'' Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như đang đi dây..''
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng REUTERS
Thứ Sáu 25/11/2011 vừa qua, trong phần trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về vấn đề Biển Đông, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định trở lại chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trái với các công thức xáo mòn thường thấy khi đề cập đến hồ sơ Biển Đông, thủ tướng Việt Nam đã không ngần ngại xác định là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng võ lực đánh chiếm. Nội dung các phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng thực ra không có gì là mới lạ.
Tất cả những chi tiết được ông nêu lên đều đã xuất hiện trên báo chí Việt Nam, trong các công trình nghiên cứu về Biển Đông… Tuy nhiên, điều đã khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ chính là việc thủ tướng Việt Nam nêu đích danh Trung Quốc là thủ phạm cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974. Tính chất công khai của lời phát biểu cũng được giới phân tích ghi nhận vì các tuyên bố này vừa được trực tiếp truyền hình, vừa được công bố trên báo điện tử của chính phủ, vừa được báo chí Việt Nam loan tải nguyên văn một cách rộng rãi. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là ý nghĩa của sự kiện này là gì ? Trả lời phỏng vấn nhanh của RFI qua thư điện tử, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Úc (Đại học New South Wales), đã ghi nhận tính chất khác thường của sự kiện kể trên khi cho rằng « với việc thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trở lại chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đây là lần đầu tiên một lãnh đạo chính phủ Việt Nam công khai thừa nhận rằng quần đảo này đã bị Trung Quốc đánh chiếm bằng vũ lực vào năm 1974 ». Đối với giáo sư Thayer, sở dĩ người đứng đầu chính phủ Việt Nam phải công khai lên tiếng trên vấn đề này, đó là vì ông cần phải giải tỏa tâm lý bất bình của công luận Việt Nam đang nghi ngờ là chính quyền quá quỵ lụy Trung Quốc :
« Thủ tướng Dũng đã trả lời một loạt các câu hỏi về chủ quyền quốc gia của các đại biểu Quốc hội, vốn đã phản ánh tâm trạng lo ngại rộng khắp của giới trí thức và công chúng về các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, với hàm ý muốn xem chính quyền đã làm hết sức mình để bảo vệ chủ quyền quốc gia hay chưa ». Tuy nhiên, theo giáo sư Thayer, dù lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đã dùng võ lực để đánh chiếm Hoàng Sa, nhưng thủ tướng Việt Nam vẫn kêu gọi hai bên đàm phán hòa bình để giải quyết vấn đề Hoàng Sa, một yêu cầu từ trước đến nay vẫn bị Bắc Kinh bác bỏ. « Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thận trọng nhấn mạnh rằng Việt Nam mong muốn giải quyết vấn đề một cách hòa bình và kêu gọi Trung Quốc mở đàm phán. Đây là một yêu cầu đã nhiều lần bị Bắc Kinh từ chối ». Cho dù thủ tướng Việt Nam đã rất thận trọng trong phát biểu của mình, nhưng khi ông công khai hóa vấn đề tranh chấp, phía Trung Quốc có thể sẽ có phản ứng. Giáo sư Thayer kết luận : « Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như đang đi dây. Ông không nói gì khác hơn là những điều đã được các nhà đàm phán Việt Nam kín đáo nêu lên. Thế nhưng, khi nói chuyện trực tiếp với khán giả truyền hình, ông có thể gây ra một phản ứng từ phía Trung Quốc ». Dẫu sao thì phát biểu công khai của thủ tướng Việt Nam cũng bắn đi một tín hiệu đến phía Bắc Kinh, cho đến nay vẫn luôn luôn từ chối đàm phán với Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc coi như là của mình, bất chấp thực tế là vùng này đã bị họ dùng võ lực đánh chiếm.
|