Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Php Quốc Ngày 5-12-2011

Điểm Báo Php Quốc Ngày 5-12-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Hai, 05 Tháng 12 Năm 2011 13:28

Sinh viên nước ngoài muốn ở lại Pháp làm việc gặp nhiều cản trở về thủ tục

 
Một nhân viên cơ quan chức năng đóng dấu gia hạn visa lên hộ chiếu của sinh viên nước ngoài. Ảnh chụp tại Paris ngày 18/11/2011.
REUTERS/Charles Platiau

 

Vấn đề sinh viên nước ngoài muốn ở lại Pháp làm việc bị trở ngại, do thông tri của Bộ Nội vụ và Lao động Pháp ra ngày 31/5, là đề tài được Les Echos chú ý qua bài « Các sinh viên nước ngoài tốt nghiệp : Thông tri gây lo ngại ».

Tờ báo nhận định, việc thuê các sinh viên có trình độ cao, không thuộc Liên hiệp Châu Âu, bị các cơ quan hành chính từ chối. Giới đại học và doanh nghiệp lo ngại giới trẻ có bằng cấp sẽ chọn các quốc gia thuận lợi hơn.

 Les Echos cho biết, sau nhiều tuần tranh luận, cách đây 15 ngày, Thủ tướng Pháp đã ra một văn bản nhấn mạnh đến « truyền thống đón tiếp sinh viên nước ngoài của nước Pháp », và không quên lưu ý đến mục tiêu « quản lý tốt hơn các luồng nhập cư » của chính phủ Pháp.

 Tuyên bố của Thủ tướng Pháp, được đưa ra nhằm làm dịu nỗi bất bình của nhiều doanh nghiệp và giới đại học, sau khi Bộ Nội vụ và Lao động ban hành thông tri ngày 31/5, đặt ra nhiều rào cản đối với việc tuyển mộ các sinh viên ngoại quốc tốt nghiệp tại Pháp.
 
Tuy nhiên, theo Les Echos, nhiều doanh nghiệp Pháp vẫn rất lo ngại. Giám đốc tuyển dụng của một doanh nghiệp thuộc nhóm CAC40 chỉ trích :

 « Đây là một quyết định thuộc về quá khứ, nó không có giá trị gì cả ». Cho đến nay, theo nhóm Collectif 31 - một tổ chức được lập ra để ủng hộ các sinh viên -, có khoảng 500 hồ sơ bị kẹt, hoặc bị các cơ quan chức năng từ chối.

Tuy nhiên, Les Echos cho biết, đây chỉ là phần nổi của tảng băng, vì có rất nhiều sinh viên gặp trở ngại đã không lên tiếng về tình trạng của họ. Cho đến nay, đã khoảng một nửa trong số 500 hồ sơ kể trên được Bộ Nội vụ chấp thuận.
 
Theo một người phụ trách thuộc văn phòng tư vấn và kiểm toán của công ty Deloitte, việc ngừng tiếp nhận các sinh viên ngoại quốc có bằng cấp, không giúp gì cho việc giải quyết nạn thất nghiệp tại Pháp.

Các doanh nghiệp, muốn nhận các sinh viên nước ngoài, gặp trở ngại, cũng sẽ không quyết định tuyển các sinh viên Pháp ra trường để thế chỗ, bởi vì đây là những vị trí công việc đòi hỏi một số tiêu chuẩn khác.
 
Trong năm 2010, Pháp tiếp nhận khoảng 65.000 sinh viên ngoài Liên hiệp Châu Âu.

Theo một nghiên cứu của Bộ Nội vụ, thực hiện trong khoảng từ năm 2002 đến 2009, 60% sinh viên nước ngoài đến Pháp vào năm 2002 đã ra đi.

Trong số những người ở lại, 10% vẫn tiếp tục theo học, 20% đổi giấy tờ vì lý do gia đình, 10% trở thành người làm công ăn lương.
 
Theo một chuyên gia kinh tế thuộc tổ chức Cepii, thông tri kể trên gây khó khăn hơn cho nước Pháp, vốn đã gặp trở ngại trong việc thu hút các sinh viên nước ngoài ra trường có trình độ cao.

Người phát ngôn của nhóm hỗ trợ sinh viên nước ngoài có bằng cấp (Collectif 31) khẳng định, văn bản pháp lý này cản trở tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp Pháp ở nước ngoài, và giới trẻ các nước sẽ chọn những quốc gia có môi trường thuận lợi hơn.
 
Khác biệt Pháp - Đức trên con đường giải quyết khủng hoảng đồng euro

Cuộc gặp cấp nguyên thủ Pháp - Đức ngày hôm nay tại Paris, ít ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh các lãnh đạo Châu Âu tại Bruxelles là chủ đề được đặc biệt chú ý.
 
Theo La Croix, các chủ đề chính trong cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức là việc cải cách các hiệp ước của Châu Âu, vấn đề vai trò của một chính phủ kinh tế của Liên hiệp và việc thống nhất về ngân sách.

 Mặc dù có nhiều điểm bất đồng, nhưng cuộc đối thoại vẫn không bị đứt đoạn. Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, đối thoại tay đôi Pháp – Đức thậm chí còn được tăng cường, thay vì sự điều hành phối hợp của toàn thể cộng đồng Châu Âu, vốn được coi là quy tắc chủ đạo của Liên hiệp Châu Âu từ trước đến nay.
 
« Paris và Berlin : thêm nhiều khác biệt trước hội nghị thượng đỉnh » là bài viết trên Les Echos về đề tài này.
 
Tờ báo kinh tế nhận xét, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh đến kỷ luật ngân sách, với việc nâng cao thẩm quyền của Tòa án Châu Âu trong việc trừng phạt các quốc gia không tuân thủ kỷ luật ngân sách, thì Tổng thống Pháp đưa lên hàng đầu đòi hỏi « đoàn kết », cụ thể với việc tăng cường Quỹ bình ổn tài chính Châu Âu (FESF) và Cơ chế đoàn kết Châu Âu (MES) (được coi như là Quỹ Tiền tệ của Châu Âu).
 
Theo Les Echos, tất cả những gì mà các quốc gia Châu Âu đã và đang làm từ tháng 5/2010 đến nay để chống lại cuộc khủng hoảng nợ công, đều đi ngược lại với Hiệp ước Lisboa, cụ thể là điều khoản cấm việc trợ giúp tài chính cho một nhà nước gặp khó khăn, ngoại trừ trong trường hợp thiên tai nghiêm trọng.

Tuy nhiên, để viết lại bản « Hiến pháp » của Châu Âu này, cần phải có sự đồng thuận của cả 27 nước thành viên.

 Hiện tại, việc sửa đổi Hiệp ước Lisboa không nhận được nhiều hưởng ứng từ các nước thành viên. Vẫn theo Les Echos, cho đến nay, Paris và Berlin mới chỉ đồng ý được với nhau duy nhất trên một điểm, đó là hai phía không tiếp tục đưa ra các phát ngôn, đối lập với nhau, về vai trò của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
 
Về vai trò của Ngân hàng Châu Âu, La Croix cho biết, Pháp chủ trương Ngân hàng này có thể mua lại nợ của các quốc gia gặp khó khăn và nợ công của một số nước có thể được gánh vác chung bằng việc phát hành trái phiếu Châu Âu, trong khi đó, đây lại chính là điều mà Đức từ chối.
 
Cũng về sự khác biệt Pháp - Đức trong việc giải quyết khủng hoảng euro, trong bài viết « Sarkozy-Merkel : một cuộc gặp thượng đỉnh để thoát khỏi khủng hoảng », tờ Le Figaro đưa ra nhận xét từ những người thân cận với Tổng thống Pháp, cho thấy trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, lập trường của hai phía đã sát gần lại với nhau hơn.

 Một điểm được coi đã đạt được nhất trí giữa hai bên, đó là các quốc gia Châu Âu phải tìm được sự thỏa thuận trong việc cải cách các hiệp ước của Liên hiệp với 27 nước. Trong trường hợp, nếu thỏa thuận này không đạt được, thì các nước phải đồng ý với nhau về một hiệp ước mới, chỉ liên quan đến 17 quốc gia thuộc khu vực đồng euro.
 
Le Figaro thừa nhận, đằng sau cuộc tranh luận về hiệp ước với 27 nước hay với 17 nước, là sự đối lập giữa lập trường Đức và lập trường Pháp.

 Berlin muốn một Châu Âu thực sự mang tính Liên bang, còn Paris muốn mối liên hệ giữa chính phủ các nước thuộc khu vực đồng euro đóng vai trò chủ đạo.

 Tờ báo kết luận, vẫn còn nhiều việc phải làm để đi đến được một giải pháp mang tính thống nhất cao giữa Đức và Pháp, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng euro hiện nay.
 
Các khó khăn trong đàm phán về hạn chế biến đổi khí hậu tại Durban

Về hội nghị thượng đỉnh Khí hậu tại Durban (Nam Phi), tờ Les Echos cung cấp một số thông tin giúp cho việc hiểu rõ những khó khăn trong các đàm phán.

 Tờ báo nhận định, trong khi Châu Âu nỗ lực muốn đóng vai trò đầu tàu để mang lại các giải pháp hữu hiệu, thì Hoa Kỳ chọn thái độ dè dặt. Còn Trung Quốc và Ấn Độ thì lên án các nước giàu.
 
Theo Les Echos, chưa bao giờ Liên hiệp Châu Âu lại bị cô lập đến như vậy trong một cuộc đàm phán quốc tế, trong khi mà, tương lại của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu lại phụ thuộc rất nhiều vào Châu Âu.

Trên thực tế, Châu Âu chỉ chịu trách nhiệm đối với hơn 11% khí thải trên toàn thế giới. Mặc dù, Châu Âu, với các thành viên cũ và mới, đã có những nỗ lực quan trọng trong việc thực hiện các cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hiện tại, chỉ có các nước nghèo nhất, Châu Phi và các đảo nhỏ là ủng hộ Châu Âu một cách rõ ràng trong chủ trương triển hạn hiệp định Kyoto tiếp sau năm 2012. Tuy nhiên, lập trường của Châu Âu là, nếu các nước khác không thực sự vào cuộc, thì Châu Âu cũng sẽ không tiếp tục nỗ lực một mình.

Trong hiện tại, Hoa Kỳ giữ quan điểm sẽ không phê chuẩn bất cứ hiệp ước nào nếu không có sự tham gia của Trung Quốc và Ấn Độ.
 
Món vi cá mập ngày càng bị phản đối

Tờ Le Monde chú ý đến một vấn đề sinh thái lớn trên đại dương qua bài viết « Thú ăn vi cá của người Hồng Kông đe dọa loài cá mập », do đặc phái viên gửi về từ Hồng Kông.

Gần 10.000 tấn vi cá đến từ 145 quốc gia đã được nhập vào Hồng Kông hàng năm. Hồng Kông là thủ phủ của nghề buôn vi cá mập, với khoảng một nửa lượng hàng nhập khẩu trên thế giới.
 
Trong truyền thống Trung Hoa, món vi cá được coi là một đặc sản chỉ dành cho bậc đế vương.

 Ngày nay, với sự phát triển kinh tế, vi cá trở thành món ăn phổ biến của những người giàu có - như một dấu hiệu phô trương sự phú quý, không chỉ ở Hồng Kông, mà còn ở miền Nam Trung Quốc, Singapore, hay Đài Loan.

Vi cá thường được dùng trong các bữa tiệc thịnh soạn. Theo tính toán của một hiệp hội chống lại tập quán này, một bữa tiệc vi cá cho 300 thực khách, tương đương với mạng sống của khoảng 50 con cá. Theo một số ước tính, khoảng 100 triệu cá mập bị giết hàng năm, hoặc để lấy vây, hoặc để lấy cả thịt.

Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho hay, số lượng cá mập trên thế giới hiện nay chỉ bằng khoảng 10% trước đây. Nhiều loài đang trên đường tuyệt chủng, và nếu xu hướng này không được thay đổi, chỉ sau 50 năm nữa, cá mập sẽ biến mất trên hành tinh này.
 
Hoạt động đánh bắt cá mập chỉ để lấy vi cá, gọi theo từ chuyên môn là « finning », tức là cắt hết vây rồi thả ngay con vật xuống nước, đã bị Châu Âu phản đối, với đề nghị ngày 21/11. Theo đó, người đánh bắt không được quyền đưa vi cá mập đánh bắt được vào bờ, tách rời khỏi cơ thể con vật.

Nếu được thông qua, quyết định cấm chỉ lối đánh bắt vô cùng lãng phí này sẽ được áp dụng trên các vùng lãnh hải Châu Âu và trên thế giới.
 
Ở Hồng Kông, hiện tại chính quyền mới chỉ cấm buôn bán ba loài cá mập lớn. Tuy nhiên, trong giới doanh nhân Hồng Kông, đã bắt đầu có một số thay đổi lớn. Một số khách sản nổi tiếng tại Hồng Kông đã quyết định ngừng cung cấp các món ăn có vi cá cho thực khách.
 
Trên trang nhất các nhật báo Pháp …

Cuộc hội kiến cấp thượng đỉnh giữaTổng thống Pháp và Thủ tướng Đức tại Paris ngày hôm nay 5/12/2011 là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp.

Le Figaro chạy tựa « Sarkozy-Merkel. Một hội đàm thượng đỉnh để cứu đồng euro ». « Euro : vấn đề đối lập Pháp với Đức » là hàng tít chính trên trang nhất Les Echos. Trong khi đó, La Croix tìm cách giải thích « Euro, điều mà Pháp và Đức muốn ».
 
Về thời sự quốc tế, l’Humanité chú ý đến Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu đang diễn ra tại Durban với hàng tít « Không khí tồi tệ ở Durban ».

Tờ Les Echos cung cấp « Các chìa khóa giúp cho việc hiểu rõ cuộc đàm phán tại Durban ».

 Về cuộc bầu cử tại Nga, Le Figaro ghi nhận : « Đảng của Putin bị đẩy lui tại cuộc bầu cử Hạ viện Nga ».

La Croix đưa nhiều tin tức về Afghanistan trong hồ sơ « Afghanistan, điểm lại tình hình », vào thời điểm một hội thảo quốc tế quan trọng về Afghanistan mở ra tại Bonn (Đức) ngày hôm nay để thúc đẩy các trợ giúp quốc tế cho Kabul, sau khi liên quân rút hết khỏi nước này theo dự kiến vào năm 2014.
 
Về thời sự nước Pháp, Libération lo ngại trước ba vụ thanh toán bằng súng trong tuần qua tại Marseille, thành phố miền nam nước Pháp qua hồ sơ « Marseille. Khẩu súng trường Kalachnikov không làm nên khu phố ».

 Mặc dù số vụ giết người ở Pháp trong vòng 11 tháng qua giảm 26,9%, nhưng những vụ thanh toán bằng súng mới đây đặt lại câu hỏi về những biện pháp kiềm chế bạo lực tại nước Pháp, vốn là nơi có các chế tài về vũ khí thuộc loại khe khắt nhất Châu Âu.

Còn Le Monde muốn làm sáng tỏ hiện tượng xã hội ngày càng có « Nhiều người Pháp từ chối thừa hưởng gia tài, vì cha mẹ họ nợ nần quá mức ».

 Con số người Pháp từ chối thừa kế tài sản của cha mẹ mình hiện nay tăng 33,5% so với năm 2004.