Bạn biết gì về phong trào biểu tình 'Occupy'? |
Tác Giả: Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp) |
Thứ Năm, 01 Tháng 12 Năm 2011 14:12 |
Phong trào 'Occupy' đã và sẽ có ảnh hưởng ra sao. Từ hơn hai tháng qua, tin tức thời sự hàng ngày đều nói tới những cuộc biểu tình đóng trại ở các địa điểm công cộng tại nhiều thành phố Hoa Kỳ và những quốc gia khác trên thế giới.
Vật dụng và lều trại tan hoang của cuộc biểu tình “Occupy Los Angeles” trước tòa thị sảnh sáng Thứ Tư, 30 tháng 11 sau cuộc hành quân giải tỏa bởi 1,400 cảnh sát trong đêm. (Hình: Kevork Djansezian/Getty Images)
Hai cuộc biểu tình đầu tiên mang tên “Occupy Wall Street” ở thành phố New York và “Occupy San Francisco” diễn ra ngày 17 tháng 9 năm 2011. Từ đó đến nay, phong trào bành trướng tới 95 thành phố trên 80 quốc gia, và riêng Hoa Kỳ tại 600 nơi. Trang mạng “Occupy Together” Meetup ngày 26 tháng 11 liệt kê 2,668 địa điểm trên thế giới xảy ra những cuộc biểu tình của phong trào “Occupy.” Khẩu hiệu chung của phong trào “We are the 99%,” diễn tả tình trạng phần lớn tiền bạc của cải trong xã hội thuộc về 1% người giầu so với 99% dân chúng còn lại. Trong cuộc biểu tình phát khởi ở New York, người biểu tình nhắm tới Wall Street vì vai trò của nó trong sự đưa đến khủng hoảng kinh tế năm 2008 và thời kỳ đại suy thoái. Theo họ những lỗi lầm và thủ thuật gian trá ở đây cần phải được quy trách nhiệm để trừng phạt rồi sửa chữa. Ai cũng có thể thấy các ngân hàng, những nhà đầu tư ở Wall Street, vẫn giầu thêm trong khi đa số dân chúng lâm vào tình trạng khó khăn hơn. Kalle Lasn, một trong những người khởi xướng thuộc nhóm Adbusters, nói rằng không một cá nhân nào có thể giải thích đầy đủ cho phong trào nhưng ông tin rằng mục tiêu tối hậu là công bằng kinh tế. Phản ứng với lối sống nặng tính vật chất, lệ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ, có thể tìm thấy ngay ở nhóm Adbusters, từ đầu đã hình thành là một nhóm “anti-consumerism.” Trong quá khứ, những phản ứng tương tự cũng đã từng thể hiện tại Âu Châu, trong cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1968 ở Pháp, hay xa hơn qua những phong trào mang tính cách văn hóa xã hội như Hippie tại Hoa Kỳ thập niên 1960. Sự tập họp, đóng trại ở công viên, công trường của những người biểu tình “Occupy,” phần nào gợi lại hình ảnh về lối sinh hoạt ấy. Một sự kiện đáng chú ý có thể ghi nhận ở đây là thành viên trong những cuộc biểu tình “Occupy” ở Hoa Kỳ rất ít, hoặc không có, dân Mỹ gốc thiểu số Á Châu hay Trung/Nam Mỹ. Tổng quát theo các thăm dò dư luận thì số ủng hộ cao hơn số chống đối chút ít nhưng có một tỷ lệ lớn nói không hiểu hay không có ý kiến. Tính theo tuổi tác, những người thuộc lứa tuổi 50 đến 64 ủng hộ nhiều hơn lứa tuổi dưới 35 và nam giới mạnh hơn nữ giới. Xét theo thu nhập, những người có thu nhập hằng năm từ $50,000 đến $70,000 ủng hộ phong trào hơn là những người có thu nhập thấp, dưới $30,000. Tại Hoa Kỳ có ý kiến tin là Dân Chủ ủng hộ và Cộng Hòa chống, tuy nhiên điều ấy không chính xác và tùy thuộc theo từng cá nhân các chính trị gia. Khuynh hướng rõ nét hơn là mặc dầu có thể đồng ý nhưng do nhiều sự phiền toái kéo dài cùng với tiềm năng xảy ra những rắc rối khó dự đoán, hầu hết các chính quyền địa phương và thành phố đều muốn dẹp những cuộc biểu tình cắm trại thường trực ở nơi công cộng. Los Angeles là thành phố gần đây nhất, đêm sáng Thứ Tư, 30 tháng 11, đã huy động tới 1,400 cảnh sát để giải tán cuộc biểu tình và triệt hạ những lều trại dựng lên từ hai tháng nay tại công trường trước tòa thị sảnh. Hơn 200 người bị bắt giữ vì cưỡng lệnh rời khỏi địa điểm nhưng không có trường hợp va chạm hay chấn thương gì đáng kể. Với một loạt những phàn nàn phản đối thiếu tập trung vào một số mục tiêu cụ thể như vậy, sẽ không thể có cách gì giải quyết toàn bộ. Vì vậy người ta có thể tin rằng phong trào biểu tình “Occupy” rõ ràng trình bày được những vấn nạn của xã hội, nhưng cuối cùng sẽ không đi xa hơn là chuyển một tín hiệu cảnh thức đến các tầng lớp dân chúng và giới chính trị. (HC)
|