Home Tin Tức Thời Sự Mỹ muốn chặn trước tham vọng hạt nhân của Miến Điện

Mỹ muốn chặn trước tham vọng hạt nhân của Miến Điện PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Năm, 01 Tháng 12 Năm 2011 11:31

Mỹ đề cập đến mối quan hệ giữa Miến Điện và Bắc Triều Tiên 

  
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (Phải) tiếp kiến tổng thống Miến Điện Thein Sein (trái) tại Naypyitaw ngày 1/12/2011.
REUTERS/Saul Loeb

Giới quan sát cho rằng, nhân chuyến thăm Miến Điện đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton còn muốn thăm dò và ngăn ngừa trước mọi tham vọng của Miến Điện trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử khi có một số thông tin và động thái làm cho Hoa Kỳ quan ngại.

 Trong chuyến công du Miến Điện của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, thúc đẩy cải cách chính trị, dân chủ hóa, hồ sơ nhân quyền là những nội dung trong chương trình nghị.

Tuy nhiên, chắc chắn là Mỹ đề cập đến mối quan hệ giữa Miến Điện và Bắc Triều Tiên, về những thông tin liên quan đến việc chính quyền Naypydaw mua các công nghệ chế tạo tên lửa và các chương trình năng lượng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

 Do vậy, giới quan sát cho rằng, nhân chuyến đi này, Ngoại trưởng Mỹ muốn thăm dò và ngăn ngừa trước mọi tham vọng của Miến Điện trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử.
 
Một số thông tin và động thái làm cho Hoa Kỳ quan ngại
 
Hồi tháng Năm 2011, tại vùng biển Hoa Đông, hải quân Mỹ đã ngăn chặn một tàu của Bắc Triều Tiên bị nghi ngờ chở vũ khí và các công nghệ chế tạo tên lửa cho Miến Điện.
 
Tháng 11/2010, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho rằng Bắc Triều Tiên tiếp tục xuất khẩu các thiết bị hạt nhân và tên lửa sang Miến Điện, Iran và Syria. Cuối năm ngoái, chính quyền Miến Điện đã từ chối lời đề nghị của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA muốn cử các chuyên gia đến quan sát một số cơ sở bị nghi ngờ.
 
Trước đó, vào năm 2004, một bức điện mật của sứ quán Mỹ gửi về Washington, bị website WikiLeaks tiết lộ, cho biết là một doanh nhân nói rằng ông ta đã nghe thấy tin đồn là một lò phản ứng hạt nhân đã được xây dựng gần Minbu, ở vùng Magway, ven bờ sông Irawaddy, Miến Điện.
 
Ngoài ra, Hoa Kỳ có những thông tin đến từ một sĩ quan quân đội Miến Điện đào thoát, ông Sai Thein Win, theo đó, ngay từ 2001, nhân vật này và các đồng nghiệp khác đã nhận được những chỉ thị đầu tiên liên quan đến các nghiên cứu trong khuôn khổ chương trình chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Vào lúc đó, bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Miến Điện U Thaung và tướng Maung Aye, phó tư lệnh quân đội Miến Điện đã đến phát biểu tại Học viện Quốc phòng ở Rangoon khẳng định là Miến Điện cần các công nghệ quân sự tiên tiến để bảo vệ đất nước, theo gương Bắc Triều Tiên.
 
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Miến Điện đưa ra một số lập luận: Thái Lan là đồng minh của Mỹ, do vậy Hoa Kỳ có thể tấn công xâm lược Miến Điện bất kỳ lúc nào.

Vào tháng Chín 1988, Mỹ đã điều đồng 5 tàu chiến, trong đó có hàng không mẫu hạm Coral Sea vào gần lãnh hải Miến Điện, sáu ngày trước khi quân đội thẳng tay trấn áp phong trào nổi dậy đòi dân chủ. Vẫn theo các tiết lộ của ông Sai Thein Win, thì ngay từ 2001, nhiều nhóm sĩ quan Miến Điện đã được gửi đi đào tạo tại Nga, Ấn Độ, Trung Quốc.
 
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh"
 
Hôm nay, 01/12/2011, sau khi hội đàm với tổng thống Miến Điện Thein Sein tại Naypydaw, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi chính quyền Naypydaw chấm dứt mọi quan hệ bất hợp pháp với Bình Nhưỡng.

Bà nói: “Chỉ có thể có mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ nếu như chính phủ (Miến Điện) tôn trọng đồng thuận quốc tế chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Vẫn theo lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ thì Washington hy vọng Miến Điện tôn trọng các nghị quyết 1718 và 1874 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và cắt đứt các mối liên hệ với Bắc Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết, tổng thống Miến Điện đã đưa ra “những bảo đảm chắc chắn” trong việc tôn trọng các nghị quyết cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu vũ khí, đồng thời cũng cam kết không phát triển vũ khí hạt nhân.
 
Một thành viên trong phái đoàn Mỹ cho AFP biết là Miến Điện “đã thảo luận nghiêm túc” với Hoa Kỳ “về những biện pháp có thể được đưa ra liên quan đến Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cũng như các hành động khác mà họ dự tính thực hiện, liên quan đến Bắc Triều Tiên”.

Vẫn theo quan chức này, Mỹ sẽ cố gắng thuyết phục Miến Điện ký “nghị định thư bổ sung” của Hiệp ước không phổ biến hạt nhân – TNT.