Trung Quốc được trang bị máy móc tân kỳ sản xuất nữ trang tinh xảo hàng loạt để tung ra thị trường khắp thế giới
VIỆT NAM (NV) - Theo chủ một cửa hàng ở Việt Nam, phần lớn trang sức làm bằng vàng trắng gắn mác “Made in Italy” đều do Trung Quốc sản xuất.
Khó kiểm soát tuổi vàng ở các cửa hàng vàng bạc tại Việt Nam. (Hình: Báo Người Lao Ðộng)
Tiết lộ này cho thấy, thật-giả tràn lan trên thị trường vàng bạc-nữ trang và chỉ có người mua chịu thiệt vì mua lầm chứ bán không lầm. Theo báo Người Lao Ðộng, rất nhiều khách hàng biến thành con mồi của các chủ tiệm vàng.
Ngắm nghía một số nữ trang trưng bày trong tủ kính cửa hàng gắn nhãn “Made in Italy” vừa tinh xảo lại rẻ tiền, lại được chủ tiệm cam đoan hàng “xịn,” mọi người bu lại mua như tôm tươi. Thế nhưng sau khi mua về nhà đeo một thời gian, đến khi cần bán lại, “quý bà” mới vỡ lẽ ra, đó là hàng Trung Quốc gắn mác Ý chứ không phải hàng chính hiệu. Khách hàng mua nhầm các loại nữ trang “sụt tuổi” này đã trở thành nạn nhân của các “thương vụ tiền mất tật mang.” Báo Người Lao Ðộng cho biết, một bà khách hàng tên L. ngụ tại quận 3 đem sợi dây chuyền cùng với hóa đơn đến bán lại cho chính cửa tiệm mà bà đã mua hôm trước. Cũng chính nhân viên hôm ấy giờ đây “chê ỏng chê eo” sợi dây chuyền và nói rằng chỉ có thể mua lại bằng với giá vàng 65% tuổi sợi dây chuyền hôm trước đã bán cho bà L. ghi 75% tuổi. Tiếc số tiền bị lỗ nặng, bà L. mang sợi dây trở về nhà với nỗi bực tức khó nguôi. Một thợ bạc xin được giấu tên ngụ tại quận 10 cho biết, cơ xưởng sản xuất tại Trung Quốc hiện nay được trang bị máy móc tân kỳ sản xuất nữ trang tinh xảo hàng loạt để tung ra thị trường khắp thế giới chứ không riêng Việt Nam.
Ðể giảm giá hàng nhằm mục đích cạnh tranh, cơ sở Trung Quốc hạ tuổi vàng trắng từ 75% xuống còn từ 60 đến 65%. Món đồ được gắn mác “xịn” và bán với giá vàng 18 K trong khi tuổi vàng thật chỉ có 14K. Một chủ tiệm nữ trang khẳng định: “Khách hàng không sao biết được xảo thuật này của nhà sản xuất cho nên cứ thế mà mua.” Các chủ tiệm coi lợi nhuận trên hết vô tình tiếp tay cho nhà sản xuất gian xảo lừa đảo khách hàng. Nguồn tin này được bà phó tổng giám đốc công ty Vàng Bạc Ðá Quý Phú Nhuận Nguyễn Thị Cúc xác nhận. Theo bà, các tỉnh miền Tây Việt Nam hiện là thị trường tiêu thụ chính của các loại nữ trang vàng trắng của Trung Quốc gắn mác Ý “đánh” qua. Cũng một thợ bạc ở Sài Gòn tiết lộ, ông được một công ty mời chế tác hàng loạt nữ trang vàng trắng với độ tuổi 5K, tức hàm lượng vàng chỉ còn khoảng 20%. Thừa biết các sản phẩm đó rồi sẽ được trưng bày với “mác” 18K, 24K để lừa dối khách hàng, ông thợ bạc từ chối lời đề nghị hợp tác của ông chủ tiệm. Hiện nay, việc kiểm soát chặt chẽ tuổi vàng là một công đoạn nằm trong quy định đã bị nhà nước Việt Nam buông lỏng. Không ai kiểm soát, thiếu “mua đúng, bán thật,” người tiêu thụ trong nước trở thành những miếng mồi ngon cho giới kinh doanh gian dối. Việc kiểm soát tuổi vàng và ngăn chận nạn lừa đảo ở hàng vạn tiệm vàng trong cả nước hiện nay có thể nói là “vô phương.” (PL)
|