Trung Quốc đã không ngừng gia tăng sức ép trên Ấn Độ trong hồ sơ Tây Tạng với những đòi hỏi phi lý.
Thủ tướng chính phủ Tây Tạng lưu vong, Lobsang Sangay, chào đón Đức Đạt Lai Lạt Ma, tại Dharamsala, 08/08/2011 REUTERS
Chính sách ngoại giao quyết đoán của Bắc Kinh đối với các láng giềng càng lúc càng vấp phải phản ứng cứng rắn : Ấn Độ vừa quyết định hủy bỏ một cuộc gặp quan trọng về biên giới với Trung Quốc sau khi bị gây sức ép trên vấn đề Tây Tạng.
Đây là lần thứ hai trong không đầy 10 ngày mà các đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh đối với New Delhi bị chính thức bác bỏ. Trên nguyên tắc, vào ngày mai 28/11/2011, đại diện cao cấp đặc biệt của Ấn Độ và Trung Quốc sẽ gặp nhau để thảo luận về vấn đề biên giới hai nước, đã từng là nguyên nhân làm xung đột bùng lên giữa hai bên trong thời gian trước đây. Tuy nhiên vào giờ chót, hôm 26/11 vừa qua, cả New Delhi lẫn Bắc Kinh đều cho biết là cuộc họp đã bị đình hoãn, nhưng không cho biết lý do. Theo hãng tin Pháp AFP, một quan chức cao cấp bộ Ngoại giao Ấn Độ - xin giấu tên - vào hôm nay đã xác nhận là sở dĩ cuộc họp bị dời lại, đó là vì Bắc Kinh đã yêu cầu New Delhi cấm không cho Đức Đạt Lai Lạt Ma đến nói chuyện tại một Đại hội Phật giáo ở thủ đô Ấn Độ vào thứ Tư 30/11 tới đây. Theo viên chức này, Ấn Độ đã bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc với lý do là lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng có quyền tự do phát biểu trên các vấn đề tâm linh. Do việc đòi hỏi của Bắc Kinh không được đáp ứng, cuộc họp bàn về vấn đề biên giới Ấn-Trung đã bị hủy bỏ, dù đã được dự trù từ lâu. Xin nhắc lại là là kể từ hôm nay, các lãnh đạo tôn giáo và học giả từ 32 quốc gia trên thế giới tề tựu về thủ đô Ấn Độ để tham gia Đại hội Phật giáo Toàn cầu năm 2011. Đức Đạt Lai Lạt Ma, một nhân vật bị Bắc Kinh căm ghét, được mời đến thuyết giảng nhân ngày bế mạc Đại hội vào thứ Tư.
Nguồn tin từ văn phòng Đức Đạt Lai Lạt Ma vào hôm nay xác nhận là Ngài sẽ đến nói chuyện tại Đại hội Phật giáo Toàn cầu như dự kiến. Đây là lần thứ hai trong không đầy một chục ngày mà New Delhi chính thức bác bỏ một số yêu sách của Bắc Kinh mang tính chất can thiệp vào công việc nội bộ của Ấn Độ.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào tuần trước tại Bali, Indonesia, trong cuộc gặp song phương với đồng nhiệm Trung Quốc Ôn Gia Bảo, thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã khẳng định rằng New Delhi vẫn tiếp tục tiến hành việc thăm dò dầu khí ngoài Biển Đông, tại vùng Việt Nam giao quyền khai thác vì đó là một vấn đề “thuần túy thương mại”. Tuyên bố này đã phản bác các lập luận từng được Bắc Kinh đưa ra trước đó, cho là tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ ONGC Videsh đã xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc khi hợp tác với Việt Nam. Ông Singh còn khuyên Trung Quốc là nên giải quyết các vấn đề chủ quyền trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế. Theo báo chí Ấn Độ, Trung Quốc đã không ngừng gia tăng sức ép trên Ấn Độ trong hồ sơ Tây Tạng với những đòi hỏi phi lý. Báo trên mạng Asian Age tường trình lại là thoạt đầu, Bắc Kinh yêu cầu New Delhi không cho Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại Đại hội Phật giáo Toàn cầu.
Bị từ chối một cách lịch sự, nhưng kiên quyết, Trung Quốc yêu cầu không tổ chức Đại hội.
Ấn Độ trả lời rằng đó là một cuộc họp tôn giáo mà chính quyền không có quyền ngăn cấm. Đến lúc đó, Bắc Kinh mới đe dọa hủy bỏ cuộc họp về biên giới đã dự trù. Theo tờ Asian Age, câu trả lời của New Delhi là : “Nếu thế thì cứ tự nhiên”. |