Sự cứng rắn của Thủ tướng Merkel đã bị phê phán tại Đức và ở Pháp
Hai vị nguyên thủ Pháp - Đức sẽ lại gặp nhau tại điện Elysée. Reuters/Philippe Wojazer
Giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu phụ thuộc vào quyết tâm của Paris và Berlin trong việc đạt được đồng thuận về phương pháp và phương tiện cứu khu vực đồng euro.
Nhận định trên có thể gây khó chịu cho nhiều nước châu Âu và đặc biệt là Ủy ban châu Âu, nhưng thực tế cho thấy, Pháp và Đức là hai trụ cột chính của Liên Hiệp Châu Âu và khu vực đồng tiền chung.
Cuộc gặp vào trưa nay, 05/12/2011, giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại điện Elysée, Paris có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho một tuần lễ mới đầy rủi ro đối với đồng euro mà lãnh đạo các nước châu Âu cho đến nay vẫn đang cố tìm giải pháp dập tắt đám cháy khủng hoảng nợ công. Theo Paris, lãnh đạo hai nước sẽ đưa ra những « đề nghị chung » nhằm « bảo đảm cho tương lai châu Âu », hiện đang bị đe dọa tan vỡ. Đối với Tổng thống Pháp « Châu Âu không phải là một sự lựa chọn nữa, đó là một sự cần thiết. Nhưng cuộc khủng hoảng đã làm lộ rõ những điểm yếu và các mâu thuẫn của châu Âu ». Do vậy, cần phải xem xét và xây dựng lại châu Âu.
Về phần mình, Thủ tướng Đức nhấn mạnh đến sự cần thiết phải sửa đổi các hiệp ước châu Âu, để thay đổi và biến châu Âu thành một liên hiệp ngân sách thực sự. Nếu như Pháp và Đức đồng thuận về mục tiêu « xây dựng lại châu Âu » qua việc sửa đổi các hiệp ước và tăng cường kỷ luật ngân sách, thì hai nước lại hoàn toàn bất đồng với nhau về các phương tiện cần có để thực hiện mục tiêu này. Sau một thời gian chần chừ, giờ đây Paris đồng ý sửa đổi các hiệp định theo hướng trừng phạt các thành viên không tôn trọng kỷ luật ngân sách và nợ công, tăng cường các biện pháp để châu Âu có thể giám sát các ngân sách quốc gia.
Đổi lại, Pháp hy vọng Đức có tinh thần đoàn kết tương trợ hơn, ví dụ như để cho Ngân hàng Trung ương châu Âu có quyền mua lại nợ công của một số nước gặp khó khăn, phát hành công trái chung châu Âu. Thế nhưng, cho đến nay, Berlin vẫn nhất quyết bác bỏ. Sự cứng rắn của Thủ tướng Merkel đã bị phê phán tại Đức và ở Pháp. Cựu Thủ tướng Helmut Schmidt chỉ trích bà Merkel đẩy nước Đức vào tình thế bị cô lập.
Còn ở Pháp, ngoài những tranh luận, phê phán manh tính tranh cử, giới chuyên gia cảnh báo về hậu quả của việc Pháp - Đức bất đồng đối với tương lai châu Âu. Trên tạp chí L’Express, ông Jacques Attali, nguyên cố vấn của Tổng thống François Mitterrand cho rằng, để cứu châu Âu, nước Đức cần xóa bỏ một số ảo tưởng nhằm tìm kiếm đồng thuận với Pháp.
Theo chuyên gia này, nền kinh tế Đức không vững chắc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Nợ công của Đức bằng 82% tổng sản phẩm nội địa, gần như Pháp. Hiện nay, 10 ngân hàng công của Đức, cung cấp 20% tín dụng cho lĩnh vực phi tài chính, đang gặp nhiều khó khăn. Khí đốt của Nga chiếm tới 37% trong tổng nhập khẩu của Đức.
Dân số Đức đang giảm và già cỗi, một gánh nặng cho Nhà nước. Trong số 100 doanh nghiệp sáng tạo nhất thế giới, Pháp có 11 còn Đức chỉ có 4. Mặt khác, Đức cũng cần đến châu Âu bởi vì Berlin là đối tác được trợ giúp nhiều nhất.
Chính châu Âu đã đóng góp tài chính vào quá trình thống nhất nước Đức, cho phép nước này chiếm tới 15% thị phần trong khu vực đồng euro. Đức dẫn đầu về xuất khẩu các sản phẩm nông sản qua việc tuyển dụng nhân công giá rẻ Đông Âu. Theo một nghiên cứu của Thụy Sĩ, thì nền kinh tế Đức sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu ra khỏi khu vực đồng euro, hệ thống ngân hàng sẽ lụn bại, tổng sản phẩm quốc nội sẽ bị giảm từ 20 đến 25% trong năm đầu tiên và lên tới 50% trong các năm tiếp theo. Chuyên gia Attali nhấn mạnh, Đức đã sai lầm khi lo ngại rằng việc Ngân hàng Trung ương châu Âu cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng và nhà nước châu Âu khác sẽ gây ra lạm phát.
Thế nhưng, lạm phát khó xẩy ra khi thất nghiệp cao và các hoạt động tài chính hóa nền kinh tế làm giảm luồng vốn đổ vào nền kinh tế thực. Nếu cuộc gặp ngày hôm nay chưa mang lại kết quả thì lãnh đạo Pháp và Đức còn có nhiều dịp gặp nhau trong tuần này. Thứ Năm, 08/12, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức cùng tham dự cuộc họp của đảng Nhân dân Châu Âu (PPE), được tổ chức ở Marseille, miền nam nước Pháp. Ngay tối hôm đó, Tổng thống và Thủ tướng các nước trong Liên Hiệp Châu Âu ăn tối với nhau tại Bruxelles để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh sẽ được tổ chức vào ngày 09/12. Theo nhiều nguồn tin, nếu cần, Hội nghị có thể sẽ kéo dài thêm hai ngày cuối tuần.
|