Home Tin Tức Thời Sự Làn sóng phản đối chính quyền Nga làm cho Matxcơva cứng rắn hơn về hồ sơ Syria

Làn sóng phản đối chính quyền Nga làm cho Matxcơva cứng rắn hơn về hồ sơ Syria PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Tư, 14 Tháng 12 Năm 2011 13:05

Syria là một trong những thị trường vũ khí quan trọng đối với Nga

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov giữ lập trường cứng rắn trong hồ sơ Syria (RFI/ Chhaya)

 

Từ nhiều tháng qua, Nga, cùng với Trung Quốc, đã kiên quyết phản đối việc Hội Đồng Bảo An ra nghị quyết lên án chính quyền Syria đàn áp thường dân.

 Theo giới phân tích, trong những ngày qua, lập trường của Matxcơva trong hồ sơ Syria lại càng cứng rắn hơn do xuất hiện làn sóng biểu tình phản đối chính quyền của thủ tướng Vladimir Putin tại Nga.

 Hôm qua 13/12/2011, sau khi Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách về nhân quyền cho biết là trong 9 tháng qua, có ít nhất 5000 người đã thiệt mạng, kể từ khi xẩy ra các cuộc biểu tình chống chính quyền ở Syria, đại sứ Pháp Gérard Araud đã phát biểu rằng « Hội Đồng Bảo An phải chịu trách nhiệm về mặt đạo lý về những gì đang diễn ra tại Syria, về các khổ đau của người dân Syria ».

Lời chỉ trích này nhắm vào Nga và Trung Quốc, hai nước có quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An và vẫn bênh vực chính quyền Damas.
 
Đại diện Mỹ và Đức tại Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi Nga thay đổi lập trường.
 
« Ăn miếng trả miếng », ngay lập tức, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố : « Những nước từ chối gây áp lực đối với các nhóm cực đoan và có võ trang trong phe đối lập (tại Syria) cũng là những quốc gia tố cáo chúng tôi ngăn cản công việc của Hội Đồng Bảo An. Tôi cho rằng lập trường đó là vô đạo lý ».
 
Vẫn theo ông Lavrov, « các đối tác của chúng tôi không muốn lên án những hành động bạo lực của các nhóm vũ trang cực đoan chống lại chính quyền hợp pháp » và theo Matxcơva, thì chính các nhóm đối lập đó muốn « gây ra một thảm họa nhân đạo nhằm cho phép nước ngoài can thiệp vào cuộc xung đột ».
 
Trưởng ban biên tập tạp chí « Nước Nga trong chính trị quốc tế », ông Fyodor Lukyanov, nhắc lại rằng đó là lập trường truyền thống của Matxcơva.

Ông nói : «Về nguyên tắc, nước Nga chống lại những thay đổi chế độ ở nước ngoài. Chúng tôi vẫn có truyền thống chống lại việc can thiệp vào công việc nội bộ » của các nước khác.
 
Bên cạnh đó, Matxcơva còn phải tính tới các lợi ích của mình tại Syria, đồng minh từ thời Liên Xô cũ. Syria là một trong những thị trường vũ khí quan trọng đối với Nga và hải quân Nga vẫn có một căn cứ tại cảng Tatus, cảng lớn thứ hai của Syria. Chính vì vậy, theo ông Lukyanov, Nga khó có thể đạt được một đồng thuận với phương Tây trên hồ sơ Syria. Bởi vì các thế lực trong tổ hợp công nghiệp quân sự Nga sẽ coi đây là một sự đầu hàng.
 
Về phần mình, ông Alexander Shumilin, chuyên gia về Trung Đông thuộc Viện nghiên cứu Mỹ và Canada, có trụ sở ở Matxcơva, nhận định là lập trường cứng rắn của Nga không hẳn chỉ xuất phát từ các sự kiện tại Syria mà còn bởi những gì đang diễn ra trên chính trường quốc nội, đặc biệt là sau cuộc bầu cử ngày 04/12 vừa qua.
 
Kể từ năm 2000, thời điểm ông Putin lên cầm quyền, chưa bao giờ chính quyền Nga phải đối mặt với làn sóng biểu tình lớn như vậy.

Trong bối cảnh này, « chính quyền, đặt biệt là ông Putin, muốn tỏ rõ sức mạnh của mình qua lập trường chống phương Tây ».

Tuần trước, thủ tướng Putin đã tố cáo Mỹ đưa ra tín hiệu khởi đầu cho cuộc biểu tình phản kháng tại Nga.
 
Một số nhà phân tích cho rằng Nga không thể tiếp tục duy trì mãi lập trường cứng rắn trong hồ sơ Syria, bất chấp sức ép của phương Tây.

 Đây cũng là nhận định của chuyên gia Shumilin, theo đó, cũng giống như trường hợp Libya của nhà độc tài Kadhahi, Nga sẽ không ủng hộ chế độ của tổng thống Bachar al Assad đến cùng, để tránh nguy cơ bị cô lập trong thế giới Ả Rập.