Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-12-2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-12-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Năm, 01 Tháng 12 Năm 2011 11:21

Tại Châu Á, Washington và Bắc Kinh gờm nhau


Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề hội nghị Đông Á tại Bali ngày 19/11/2011.
REUTERS/Jason Reed

Nhân chuyến công du Miến Điện của Ngoại trưởng Mỹ, nhật báo Pháp Le Figaro vào hôm nay đã chú trọng đến không khí căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sau Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vừa qua, mà tờ báo cho là : «Washington và Bắc Kinh trong tư thế sẵn sàng ‘rút gươm’», tựa lớn ở trang quốc tế.

Tờ báo chú thích : Hoa Kỳ đã thắng một trận đánh trong cuộc chiến giành ảnh hường trong khu vực.

Tác giả bài báo Arnaud de La Grange, nhìn thấy là Trung Quốc vẫn còn vật vã sau khi bị trúng ‘cơn sốt châu Á’ của tổng thống Mỹ Obama.

 Bắc Kinh cảm thấy mình bị Washington thách thức và sỉ nhục ngay trong ‘sân nhà’, trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương mà một số người muốn biến thành vùng ảnh hưởng của Trung Quốc.
 
Le Figaro liệt kê một số việc làm của Mỹ bị cho là thách thức : Tổng thống Mỹ không chỉ trịnh trọng tuyên bố là Mỹ ‘vẫn ở lại trong vùng’ mà ông còn ào ạt tung ra một loạt hành động cụ thể: Thông báo thành lập một căn cứ thủy quân lục chiến ở Úc, nêu lên vấn đề tranh chấp Biển Đông trong chương trình nghị sự Hội nghị Đông Á, bất chấp những lời phản đối của Trung Quốc.
 
Trước đó, tại Hội nghị APEC, Hoa Kỳ đã thúc đẩy việc thành lập vùng tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, mà Trung Quốc không được mời, và giờ đây là chuyến công du Miến Điện của ngoại trưởng Hillary Clinton, mà Bắc Kinh xem như là nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
 
Sau một thời gian bị bất ngờ, Le Figaro cho là Bắc Kinh bắt đầu phản ứng.

Động thái làm tờ báo ngạc nhiên và cho là hiếm thấy, đến từ bộ Quốc phòng Trung Quốc vào hôm qua, khi bộ này chỉ trích ‘tâm lý chiến tranh lạnh’ của Mỹ liên quan đến căn cứ quân sự ở Úc. Một viên tướng Trung Quốc tố cáo ý muốn ‘bao vây Trung Quốc’ của Washington, và đánh giá đó là một sai lầm chiến lược nguy hại.
 
Le Figaro phân tích là trước đây Bắc Kinh từng xem sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan như là một động thái vây quanh Trung Quốc, triển khai quân ở phiá Tây để bổ xung cho lực lượng Mỹ ở phiá Đông, tức là ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

 Le Figaro nhắc lại là vừa qua thì Hoa Kỳ đã thu hút được sự đồng tình, ủng hộ của phần lớn các quốc gia Đông Nam Á, kể cả Việt Nam.
 
Trong cuộc chiến giành ảnh hưởng này, Le Figaro cho là các nhà bình luận ở Hồng Kông và cả ở Trung Quốc, đều đánh giá là Mỹ đã thắng trên mặt trận ngoại giao mới này, cho dù như một giáo sư đại học Thượng Hải đã cảnh cáo là « người Trung Quốc kiên nhẫn hơn một chính quyền Mỹ.

 Lần này Trung Quốc thua, nhưng 10 năm sau thì Hoa Kỳ sẽ thua ».
 
Hiện nay, theo giới chuyên gia, ngoài các tuyên bố tức giận, Trung Quốc sẽ không hành động gấp rút, một mặt là để không tạo cảm giác là họ vừa bị một cái tát nghiêm trọng và một mặt khác là vì Trung Quốc cũng bước vào ‘năm bầu cử’, với việc thay đổi lãnh đạo năm 2012, và những xáo trộn lớn trên chính trường quốc tế không có lợi. Có điều như một giáo sư đại học Bắc Kinh nhận định : Chủ tịch Hồ Cẩm Đào « đang chiụ sức ép chưa từng thấy về chính sách đối ngoại».
 
Le Figaro còn nêu một số bình luận khác nữa, cho là cuộc đọ sức mới này có lợi cho cả hai nước vì nó làm hài lòng dư luận hai bên, và mặt khác giúp hai nước tránh được một cuộc chiến tranh thương mại quá đà, sau cuộc bỏ phiếu trừng phạt của Quốc hội Mỹ trên vấn đề đồng yuan.
 
  Phải chăng Miến Điện đã thực sự mở cửa ?
 
Quốc gia châu Á được chú ý nhất hiện nay là Miến Điện. Những động thái cởi mở chính trị vừa qua của chính quyền dân sự tại quốc gia này đã gây ngạc nhiên vả dẫn đến kết quả không ai dám nghĩ đến trước đây : Chuyến viếng thăm của một ngoại trưởng Mỹ.

Tuy hoan nghênh sự thay đổi nhanh chóng trong không đầy một năm của chính quyền dân sự được thành lập sau cuộc bầu cử, nhưng người dân Miến Điện cũng như các nhà quan sát và báo giới vẫn thận trọng.
 
Libération phản ánh suy nghĩ chung này trong bài báo tựa đề : «Tiến trình tan băng mong manh tại Miến Điện».

Theo tờ báo, sự kiện Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Naypyidaw vào hôm qua đã chứng thực cho tiến trình mở cửa chính trị tương đối của chế độ Miến Điện, nhưng chưa xoá tan được các mối hoài nghi.
 
Tác giả bài báo công nhận : Nếu nói đây là một chuyến viếng thăm lịch sử thì không ngoa chút nào. Từ năm 1955 đến nay, Washington chưa bao giờ gởi người lãnh đạo ngành ngoại giao của mình đến một quốc gia mà chế độ, chỉ mới cách đây không lâu, còn xem chính quyền Mỹ là ‘Quỷ Satan’ của chế độ thực dân mới, đã cùng với Châu Âu trừng phạt Miến Điện.
 
Nhưng với những dấu hiệu mở cửa ngày càng nhiều của chính quyền mới, thì hai bên đã xích lại gần nhau.

Libération nhắc lại : Hành động mở cửa của Miến Điện quả là là chưa từng thấy từ sau cuộc đảo chinh của các tướng lãnh năm 1962. Tờ báo liệt kê hàng loạt cải tổ mà không ai dám nghĩ đến cách đây một năm thôi : quyền tự do lập hội, lập công đoàn, quyền đình công, biểu tình, giảm kiẻm duyệt báo chí..., kêu gọi các nhà đối lập lưu vong trở về nước..v.v..
 
Đối với các quan sát viên lạc quan, như một nhà ngoại giao Pháp, Jean Hourcade, làm việc tại Yangon từ 2000 đến 2005, thì chính quyền Miến Điện đã hiểu là không thể nào tồn tại mãi mãi mà không biển chuyển, và họ khó mà quay ngược lại phiá sau, sau tất cả những gì đã thông báo.

 Còn một nhà ngoại giao Mỹ thì đánh giá tình hình thận trọng hơn, cho là « quá khứ của lãnh đạo Miến Điện làm cho người ta khó tin tưởng họ hoàn toàn đối với tương lai ». Nhưng nhà ngoại giao này đồng thời cũng phải công nhận là tân chính quyền Miến Điện đã làm được một số việc tích cực.
 
 Libération trích dẫn Bertil Lintner, một nhà báo chuyên trách khu vực. Ông cũng tỏ ra không mấy tin tưởng, cho là những cải tổ đã được thông báo chỉ là việc ‘tô son trát phấn’. Ông lo ngại là cho dù chính quyền đã cho phép đối lập, các hiệp hội, công đoàn, báo giới nói lên tiếng nói của mình, nhưng nếu họ bị đánh giá là đi quá xa thì đàn áp sẽ diễn ra ngay.

 Còn đối với bà Aung San Suu Kyi, nếu bà còn không bị lãnh đạo Miến Điện cô lập, thì họ đã sử dụng bà để được quốc tế công nhận, bãi bỏ trừng phạt và viện trợ trở lại. Chính quyền Miến Điện đã giành được thành công đầu tiên khi được giao phó chiếc ghế chủ tịch ASEAN năm 2014.
 
 Tuy nhiên, thái độ cởi mở của lãnh đạo Miến Điện hiện nay cũng được nhìn qua một lăng kính khác.

Libération trích một nhà ngoại giao người Pháp khác, nhìn thấy tác động của Mùa Xuân Ả Rập mà theo nhân vật này, « đã đóng một vai trò thúc đẩy cải tổ nhanh chóng », để giải thích sự thay đổi tại Miến Điện.

Theo quan sát viên này, lãnh đạo mới lên nắm quyền thuộc thế hệ trẻ hơn chế độ cũ, và họ mong muốn đổi mới. Vả lại mong muốn của họ trùng lập với mong muốn của giới tài phiệt đã thừa hưởng thành quả chính sách tư hữu hóa nhưng lại phải chiụ trừng phạt kinh tế của quốc tế.
 
Ngoài những lý do trên Libération còn nhìn thấy là Miến Điện muốn thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc, người láng giềng hùng mạnh và tham ăn.

Tờ báo trích báo Trung Quốc, tờ Hoàn cầu thời báo( Global Times), đã cho là Bắc Kinh không thấy trở ngại gì trong việc Miến Điện tìm cách cải thiện quan hệ với phương Tây khi mà quyền lợi của Trung Quốc không bị ‘chà đạp’. Mối nghi ngờ đối với thực tâm cải tổ của chính quyền Miến Điện cũng được báo Le Figaro nêu bật trong hàng tựa : Bà Clinton trắc nghiệm việc mở cửa của Miến Điện.
 
 Mở đầu bài viết, tác giả Florence Compain nhắc lại câu nói của một nhà đối lập Miến Điện lưu vong ở Thái Lan từng nói với nhà báo Le Figaro, là « Thương lượng với tướng lãnh Miến Điện không khác gì gảy đàn tai trâu ».

Nhà báo này cho là ngoại trưởng Clinton đến Miến Điện với hy vọng khuyến khích thay đổi. Nhưng trước tiên bà phải cố trả lời câu hỏi đang ám ảnh cả nước :" thông báo đổi mới ngoạn mục của chính quyền chỉ là một chiếc áo màu mè, hay là thể hiện ý muốn thay đổi sâu sắc".
 
Le Figaro nhắc lại lời của ngoại trưởng Mỹ hôm qua là bà muốn trắc nghiệm ý định của chế độ Miến Điện và sẽ thúc giục việc thả 1.600 tù nhân chính trị cũng như giải quyết tranh chấp với các nhóm dân tộc thiểu số một cách hòa bình.
 
 Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với Pakistan

Cũng liên quan đến châu Á, Libération nêu bật tình hình quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với Pakistan, một đồng minh thân thiết trước đây, nhưng giờ thì lại ‘kháng cự lại Mỹ’, tít trang thế giới.

Libération trở lại sự kiện là để phản đối vụ oanh kích của NATO ở vùng bộ tộc làm 24 lính Pakistan thiệt mạng, thứ bảy vừa qua, Pakistan đã quyết định không tham dự cuộc họp về Afghanistan tổ chức ngày 5/12 tại Đức.
 
Pakistan đóng một vai trò then chốt trong cái gọi là ‘Trò chơi lớn’ chung quanh Afghanistan và là đối tác không thế thiếu vắng trong mọi giải pháp thương lượng. cho nên nếu Pakistan không đến họp ở Bonn, nhằm xem xét khả năng trợ giúp dài hạn của cộng đồng quốc tế cho Afghanistan, thì xem như là cuộc họp không còn ý nghiã gì nữa.

 Hội nghị tại Đức chuẩn bị đón 91 phái đoàn, và Hoa Kỳ hôm qua vẫn cố thuyết phục Pakistan bỏ quyết định tẩy chay hội nghị, nhưng dường như là đã hoài công.

Islamabad vẫn chưa từ bỏ ý định của mình. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã lấy làm tiếc về sự cố và hứa cho mở điều tra nhanh chóng. Có điều là Hoa Kỳ không lên tiếng xin lỗi, một cử chỉ mà giới phân tích Pakistan cho là cần thiết để chính quyền Islamabad quyết định tham gia cuộc họp tại Đức.
 
Theo Libération, chính quyền Pakistan không chỉ tẩy chay cuộc họp, mà còn ngăn chặn con đường bộ chuyển hàng tiếp tế cho lực lượng NATO ở Afghanistan, chứng tỏ rằng người đồng minh này vẫn còn trong cơn thịnh nộ.

Tuy nhiên giới quan sát cho là Pakistan có thể sẽ bỏ ý định tẩy chay của mình. Trong cuộc họp sắp tới đây vấn đề căn cứ Mỹ tại Afghanistan sẽ được đưa ra bàn thảo, do đó Pakistan sẽ muốn biết thêm về ý định của ông Obama. Libération theo dõi báo chí Pakistan đã thấy là dường như Thủ tướng Gilani đã hé mở một cánh cửa trong cuộc đọ sức hiện nay : ông đưa ra điều kiện tham gia hội nghị là Hoa Kỳ cam kết không tiến hành các chiến dịch tấn công trên đất nước của ông.