Xung đột xã hội gia tăng tại các nhà máy Trung Quốc
Tại một công trường xây dựng ở Thượng Hải, 14/11/2011. REUTERS/Aly Song
Sa thải công nhân, áp dụng các quy định giờ làm việc khắt khe hơn hay di dời nhà máy đi chỗ khác là một trong những biện pháp mà nhiều nhà máy Trung Quốc đang áp dụng nhằm chống chọi lại khủng hoảng kinh tế.
Việc này đã gây ra làn sóng bất bình trong giới công nhân. Đây là chủ đề trên Le Monde hôm nay qua bài « Xung đột xã hội gia tăng ở các nhà máy tại Trung Quốc ».
Theo con số thu thập của ngân hàng HSBC, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11 chỉ đạt có 48 điểm cho thấy số lượng đơn đặt hàng đã giảm đến mức thấp nhất kể từ gần ba năm nay. HSBC ghi nhận các hoạt động sản xuất đang có xu hướng co cụm lại. Bài báo nhận xét tháng 11 cũng là tháng nhiều xáo động nhất. Le Monde liệt kê một loạt các vụ đình công xảy ra tại nhiều nhà máy từ các xí nghiệp chuyên chuyên gia công các linh kiện máy vi tính cho hãng Apple, IBM, đến các xí nghiệp đóng chai cho tập đoàn Pepsi, hay gia công cho các thương hiệu giày New Balance, Nike, và đồng hồ Citizen … Theo Le Monde, nguyên nhân của các vụ đình công là do bị đe dọa sa thải, hay phải làm việc trong điều kiện giờ giấc khắc nghiệt (từ 18 giờ đến nửa đêm), và do nhiều xí nghiệp di dời đến những vùng khác tại Trung Quốc, những nơi có giá nhân công rẻ hơn. Le Monde giải thích, đối với một số xí nghiệp, « di dời nội bộ » được xem như là một giải pháp nhằm chấm dứt nỗi bất an cho những người lao động di cư phải sống xa gia đình. Hơn nữa, do phải đối mặt với giá nhân công ngày càng cao, thì giải pháp này một mặt có thể giúp Trung Quốc né tránh được việc làm sẽ bị dịch chuyển sang khu vực Đông Nam Á và mặt khác, cho phép các tỉnh duyên hải nghĩ đến việc nâng cấp các dòng sản phẩm của mình. Tuy nhiên, giải pháp này không phải không gây lo âu cho người lao động.
Theo nhận định của Hiệp hội China Labour Bulletin, thì tại những nơi các xí nghiệp dời đến, người lao động tại đây tự hỏi liệu các xí nghiệp này sẽ tồn tại được bao lâu, trong khi vào lúc này đây, nhu cầu thế giới đang chựng lại. Trong tình hình này, về phần giới chủ, một số doanh nghiệp phải tăng lương để cầm chân công nhân dù lạm phát đang cao.
Bởi lý do rất đang giản là ngày nay với sự phát triển rầm rộ của các trang mạng xã hội, công nhân cũng không ngần ngại bỏ doanh nghiệp nếu có điều kiện. Về phần chính quyền, một số tỉnh thành công nghiệp như vùng Đông Quản đã đề ra các chính sách giảm thuế doanh nghiệp hòng giữ chân các nhà đầu tư. Le Monde cho rằng những lời ta thán của giới công nhân cũng rất là cổ điển : phải cải thiện phương pháp quản lý quá lạc hậu.
Một số doanh nghiệp hiện nay vẫn còn duy trì « hệ thống trả lương theo sản phẩm và ấn định quota sản lượng hàng ngày khó có thể tuân thủ được ». Cuối cùng, Le Monde cho biết sở dĩ đình công có thể lan rộng bắt đầu từ vụ việc một nữ công nhân không đủ vốn ngôn ngữ để giao tiếp, đã bị một quản đốc phân xưởng mắng mỏ là : « Vậy thì mày hãy đi nhảy lầu và xuống địa ngục đi !». Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Pakistan trở nên trầm trọng Kể từ sau vụ đội đặc nhiệm Mỹ hạ sát Ben Laden ngay trên lãnh thổ Pakistan hồi năm rồi, quan hệ song phương giữa hai nước đã xuống cấp trầm trọng.
Với vụ quân của liên minh Bắc Đại Tây Dương hạ sát nhầm làm thiệt mạng 24 quân nhân của Pakistan đã khiến cho mối căng thẳng này rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Đây cũng chính là đề tài mà nhật báo Le Monde số ra hôm nay quan tâm đến qua bài tựa « Căng thẳng Mỹ và Pakistan trở nên nghiêm trọng ». Le Monde cho biết, ngay ngày hôm sau vụ việc xảy ra, chính quyền Pakistan lập tức giận dữ lên tiếng, mô tả sự xâm lấn này là « một sự vi phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ Pakistan » và tuyên bố sẽ có những hành động trả đũa gây tổn hại nghiêm trọng cho mọi chiến lược của NATO. Hiện tại, chính phủ Pakistan đã ra quyết định chặn các đoàn xe dân sự tiếp tế cho Nato từ cảng Karachi - tuyến đường vận chuyển khoảng 40% hàng hậu cần cho NATO.
Islamabad cũng đã yêu cầu CIA, trong vòng 15 ngày phải rời khỏi khu căn cứ không quân tại Shamsi - tại đây các chiếc máy bay không người lái có thể cất cánh nhắm vào các khu đền của Al-Qaida và quân nổi dậy Taliban trong các vùng bộ tộc người Pashtun thuộc khu biên giới Pakistan và Afghanistan. Thậm chí, thông qua báo chí, chính quyền Islamabad còn ngỏ ý rằng bà Ngoại trưởng Hina Rabbani Khar có khả năng tẩy chay hội thảo quốc tế về Afghanistan, dự kiến sẽ diễn ra tại Bonn ngày 5/12 sắp tới – nhắm tới việc ổn định Afghanistan sau khi các lực lượng nước ngoài rút quân vào năm 2014. Theo Le Monde, hiện tại không ai biết sự thật của vụ việc. Mỗi bên thuật lại một kiểu. Le Monde tự hỏi « thật ra chuyện gì đã xảy ra hôm thứ bảy khoảng hai giờ sáng tại ngôi làng Salala, tọa lạc trong khu vực bộ tộc Mohmand, gần với biên giới Afghanistan ? ». Theo lời thuật lại của Tổng tư lệnh quân đội Pakistan, hai đồn quân sự trú tại khu vực này đã rơi vào tầm ngắm của trực thăng và máy bay tiêm kích của NATO, khi vượt qua biên giới mà không có lý do rõ ràng. Về phần mình, Nato và Mỹ tỏ ra lúng túng. Hiện tại, họ chỉ biết chia buồn với nạn nhân và hứa sẽ làm rõ vụ việc.
Trong khi đó, tại Bruxelles, Tổng thư ký Nato lấy làm tiếc về một « sự cố bi thảm và không cố ý ». Tuy nhiên, một cách không chính thức, các quan chức phương Tây tại Kabul cho rằng có nhiều loạt đạn đến từ phía Pakistan nhắm vào lực lượng Mỹ - Afghanistan đang hoạt động tại tỉnh Kunar gần biên giới Afghanistan. Le Monde nhận xét dường như sự cố xảy ra không đúng lúc, vì vào lúc đây hơn ai hết Washington cần sự hỗ trợ của Pakistan để thuyết phục các lãnh tụ Taliban, đang tỵ nạn trên vùng lãnh thổ này, nhằm đạt một giải pháp chính trị. Liên đoàn Ả Rập trừng phạt chính quyền Syria Liên quan đến tình hình thời sự tại Syria, báo Le Monde cho biết "Liên đoàn Ả rập công bố lệnh trừng phạt chưa từng có chống lại chế độ Bachar Al-Assad". Mỗi ngày trôi qua, chế độ Syria ngày càng trở nên cô lập trên chính trường quốc tế.
Sau khi đã đình chỉ việc kết nạp Damas vào tổ chức này, hôm chủ nhật 27/11 vừa qua, Liên đoàn Ả Rập đã thông qua lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có chống lại một trong những thành viên của khối. Và các biện pháp này sẽ được triển khai thực hiện ngay lập tức, bao gồm ngưng các hoạt động giao dịch với ngân hàng trung ương Syria. Duy có hai nước tỏ ý định tách ra khỏi lệnh trừng phạt : đó là Liban và Iraq.
Từ lâu, buôn lậu giữa hai nước Liban và Syria khá phổ biến, một số ngân hàng của Liban còn nhằm giúp Syria né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ và Châu Âu đang có hiệu lực. Về phần Iraq, đây lại là đối tác thương mại hàng đầu của Syria với tỷ trọng giao dịch chiếm khoảng 13,3%. Le Monde cho biết, kể từ khi biến loạn nổ ra, Syria bị mất hai nguồn thu chính : du lịch và dầu lửa, bị ảnh hưởng nặng nề do lệnh cấm vận của Liên hiệp Châu Âu ban hành hồi tháng 10 vừa qua.
Trước đây, 90% trong số 400 ngàn thùng được sản xuất mỗi ngày đều được bán sang Châu Âu. Vấn đề là một phần lớn số dầu này thuộc loại dầu thô nặng, đòi hỏi kỹ thuật tinh chế tương thích. Do đó, không dễ gì tìm được khách hàng thay thế. Mặt khác, các cảng biển của Syria lại không thuận tiện cho các loại tàu chở dầu lớn. Việc này gây cản trở cho những khách hàng lớn xa xôi như Trung Quốc. Hậu quả là dầu thô thì đầy thùng, nhưng lại thiếu dầu mazut. Trước mắt, Damas đang trông mong vào khả năng xuất khẩu dầu sang Iraq thông qua đường ống dẫn dầu nối liền hai nước, đã từng được sử dụng dưới thời Saddam Hussein. |