'Luật hóa sự lãnh đạo của Đảng' khi viết Hiến pháp |
Tác Giả: BBC |
Thứ Sáu, 02 Tháng 12 Năm 2011 23:38 |
Việt Nam đang thảo luận vấn đề cải tổ Hiến pháp 1992 Việt Nam đang thảo luận vấn đề cải tổ Hiến pháp 1992 Một thành viên từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) nói với BBC rằng nhà nước nên xem "đây là thời cơ vàng để nhìn nhận lại tình hình Việt Nam" nhân việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Ông Lê Hiếu Đằng, hiện là Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật của MTTQVN, nói cần có "những thay đổi sâu sắc trong Hiến pháp, chứ không nên chắp vá như những lần trước". Một trong những vấn đề có thể làm ngay, theo ông, là "bãi bỏ chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước về ruộng đất", đang là vấn đề khiến "nhiều người dân ta thán". Ông Lê Hiếu Đằng nói chuyện với BBC hôm nay sau khi tham dự một hội thảo về “Tổng kết việc thực hiện và kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992”, tổ chức hôm 30/11 tại TP. HCM. Tại đó, ông đã đọc một tham luận trình bày 12 điểm mà theo ông cần sửa đổi trong Hiến pháp Việt Nam. Ông Đằng đề nghị cần có những quy định cụ thể để "người dân giám sát, thậm chí chế tài đối với Đảng Cộng sản" để tổ chức này không biến thành "một thứ siêu quyền lực". Trong bài tham luận, ông viết cụ thể hơn: "Không thể duy trì một điều khoản quá chung về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản như điều 4 trong Hiến pháp hiện nay." "Nếu không luật hóa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì Đảng không phải lãnh đạo nữa mà là Đảng cai trị trực tiếp." Tác giả viết tiếp: "Nếu chúng ta chưa chấp nhận đa nguyên đa đảng, thì phải nâng cao vai trò MTTQVN trong vai trò giám sát phản biện xã hội". Ông chỉ ra MTTQVN và các đoàn thể, ngay cả Quốc hội, đều "còn rất hình thức". Quyền lực Chủ tịch nước Ông Lê Hiếu Đằng kêu gọi luật hóa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Ông Lê Hiếu Đằng cho rằng cần tăng cường quyền lực của vị trí Chủ tịch nước, thậm chí "hợp nhất vai trò Tổng Bí thư Đảng Cộng sản với Chủ tịch nước là một". Nói với BBC, ông cho rằng cần xóa bỏ tâm lý "chia ghế, không đủ ghế để chia vì vậy mà chần chừ" trong việc hợp nhất hai vị trí này. Ông cũng kêu gọi Hiến pháp mới cần quy định vai trò độc lập của lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ngoài ra, tác giả muốn Hiến pháp cần "quy định rõ về vấn đề chủ quyền biển đảo, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam". Ông cũng đề nghị Hiến pháp cấm lực lượng vũ trang và công an "không được làm kinh tế". 'Đảm bảo tự do dân chủ' Ở Hội thảo hôm 30/11, giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nhận định cần trở lại Hiến pháp 1946, do Hồ Chí Minh trực tiếp làm Trưởng ban Soạn thảo. Theo ông, Hiến pháp 1946 "nổi bật lên hai vấn đề cơ bản nhất: ngăn cấm sự lạm quyền của quyền lực nhà nước và đảm bảo quyền tự do dân chủ của công dân". "Phải tập trung vào hai vấn đề cơ bản này vì vi phạm quyền dân chủ vẫn là thói quen khó bỏ của người nắm quyền." "Để đảm bảo thực thi nguyên tắc ấy thì nhà nước pháp quyền ấy phải được tổ chức theo nguyên tắc “tam quyền phân lập' để kiểm tra nhau," tác giả viết. |