan. Le Monde ghi nhân là quan hệ căng thẳng từng hồi giữa Pakistan và Hoa Kỳ là điều không mới mẻ gì từ một năm nay, nhưng chưa bao giờ đối thoại giữa hai bên, bảo đảm ổn định khu vực, lại trong tình thế nguy hiểm như hiện nay. Điểu nguy hiểm nhất trước mắt tại hiện trường, là quyết định của Pakistan chận lại các đoàn xe tiếp tế. Không chỉ bị chận lại ở vùng biên giới với Afghanistan, các đoàn xe bị chận ngay ở cảng Karachi. Phe nổi dậy ở biên giới đã tranh thủ tình hình này để tấn công vào đoàn xe NATO. Le Monde nhắc lại tình hình căng thẳng kể trên là hậu quả cuộc tấn công ngày 26 tháng 11 làm hơn 20 lính Pakistan thiệt mạng ở vùng biên giới Pakistan-Afghanistan. Le Figaro ở mục ‘tranh luận và ý kiến’, đăng lại nhận định của Christophe Jaffrelot, giám đốc nghiên cứu trung tâm nghiên cứu Pháp Ceri -Sciences Po, phân tích về quan hệ xấu đi giữa Pakistan dẫn đến tác động hiện nay.
Ông nhắc lại bối cảnh là dù Pakistan có dân chủ hoá, có một chính phủ dân sự nhưng quân đội vẫn nắm những hồ sơ then chốt như Kashmir, Afghanistan và hạt nhân. Quân đội Pakistan không ưa thích gì Mỹ, dù Hoa kỳ đã đổ vào Pakistan khoảng 20 tỷ đô la trong 10 năm. Theo ông Jaffrelot, bất đồng về chiến lược gìữa Islamabad và Washington nổi cộm hiện nay : Hoa Kỳ đang nhìn về Ấn Độ để ngăn chặn Trung Quốc.
Ấn Độ vẫn là kẻ thù số 1 của Pakistan. Kẻ thù mà Washington muốn tiêu diệt là Al Qaeda và Taliban ở Afghanistan, trong lúc mà Pakistan muốn dựa vào họ để có vị thế ở Kabul một khi NATO rút đi. Lý do thứ hai là tinh thần bài Mỹ tại Afghaistan ngày càng dâng cao, sau những vụ oanh kích bằng máy bay không người lại đã làm ít nhất 2000 ngưòi chết trong thời gian qua, phần đông là thường dân. Tình hình này dĩ nhiên là đã gây phẫn uất trong dân chúng. Vụ tấn công cuối tháng 11 vừa qua đã như giọt nước làm tràn ly, đưa lòng oán ghét Mỹ lên một đỉnh cao mới. Đấy là cơ hội để lãnh đạo Pakistan, thực hiện tính toán của họ liên quan đến Afghanistan.
Họ bày tỏ sự bực tức để tẩy chay hội nghị ở Đức, vì họ không muốn bị những thỏa thuận quốc tế ràng buộc mà chỉ muốn đi theo con đường riêng lẻ. Pakistan quay lưng lại người bạn Mỹ để bảo vệ quyền lợi của họ ở Afghanistan. Ông Jaffrelot cho là có lẽ Pakistan không trở lại chế độ quân phiệt trước đây, hồi những năm 1990, nhưng quân đội thân taliban vẫn giựt dây ở hậu trường. Kinh tế thế giới chao đảo nhưng Airbus và Boeing vẫn tươi tốt
Trong một năm mà kinh tế thế giới vẫn chao đảo với khủng hoảng tài chính, nợ công chồng chất, tăng trưởng suy giảm, Les Echos nêu bật trong hàng tựa lớn trang nhất của mình sự kiện làm tờ báo ngạc nhiên : Chưa bao giờ hai tập đoàn Airbus và Boeing lại bán được nhiều máy bay như thế. Boeing đã ký hợp đồng lớn nhất trong lịch sử của tập đoàn, còn Airbus sắp phá kỷ lục đơn đặt hàng và giao hàng.
Trong lúc mà các tập đoàn, xí nghiệp khác có kế hoạch sa thải nhân công, thì Airbus đã thu dụng 4000 người trong năm nay và dự kiến tuyển mộ ngần ấy người vào năm tới, 2012. Les Echos nêu chi tiết hợp đồng béo bở của Boeing : Chỉ mới hôm qua thôi, tập đoàn Mỹ đã thông báo một đơn đặt 208 máy bay 737 của hãng hàng không Mỹ Southwest. Trước đó một tháng, thì hãng hàng không Indonesia, Lion Air đã đặt mua 230 chiếc B737. Airbus thì cũng không kém nếu không muốn nói là còn hơn thế nữa : Từ tháng giêng đến tháng 11, Airbus có 1.378 đơn đặt hàng và tập đoàn có khả năng đạt kỷ lục với hơn 1500 phi cơ được đặt trong năm sắp kết thúc. Số lượng máy bay giao trong năm cũng chưa từng thấy : 530 chiếc. Thành công của hai tập đoàn sản xuất máy bay năm nay một mặt đến từ đà phát triển các hãng hàng không giá hạ -low cost- và mặt khác đến từ việc giao thông hàng không phát triển mạnh lên ở các quốc gia đang trỗi dậy. Thành công này đã làm mọi nguời ngạc nhiên. Chủ tịch Tổng giám đốc Airbus, Tom Enders đã phải thú nhận với báo chí ông không ngờ thành công như thế, và thận trọng cho là trong năm 2012, sẽ không có nhiều đơn đặt hàng như năm nay.
Tuy vậy, lượng hàng giao thì chắc chắn nhiều hơn. Được ưa chuộng hiện nay là chiếc A320 NEO của Airbus, còn đối với Boeing là loại B737.
|