Home Tin Tức Thời Sự Miến Điện ra luật biểu tình

Miến Điện ra luật biểu tình PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Bảy, 03 Tháng 12 Năm 2011 15:04

Trước đây, tất cả các cuộc tụ tập đều bị cấm.


Tổng thống Thein Sein đã có cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm thứ Sáu.

Tổng thống Miến Điện Thein Sein vừa ký luật lần đầu tiên cho phép biểu tình hòa bình, truyền thông nước này tường thuật.

Luật mới yêu cầu người dân phải xin phép ít nhất là năm ngày trước khi tổ chức biểu tình. Trước đây, tất cả các cuộc tụ tập đều bị cấm.

Đây là bước cải tổ mới nhất do chính phủ dân sự được quân đội đề cử thực hiện, sau khi chính quyền quân sự chuyển giao quyền lực hồi đầu năm.

Chính phủ đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với một nhóm người sắc tộc thiểu số có vũ trang, nhóm Quân đội Quốc gia Miền nam Shan.

Thỏa thuận được ký hôm thứ Sáu tại bang Shan ở miền đông, nhóm Myanmar Egress nói.

Các cuộc đàm phán hòa bình với nhiều nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang tại Miến là một trong những đòi hỏi then chốt mà các nước phương Tây đưa ra nhằm đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh cấm vận.

Cả thỏa thuận ngừng bắn lẫn việc ra luật mới về biểu tình diễn ra ngay khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton kết thúc chuyến viếng thăm ba ngày tới Miến Điện.

Hôm thứ Sáu, bà Clinton đã gặp gỡ với lãnh tụ theo đường lối dân chủ Aung San Suu Kyi.

Bà Suu Kyi cũng hoan nghênh những bước cải cách mới đây, theo đó cho phép đảng của bà được tham gia tranh cử. Tuy nhiên, bà nói vẫn còn nhiều điều nữa cần phải được thực hiện.

Bà kêu gọi trả tự do cho tù chính trị.

Bà Clinton là quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ tới thăm Miến Điện kể từ 50 năm qua.

Chính phủ Miến Điện hiện vẫn đang tiếp tục giam giữ hàng trăm tù chính trị và nước này vẫn còn là nơi xảy ra các cuộc xung đột sắc tộc.

Hoa Kỳ vẫn áp những lệnh trừng phạt nghiêm ngặt lên các lãnh tụ cao cấp của Miến Điện, đất nước vốn nằm trong tay sự cai trị của giới quân sự kể từ năm 1962 cho tới tận năm 2010.

Phe quân đội đã chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự hồi năm ngoái, nhưng sự hiện diện của phe quân sự vẫn còn áp đảo trong quốc hội của nước này.