Home Tin Tức Thời Sự Ai Cập : Đông đảo cử tri đi bầu, biểu tình tiếp tục tại quảng trường Tahrir

Ai Cập : Đông đảo cử tri đi bầu, biểu tình tiếp tục tại quảng trường Tahrir PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Ba, 29 Tháng 11 Năm 2011 14:51

 Người biểu tình nhất quyết đòi giới quân sự phải rời bỏ quyền lực.

Cử tri xếp hàng bỏ phiếu tại Cairo, 28/11/2011.
REUTERS/Goran Tomasevic

 

Cuộc bầu cử quốc hội tại Ai Cập đã bước sang ngày thứ Hai sau ngày đầu diễn ra êm đẹp mặc dù vẫn có nhiều lo ngại bạo lực.

Ngày hôm nay, cử tri Ai Cập tiếp tục đi bầu cử đông đảo để lựa chọn các đại biểu của Hạ viện. Nhìn chung, thì cuộc bầu cử đầu tiên thời kỳ hậu Moubarak này được đánh giá là đã có những thành công bước đầu ở mức độ cử tri tham gia bỏ phiếu.

 Trong khi đó tình hình tại quảng trường Tahrir vẫn diễn biến căng thẳng. Người biểu tình nhất quyết đòi giới quân sự phải rời bỏ quyền lực.
 
Từ Cairo, đặc phái viên của RFI, Veronique Gaymard tường trình :
 
Sáng nay, ngày bầu cử thứ hai, người ta vẫn chứng kiến đoàn người xếp hàng dài chờ đợi bỏ phiếu. Trước các trường học được lấy làm địa điểm bỏ phiếu, các cử tri, trong đó không ít người lần đầu đi bầu cử, bày tỏ hy vọng lần này tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe. Nhưng ngay trước khi bước vào phòng bỏ phiếu, nhiều người vẫn còn lưỡng lự chưa biết định chọn ứng cử viên nào.

Một số dấu hiệu bất thường đã được thông báo trong ngày bầu cử hôm qua. Ví dụ như, truyền đơn được phân phát trước các phòng bầu cử, các lá phiếu bầu đã điền sẵn hay các nhân viên giám sát bầu cử đến quá muộn khiến cho một số địa điểm bầu cử không bắt đầu được.

Trên quảng trường Tahrir, tâm điểm của làn sóng phản kháng mà các cuộc bạo động tuần qua đã làm hơn 40 người chết và hàng nghìn người bị thương, vẫn còn rất đông người biểu tình vẫn tiếp tục cắm trại.

Quan điểm của họ về cuộc bầu cử cũng rất khác nhau. Một số người quyết định tẩy chay bầu cử bằng cách không đi bỏ phiếu, một số khác thì lại muốn tham gia bỏ phiếu, nhưng sau đó vẫn trở lại chiếm giữ quảng trường, cuối cùng là có những người cố tình gạch nhiều tên để lá phiếu của mình trở nên bất hợp lệ.

Người biểu tình vẫn tiếp tục đòi giới quân sự ngay lập tức phải ra đi và giao lại quyền lãnh đạo cho chính phủ cứu quốc.