Home Tin Tức Thời Sự Người lao động Trung Quốc ngày càng ý thức đấu tranh bảo vệ quyền lợi

Người lao động Trung Quốc ngày càng ý thức đấu tranh bảo vệ quyền lợi PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Chúa Nhật, 04 Tháng 12 Năm 2011 15:44

 Họ không chấp nhận để cho giới chủ sa thải hoặc cắt giảm mức lương.

Công nhân đình công phong tỏa lối vào của xưởng Hi-P International, Thượng Hải ngày 02/12/2011.
REUTERS/Carlos Barria

 

Hôm thứ Sáu, 02/12/2011, Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khương đã lên tiếng cảnh báo về những bất ổn xã hội do chính quyền không chuẩn bị tốt đối phó với những thay đổi kinh tế và ông kêu gọi cần phải có những phương pháp xử lý, ngăn chặn những « hậu quả tiêu cực » của nền kinh tế thị trường.

 Người đứng đầu ngành an ninh Trung Quốc đã có phát biểu như trên vào lúc tại Trung Quốc ngày càng có nhiều vụ biểu tình và đình công của những người lao động. Họ không chấp nhận để cho giới chủ sa thải hoặc cắt giảm mức lương.
 
Trong tháng 11 vừa qua, hàng ngàn người lao động đã tiến hành đình công ở khu công nghiệp Thẩm Quyến, sát với Hồng Kông, miền nam Trung Quốc. Tại nơi được coi là « công xưởng của thế giới », nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã phải đóng cửa hoặc giảm bớt hoạt động, sa thải nhân công vì xuất khẩu giảm, chi phí lao động lại tăng lên.
 
Cũng chính ở nơi đây, những người lao động Trung Quốc thường xuyên tụ họp trong các văn phòng của tổ chức mang tên « Tiểu Điểu » (Xiao xiao Niao) để thảo luận về thời điểm tiến hành đình công nhằm đòi tăng tiền công giờ làm thêm hoặc tiền trợ cấp khi xí nghiệp di chuyển địa điểm.
 
Một công nhân làm trong một nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử có vốn đầu tư của Hồng Kông nói với AFP, « Chúng tôi không hề có kinh nghiệm trong những tình huống này. Chúng tôi muốn biết các phương pháp khác để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của chúng tôi ».

Người công nhân này cho biết là anh phải làm việc 6 ngày trong tuần, mỗi ngày 11 giờ. Để có được mức thu nhập hàng tháng là 2000 nhân dân tệ, tương đương 235 €, anh đã phải làm thêm giờ và khẳng định là vừa qua, chủ doanh nghiệp lại giảm bớt trợ cấp bữa ăn và nhà ở trong lúc đời sống ngày càng đắt đỏ.
 
Chính vì vậy, nhiều người lao động tìm đến các tổ chức như « Tiểu Điểu », thậm chí cả các tổ chức do chính phủ lập ra, để xin tư vấn, đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.

 Tổ chức « Tiểu Điểu » được thành lập năm 1999 với mục đích ban đầu là hỗ trợ lao động ngoại tỉnh vào làm việc tại các thành phố và khu công nghiệp.
 
Về việc có nhiều cuộc đình công tại Thẩm Quyến, ông Ngụy Vĩ (Wei Wei), người thành lập « Tiểu Điểu » giải thích : « Ngày càng có nhiều công nhân thừa nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ các quyền lợi của họ. Họ đã học cách đoàn kết lại với nhau ».

Mặt khác, việc có nhiều công xưởng tập trung ở tỉnh Quảng Đông tạo thuận lợi cho việc lan truyền thông tin về các đình công.
 
Tại Trung Quốc, cho đến nay, chỉ có một công đoàn đặt dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản. Do vậy, tổ chức này hiếm khi đấu tranh với giới chủ để bảo vệ quyền lợi của công nhân.
 
Tuy nhiên, theo một số tổ chức phi chính phủ thì đôi khi, các lãnh đạo chính quyền cũng chú ý lắng nghe những yêu sách của người lao động, đặc biệt là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
 
Theo ông Debby Chan, thuộc tổ chức « Sinh viên và giới nghiên cứu chống lại các doanh nghiệp hành xử tồi tệ », có trụ sở tại Hồng Kông thì « chính phủ lo ngại là những yêu sách này lan rộng ra. Họ không muốn công nhân xuống đường biểu tình hoặc đòi lập các công đoàn » tự do.
 
Do làn sóng yêu sách ngày càng mạnh của công nhân, chính quyền Bắc Kinh đã phải sửa đổi, củng cố Luật Lao động, tham khảo các tổ chức của giới chủ, cho phép các tòa án đứng ra giải quyết những tranh chấp xã hội.
 
Vừa qua, chính quyền thành phố Thẩm Quyến đã thông báo là kể từ tháng Giêng năm 2012, mức lương tối thiểu sẽ tăng 14%, lên thành 1500 nhân dân tệ (tương đương 176 €).
 
Ông Geofrey Crothall, phát ngôn viên tổ chức China Labour Bulletin, ở Hồng Kông nhấn mạnh là các cuộc biểu tình, đấu tranh của công nhân ngày càng có tổ chức, ở mức chưa từng thấy tại Trung Quốc.

Ví dụ, công nhân của năm nhà máy sản xuất chai Pepsi, đặt ở những nơi khác nhau trên lãnh thổ Trung Quốc, đã phối hợp tổ chức đình công trong cùng một ngày để phản đối việc bán các cơ sở này.

 Năm ngoái, tại các cơ sở sản xuất của Nhật Bản, người lao động đã khai thác tinh thần bài Nhật ở Trung Quốc để buộc chính quyền phải chấp nhận cho họ đình công. Chuyên gia Crothall nhận xét, « công nhân Trung Quốc có ý thức chính trị rất sắc sảo ».