Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-11-2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-11-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Chúa Nhật, 27 Tháng 11 Năm 2011 13:10

Trung Quốc : “Chủ nợ” đáng ngại của châu Âu

 

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (trái) và tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại Thượng đỉnh G20, Canne, 3-4/11/2011
REUTERS/Christian Hartmann

 

Tạp chí kinh tế Pháp L’Expansion tuần này rất chú ý đến Trung Quốc, nhưng dưới khía cạnh “Tại sao Trung Quốc gây lo ngại”, hàng tít lớn trang bìa.

 Lo ngại đây là đối với châu Âu. Tạp chí liệt kê một loạt lãnh vực, từ tài chánh, hạ tầng cơ sở đến bằng sáng chế. L’Expansion chú thích bên cạnh bức ảnh Hồ Cẩm Đào trên trang bìa : "Chủ tịch Trung Quốc đặt châu Âu dưới sức ép".

 Ở trang trong, L’Expansion nhìn thấy là Trung Quốc đang đi chợ tại một châu Âu suy thoái, và không còn thái độ khiêm nhường như trước đây.

 L’Expansion nêu ví dụ tại cuộc họp Thượng đỉnh nhóm G20 tại Cannes đầu tháng 11/2011, chủ tịch Trung Quốc đến muộn khiến tổng thống Pháp đứng chờ đến 10 phút trên thềm.
 
Sự kiện đã gây ngạc nhiên, nhất là khi mà chủ tịch Hồ Cẩm Đào vốn luôn tỏ ra rất tôn trọng các nghi thức.

Tạp chí nhận thấy rõ ràng là Trung Quốc đã biến đổi, giàu lên, tỏ sức mạnh, ngược lại với một châu Âu không tăng trưởng, cũng không có thống nhất trên mặt chinh trị và nhất là bị nợ đầm đìa.
 
Tạp chí nhắc lại là trước Hội nghị G20, chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, Van Rompuy đã đến Bắc Kinh : Châu Âu cần từ 50 đến 100 tỷ euro cho Quỹ Bình ổn Tài chính FESF. L’Expansion cho là Bắc Kinh chưa ký "ngân phiếu", nhưng trong mắt cộng đồng quốc tế thì Trung Quốc đang có một quy chế mới. Đó là người chủ nợ chính thức của châu Âu.
 
Theo L’Expansion, có lẽ Trung Quốc đang là chủ nợ thực sự. Bắc Kinh đã can thiệp một cách kín đáo và hiện nắm 630 tỷ công trái bằng euro, trong lúc mà đầu tư của Trung Quốc, trực tiếp nhắm vào các công ty xí nghiệp tại các quốc gia châu Âu không ngừng gia tăng, tăng gấp 6 lần từ 2008 đến 2010.
 
Chỉ trong 6 tháng từ tháng 10/2010 đến tháng 3/2011, đầu tư trực tiếp Trung Quốc lên đến 64 tỷ euro.

 Tạp chí kinh tế Pháp trích dẫn các chuyên gia cho là sau châu Phi, châu Âu là sân chơi tương lai Bắc Kinh. Theo kế hoạch 5 năm 2011- 2016, Trung Quốc phải có được công nghệ học tiên tiến, bằng sáng chế, kỹ năng công nghiệp và nhãn hiệu nổi tiếng.
 
L’Expansion lược qua những gì mà Trung Quốc đã thâu thập ở châu Âu : Mua từ các tập đoàn xe hơi, Rover của Anh, Volvo, Saab của Thụy Điển đến vườn nho Bordeaux của Pháp, không kể các tập đoàn sản xuất máy móc công nghệ cao, như Baudouin hay NFM Technologies, hay những hạ tầng cơ sở cảng như Pirée ở Hy lạp, hay Napoli ở Ý.
 
Theo l’Expansion, đây chỉ mới là đợt đầu cuộc tấn công của Trung Quốc.

 Với con số 3.620 tỷ euro mà Trung Quốc đang nắm trong tay - tiền dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương cộng với dự trữ Ngân hàng Hồng Kông và các quỹ đầu tư nhà nước - Bắc Kinh có thể mua đến 80 tập đoàn hàng đầu của châu Âu, và cũng có thể mua lại cả nợ công của Ý và Pháp.
 
Nhưng điều làm cho tạp chí L’Expansion khó chịu là Trung Quốc hiện đang sử dụng những nhóm thế lực để gây sức ép lên Bruxelles và nhất là chơi trò chia rẽ giữa các quốc gia trong Liên Hiệp. Qua các mối quan hệ song phương với các quốc gia yếu, Bắc Kinh đã xây dựng một thế lực hậu thuẫn cho họ : Ý, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Tây Ban Nha, tập trung 30% đầu tư và hợp đồng thương mại Trung Quốc, các nước Đông Âu cũ gần 10%. Đối với những nước đang gặp khó khăn, Trung Quốc đã trở thành cứu tinh cuối cùng để cứu vãn tình hình.
 
Nhưng Trung Quốc không chỉ gây lo ngại vì tham vọng kinh tế tài chính.

L’Expansion còn nêu lên một lãnh vực khiến cả châu Âu lẫn Mỹ quan ngại : Quốc phòng. Từ chiến đấu cơ, hàng không mẫu hạm, hỏa tiễn, "dựa theo" công nghệ học của Nga, Trung Quốc đã xây dựng một quân đội hiện đại và cả một công nghiệp quốc phòng đầy cao vọng.
 
Tạp chí cũng nhắc lại là ngân sách quốc phòng Trung Quốc trong năm 2010 là 119 tỷ đô la, 2,1% GDP, trong lúc của Nga chỉ là 58,7 tỷ. Dĩ nhiên không thể so với Mỹ là 698 tỷ. Trong thập niên qua, Trung Quốc đứng hàng thứ sáu trong lãnh vực xuất khẩu vũ khí.
 
Dân chúng Rangoon lạc quan trước các thay đổi ở Miến Điện

Dưới tựa đề “Những bước tiến nhỏ đến dân chủ”, ngay trang bìa, tạp chí Pháp Courrier International quan tâm đến Miến Điện, và nhắc lại những cải tổ đang thực hiện.

 Nhưng điều mà tạp chí - trích dịch báo Hồng Kông, South China Morning Post - nêu bật là tâm lý lạc quan của người dân trước các diễn biến mới nhưng cũng đượm vẻ ngờ vực khó tin, với câu hỏi phải chăng họ đang thực sự có tự do?
 
Tại Rangoon, tác giả bài báo nhận thấy rõ điểm khác biệt so với trước đây, là ảnh của anh hùng Aung San và của người con gái, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi được bày nhan nhản ở hiệu sách, và được bày bán ở ngoài đường.

Người chủ tiệm sách tỏ vẻ lạc quan, cho là ông chỉ trưng bày ảnh mới tuần lễ qua mà thôi. Trước đây, việc này sẽ gây phiền hà không ít, như giờ đây ông nghĩ là sẽ không như thế. Mọi việc đang bắt đầu thay đổi.
 
Nhưng cũng có người vẫn còn sợ và cẩn thận, như Ohn Kyaw, nhân viên kế toán trong một công ty du lịch, thì đi vội qua các tấm ảnh bày bán, đi xa đến một góc đường, ông mới giải thích là ông không muốn người ta nhìn thấy ông xem ảnh, chắc chắn đây là một cái bẫy. Ông rất muốn tin là kiểm duyệt được nới lỏng, internet được tự do hoá... nhưng ông không thể !
 
Một người khác thì nhìn thấy một khiá cạnh đáng lạc quan khác : Tin Tin, 47 tuổi, bán cẩm thạch, khoe rằng ông vừa được giấy chứng minh thư mà ông đã chờ rất lâu và nghĩ rằng sẽ không bao giờ nhận được. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là ông được giấy tờ mà không phải đút lót cho ai.

 Những công chức mà ông đã gặp cho đó là quá khứ. Nếu như thế thì quả là thay đổi rất lớn lao.
 
Ngoài đường, theo bài báo, những tấm bảng kêu gọi người dân "diệt những kẻ âm mưu lật đổ chính quyền và những kẻ gián điệp" cũng đã biến mất. Nhưng cảnh sát vũ trang vẫn còn canh gác ở những điểm xem là chiến lược trong thành phố Rangoon. Sự hiện diện của họ cho thấy không nên xem thường những thách thức trong thời gian tới.
 
Lãnh đạo Miến Điện nhận hai phần thưởng quý giá nhờ cải tổ

Cũng về châu Á, tuần báo Anh The Economist tuần này đã xem xét các chuyển biến ở Miến Điện, vừa nổi lên tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Bali với quyết định của tổng thống Mỹ Barack Obama cử Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Naypyidaw ngay vào thượng tuần tháng 12 này.
 
Dưới tựa đề đầy hình tượng "Dụi mắt", hiểu là tưởng như là một giấc mơ, tạp chí Anh nêu lên hai sự kiện khó tin nhưng có thật liên quan đến Miến Điện : Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi thì tranh cử ghế dân biểu, còn Ngoại trưởng Mỹ bà Hillary Clinton thì ghé thăm các tướng lãnh.
 
Đối với The Economist, ngay cả sau một năm đầy những sự thay đổi thường là rất đáng ngạc nhiên, diễn biến nhanh chóng của các sự kiện ở Miến Điện vẫn có thể gây sửng sốt.

Ngày 18 tháng 11 vừa qua, chỉ một năm sau khi lãnh tụ của họ là bà Aung San Suu Kyi được trả tự do, sau một thời gian dài bị quản chế tại gia, đảng đối lập Miến Điện, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), cho biết sẽ chính thức trở lại chính trường và ra tranh cử nhân cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung sắp diễn ra.
 
Đảng này đã tẩy chay cuộc bầu cử năm ngoái, với lý do rằng sự kiện đó bị gian lận để thiên vị tập đoàn quân sự và các tay chân của chính quyền. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ngay sau đó đã bị loại khỏi danh sách các đảng chính trị.
 
Theo The Economist, tình hình lúc này đã khác : Đảng NLD cho biết là họ đã thỏa mãn với những thay đổi khác nhau trong luật bầu cử, còn chính quyền thì có vẻ hài lòng khi thấy đảng đối lập không còn bị cấm đoán.

 Bà Suu Kyi nói rằng bản thân bà sẽ ra tranh một chiếc ghế còn trống. Lãnh tụ đối lập là người rất được lòng dân, sự tham gia của bà sẽ mang lại cho Quốc hội tính chính đáng mà họ đang rất cần, mặc dù định chế này vẫn còn bị các đại biểu do quân đội lựa chọn chi phối.
 
Tổng thống Thein Sein, nhậm chức từ tháng Ba, và người chủ yếu chịu trách nhiệm về tiến trình mở cửa chính trị tại Miến Điện, đã nhận lãnh phần thưởng của mình nhân ngày hội hàng năm của Hiệp hội Đông Nam Á ASEAN ở Indonesia. Tại Bali, Miến Điện đã được trao quyền lên chủ trì khối Đông Nam Á vào năm 2014.
 
Đối với The Economist, đó quả là một bước đột phá ngoại giao to lớn vì những lần trước đây, yêu cầu của Miến Điện luôn luôn vấp phải sự phản đối của quốc tế do tình trạng nhân quyền tồi tệ tại nước này.
 
Thế nhưng, theo tuần báo Anh, phần thưởng thực sự lớn đối với Miến Điện đã được trao vào ngày 19 tháng 11, khi tổng thống Mỹ Barack Obama loan báo là Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, sẽ tới thăm Miến Điện vào ngày mùng 1 tháng 12. Bà sẽ là nhân vật Mỹ cao cấp nhất đến thăm Miến Điện từ khi quân đội lên nắm quyền vào năm 1962.
 
Theo The Economist, từ lâu nay, chính quyền Miến Điện đã thèm muốn một chuyến thăm cao cấp như thế, đã được Mỹ chấp nhận như là một phần thưởng cho việc Miến Điện đang thoát ra khỏi chế độ độc tài quân sự cũ. Tuy nhiên, đối với tuần báo Anh, cả Hoa Kỳ lẫn Miến Điện cũng đều được một yếu tố khác thúc đẩy: đó là Trung Quốc.
 
Trong hàng chục năm trời, vì bị cô lập về ngoại giao và kinh tế, Miến Điện đã rơi vào vòng ảnh hưởng của người hàng xóm khổng lồ ở phương bắc, vốn không hề ngần ngại trong việc làm ăn tại quốc gia giàu tài nguyên này.
 
Nhiều người tại Miến Điện đang quan tâm đến việc giảm bớt sự phụ thuộc của đất nước họ đối với Trung Quốc. Họ hy vọng rằng, sau chuyến thăm của bà Clinton, lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ được nới lỏng và đầu tư sẽ bắt đầu đổ vào Miến Điện.
 
Về phần mình, Hoa Kỳ cũng hy vọng tách rời được Miến Điện ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc trong khuôn khổ chủ trương gọi là « xoay trục » (pivot) của ông Obama hướng về châu Á. Một số người tại Miến Điện cũng có thể muốn rằng đất nước của họ sẽ không trở thành một địa bàn mới của sự đối đầu giữa các siêu cường.
 
Hồi hai cuộc Cách mạng Ả Rập tại Ai Cập

Tình hình Trung Cận Đông vẫn là một trong những hồ sơ lớn trong tuần, đặc biệt là các cuộc biểu tình ở Ai Cập, và cuộc bầu cử quốc hội diễn ra từ ngày mai. Trước các cuộc biểu tình rầm rộ trở lại trong tuần qua, Courrier International nói đến hồi hai cuộc cách mạng với 3 tác nhân : Quân đội, đường phố và giới Hồi giáo triệt để.
 
Courrier International trích báo giới Ả Rập, tại Luân Đôn và Cairo, nhìn thấy những gì người ta đang chứng kiến là sự tái diễn cuộc cách mạng khởi sự vào tháng Giêng. Người Ai Cập muốn tiếp tục cuộc cách mạng dang dở.
 
Quân đội Ai Cập, theo bài báo, đã sai lầm khi nghĩ rằng cuộc cách mạng nhắm vào gia đình phe phái Mubarak, nhưng không đụng đến chế độ. Chế độ vẫn có thể được duy trì, ngay trong trường hợp bầu cử. Bây giờ thì quân đội đã mất sự tin tưởng.
 
Tình hình hiện nay có vẻ không lối thoát. Không dễ tìm ra một giải pháp chính trị. Người biểu tình không muốn bầu cử. Đối với họ không phải lúc, họ đòi quân đội chuyển giao quyền lực lại cho một chính quyền dân sự càng sớm càng tốt.
 
Một số người đề nghị thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc để tiếp nối chính quyền quân sự, đảm trách giai đoạn chuyển tiếp. Dĩ nhiên quân đội khó chấp nhận nhượng bộ, nhưng không phải chỉ có giới quân đội, đảng Huynh đệ Hồi giáo cũng không muốn, vì họ tin chắc là sẽ thắng cử.
 
Ai Cập : Cuộc cách mạng chống phụ nữ

Trong cuộc cách mạnh đòi thay đổi chế độ hiện nay như nói trên tại Ai Cập, Courrier International còn thấy bóng dáng một cuộc cách mạng khác : Cách mạng chống phụ nữ.
 
Tạp chí trích dẫn nhật báo Al Masri al Youm, tại Cairo, cho biết người Ai Cập đang tung ra một cuộc cách mạng mà người ta không cho phụ nữ có vai trò gì cả, vì đây là cuộc cách mạng chống lại quyền lợi của họ.
 
Các tổ chức Bảo vệ gia đình, Hiệp hội Cứu gia đình, Cách mạng Nam giới Ai Cập đang vận động để hủy bỏ một số quyền lợi của phụ nữ, như quyền được ly dị. Họ vận động để xem xét lại những hiệp hiệp ước quốc tế về quyền của phụ nữ mà Ai Cập đã ký kết. Họ đã đạt được một kết quả cụ thể : Đó là bãi bỏ vấn đề quota dành cho phụ nữ ở Quốc hội.
 
Theo bài báo có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình hình này :

Thứ nhất là chính phu nhân tổng thống Mubarak, bà Suzanne Mubarak đã thay đổi các quy chế đối với phụ nữ bằng cách bổ sung luật về quyền lợi phụ nữ hay đưa vào những luật mới. Dĩ nhiên bà không phải một mình làm những chuyện ấy, nhưng đóng một vai trò then chốt trong Hội đồng Phụ nữ Quốc gia. Báo giới thường nhắc đến vai trò của bà cho nên những luật liên quan đến phụ nữ còn được gọi là "luật Suzanne Mubarak".
 
Lý do thứ hai của cuộc cách mạng chống phụ nữ hiện nay là luật về quyền lợi phụ nữ được áp đặt từ trên, không có thảo luận gì cả, xã hội Ai Cập kể như đứng ngoài, và nam giới bị buộc phải tuân thủ.
 
Cho nên lý do thứ 3 là nam giới Ai Cập nghĩ rằng quyền lợi của họ đã bị tước đoạt và được giao lại cho phụ nữ, như trong vấn đề quyền được giữ con trai trong trường hợp ly dị.
 
Ngay trước cuộc cách mạng vào đã khiến ông Mubarak phải từ chức, thì đã có nhiều người Ai Cập phản đối phụ nữ có được quyền hạn như nói trên. Giờ đây việc chế độ Mubarak bị lật đổ được họ xem như cơ hội tuyệt vời để giành lại quyền đã mất của họ, đồng thời xóa bỏ tàn tích hoạt động của bà Suzanne Mubarak mà họ rất nghét.