Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 3-12-2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 3-12-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Bảy, 03 Tháng 12 Năm 2011 12:12

Hillary dành nụ hôn hòa bình cho Aung San Suu Kyi


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và bà Aung San Suu Kyi (AFP)

Báo Le Figaro đặc biệt quan tâm đến chuyến thăm Miến Điện của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

"Nụ hôn hòa bình của Hillary Clinton dành cho Aung San Suu Kyi" là tựa trang nhất của Le Figaro. Theo tác giả bài viết, nhà đối lập Miến Điện đang giữ một vai trò chủ chốt giúp thúc đẩy Miến Điện xích đến gần với Hoa Kỳ.

 Với tấm ảnh cho thấy bà Clinton, nụ cười rạng rỡ, tay bắt mặt mừng nhân dịp gặp gỡ nhà đối lập Aung San Suu Kyu tại Rangun hôm qua, Le Figaro nhận định bà Clinton đã hoàn thành một chuyến đi lịch sử tại Miến Điện.

Theo tác giả bài viết Florence Compain, tại Miến Điện bà Aung San Suu Kyi được người dân tôn sùng như một vị « Phật sống », là vị cứu tinh của dân tộc, là người có thể giải thoát họ ra khỏi sự cai trị độc đoán của giới quân sự.
 
Tác giả nhận định, cuộc gặp gỡ giữa bà với Ngoại trưởng Mỹ đã phản ánh vai trò then chốt của Aung San Suu Kyi trong việc làm hâm nóng lại quan hệ Mỹ - Miến Điện, vốn bị đóng băng từ 50 năm nay. Ý kiến của bà có tính chất quyết định qua đó Mỹ có thể đưa ra quyết định xem có nối lại quan hệ với Rangun hay không. các biện pháp trừng phạt kinh tế chỉ có thể được dỡ bỏ với sự đồng ý của bà.
 
Về phần mình, bà Aung San Suu Kyi tỏ ra khá lạc quan cho tương lai đất nước.

 Bản thân bà đã ủng hộ chuyến đi ngoại giao của bà Clinton và chiến lược xích lại gần với Hoa Kỳ của tân chính quyền Miến Điện. Bà Aung San Suu Kyi cho rằng « nếu chúng ta cùng nhau làm việc, thì sẽ không có sự thụt lùi trên con đường đi đến dân chủ. Chính quyền cần phải có nhiều tiến bộ hơn nữa, nhưng chúng ta hy vọng sẽ đạt được điều đó nhanh nhất ngay khi có thể ».
 
Theo Le Figaro, việc bà Aung San Suu Kyi tuyên bố có thể sẽ ra tham gia tranh cử cho bầu cử bán phần sẽ làm thấy rõ bộ mặt thật của nền chính trị Miến Điện. Tuy nhiên, tác giả cũng cho biết, hiện tại khuôn khổ hoạt động của bà vẫn còn rất hạn chế. Và quân đội Miến Điện vẫn ở trong thế mạnh.
 
Thế nhưng, chuyến đi của bà Clinton diễn ra trong bối cảnh rất tế nhị. Như cho thấy mối bận tâm hàng đầu, chính quyền thực chất quân sự, nhưng « đội lốt dân sự » đã tổ chức đón tiếp long trọng thủ tướng Bélarus, cùng thời điểm bà Clinton đến Rangoon.
 
Chính quyền Miến Điện ngụ ý rằng «chính họ làm chủ quá trình chuyển tiếp sang nền dân chủ đang nở rộ và có kỷ luật », một chuyên gia nhận định. Họ sử dụng chuyến thăm Miến Điện của Ngoại trưởng Mỹ nhằm xóa bỏ hình ảnh độc tài của mình. Rangoon muốn chứng tỏ là « họ đã thắng thế Mỹ, trong khi nước này đang ở thế phòng thủ ».
 
Theo bài viết của Florence Compain, trong chuyến đi này, bà Clinton đã không hề đưa ra một lời tuyên bố quan trọng nào, mà chỉ là « một vài củ cà rốt nho nhỏ mà thôi », theo như nhận xét của một nhà ngoại giao châu Á. Mỹ thông báo sẽ giải tỏa các chương trình Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
 
Ngược lại, bà Clinton cũng đề cập đến những nỗ lực dân chủ vẫn còn yếu kém và chính quyền Miến Điện vẫn vi phạm nhân quyền tại các vùng dân tộc thiểu số.

 Bà Clinton yêu cầu trả tự do cho hơn 1700 tù nhân chính trị và đề nghị nước này nên cắt đứt quan hệ với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, chính quyền Miến Điện cũng cho thấy họ không muốn nới lỏng quá nhanh sự kiểm soát do e ngại rằng nó sẽ làm suy yếu các quyền lợi của mình.
 
Nhiều trẻ em là nạn nhân trong xung đột tại Syria

Nhìn sang Trung Đông, trên trang quốc tế, Libération có bài viết về sự kiện nhiều trẻ em là nạn nhân bị kẹt trong cuộc xung đột giữa một bên là lực lượng chính quyền và một bên là phong trào đấu tranh dân chủ tại Syria.
 
Theo báo cáo của Ủy ban quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc, kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình của người Syria hồi tháng ba, số nạn nhân thiệt mạng do bị chính quyền đàn áp đã lên đến con số 4000 người, trong đó có hơn 300 trẻ em.

 Báo cáo nhấn mạnh rằng cần phải có hành động gấp rút nhằm chấm dứt các cuộc đàn áp, e ngại rằng bạo dộng sẽ leo thang có nguy cơ dẫn đến một cuộc nội chiến.

Bản báo cáo cũng lên án chế độ Bachar al-Assad phạm « tội ác chống nhân loại ». Đặc biệt, bản báo cáo của bà Navi Pillay, nhà điều tra do Liên Hiệp Quốc ủy quyền, đã lưu ý đến số phận bi thảm trẻ em tại đất nước này.

 Bà Navi Pillay khẳng định đã thu thập đầy đủ nhân chứng và bằng chứng vững chắc cho thấy trẻ em cũng là nạn nhân của các vụ tra tấn và thảm sát của lực lượng an ninh. Bà cho biết hơn 160 trẻ đã tử vong trong các trại giam do bị tra tấn và do không được điều trị. Những trẻ khác đã bị giết chết trong các chiến dịch đàn áp hững người biểu tình.
 
Tuy nhiên, bản báo cáo cũng cho rằng trẻ em cũng là nạn nhân của các vụ xung đột mà cả hai phía đều có trách nhiệm. Các hình ảnh truyền tải trên mạng cho thấy, những người biểu tình đã cố tình mang theo trẻ em, thậm chí còn để chúng đi hàng đầu trong các đoàn biểu tình.
 
Theo nhận định của nhà trí thức xin giấu tên, thì « một số người biểu tình đã tung các hình ảnh những đứa trẻ anh hùng lên mạng và biến chúng thành những tượng đài chiến tranh ». Theo ông, « cả hai bên (phe đối lập và chế độ) đều ngu xuẩn như nhau ».

 Ông này cho biết, ngay trong lòng phe đối lập, một nhóm người được thành lập hòng thuyết phục các bậc cha mẹ không nên đem trẻ nhỏ tham dự các vụ biểu tình.
 
Nạn tham nhũng tại Nga suy giảm nhẹ

Về đề tài xã hội, Le Monde chú ý đến tệ nạn tham nhũng tại Nga, vốn đã bắt rễ sâu trong mọi tầng lớp xã hội. Với bài viết « Tham nhũng tại Nga có dấu hiệu giảm nhẹ », các chuyên gia ước tính số tiền chi cho hối lộ, lãng phí công quỹ… trong năm 2011 đã lên đến ít nhất là 300 tỷ đô-la (tương đương với 220 tỷ euro) chiếm đến ¼ ngân sách quốc gia.
 
Theo Le Monde, nạn tham nhũng có mặt mọi nơi : từ nhà trẻ đến nhà xác, cho đến đại học, lính cứu hỏa, tòa án và cảnh sát.

Theo nhận xét của trưởng văn phòng đại diện Minh bạch Quốc tế tại Matxcơva, « chống tham nhũng sẽ phải là ưu tiên hàng đầu của ông chủ điện Kremlin sắp tới, nếu như Vladimir Putin không muốn mất kiểm soát đất nước ».
 
Le Monde cho biết, trong bản tổng kết năm 2010 của Bộ trưởng kinh tế Nga, số tiền chi cho hối lộ lên đến 164 tỷ rúp, tương đương với 5,35 tỷ đô-la. Một tổ chức ONG tại Nga nhận xét « tham nhũng là một yếu tố quan trọng, vì nó nuôi sống giới văn phòng cũng như trường học ».
 
Bên cạnh đó, nạn lãng phí công quỹ cũng là một tệ nạn khó chữa trị.

Le Monde cho biết trên trang web của chính phủ (www.zakupki.gov.ru), người ta có thể tìm thấy các danh mục gọi thầu hấp dẫn : từ cái bồn tắm bằng đá cẩm thạch (giá 7700 euro) và bộ đồ dụng cụ trượt tuyết (128 000 euro) cho bộ phận an ninh điện Kremlin, tôm hùm (6400 euro) cho các sĩ quan thuộc một trại quân sự ở Sibéria, đơn đặt hàng mua 15 chiếc Mercedes cho một cơ quan hành chính tại vùng Tomks, 5 đồng hồ bằng vàng có gắn hạt đá quý (giá 2200 euro) cho chính quyền Voronej.
 
Không có gì chạy thoát được tham nhũng, Le Monde viết, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài đến gầy dựng cơ sở tại Nga.

 Le Monde thuật lại, tập đoàn Ikea Thụy Điển, chuyên kinh doanh các mặt hàng trang trí nội thất, sau khi đầu tư hết 5 tỷ đô-la để gây dựng cơ sở, vào ngày khai trương, Ikea tại Nga đã gặp rắc rối với chính quyền địa phương : nguyên nhân là gaz và điện không được kết nối, không thể nào nối cửa hàng với con đường chính…

 Cuối cùng, để dỗ dành các viên chức ngạo mạn, đại diện của Ikea tại Nga buộc phải hối lộ các vị này bằng cách đóng tiền góp tiệc cho nhà dưỡng lão địa phương, cho sở cảnh sát, cho nhạc viện nhưng không biết rõ cuối cùng là quỹ này có được sử dụng đúng mục đích hay không.
 
Nhìn chung đề tài trên các trang báo Pháp hôm nay khá phong phú. « Câu trả lời của bà Merkel dành cho Sarkozy : đồng ý, nhưng mà » là hàng tít trên trang nhất báo Le Monde.

Nhật báo Libération thuộc cánh tả lại chú ý đến vụ án ông Dominique Strauss-Kan, cựu Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế, bị tố cáo có hành vi xâm hại tình dục một nữ nhân viên dọn phòng khách sạn Sofitel tại New York với tựa đề « Vụ án DSK : nếu nói âm mưu là lừa bịp » .

 Còn nhật báo Công giáo La Croix có bài phóng sự về « Trở lại các nước Liên Xô cũ ».