Home Tin Tức Thời Sự Chủ tiệm Nail gốc Việt thắng kiện kỳ thị

Chủ tiệm Nail gốc Việt thắng kiện kỳ thị PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang / Người Việt   
Chúa Nhật, 27 Tháng 11 Năm 2011 08:07

-“Không tưởng tượng nổi là người ta đòi bồi thường $200,000 chỉ vì $2 đồng bạc.”

Đa số người Việt tại Hải Ngoại không nắm rõ hết những luật lệ tại Hoa Kỳ nên rất dễ bị thưa kiện vì những chuyện nhỏ nhặt tưởng chừng như rất bất hợp lý. Chúng tôi xin trích đăng lại bài viết của Người Việt để quý độc giả có thêm kinh nghiệm trong việc kinh doanh của mình, nhằm tránh được nhưng việc đáng tiếc làm mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức.

Chị Võ Thị Quang, chủ tiệm Nail First, tại Oxon Hill, Maryland, vừa
thắng vụ kiện bị nguyên đơn đòi bồi thường $200,000 chỉ vì $2
khác biệt. (Hình: Võ Thị Quang cung cấp)

OXON HILL, Maryland (NV) -“Không tưởng tượng nổi là người ta đòi bồi thường $200,000 chỉ vì $2 đồng bạc.”
Chị Võ Thị Quang, chủ tiệm móng tay Nail First tại Oxon Hill, Maryland, tâm sự với phóng viên nhật báo Người Việt như thế.
Chị nói rất vui khi thắng vụ kiện nêu trên, và cho biết gia đình chị đã quyết định đúng khi vay tiền, tìm luật sư đại diện.
 
Luật Sư Sandra Vũ Lê, thuộc công ty Fam Law, LLC, một trong những luật sư đại diện cho Nail First cũng vui mừng không kém.
Cô nói: “Chúng tôi rất vui mừng đã thắng kiện. Một phần cũng nhờ chị Quang can đảm quyết định đứng lên đòi công lý, trong khi nhiều người khác ở hoàn cảnh tương tự thường chọn giải pháp dàn xếp.”

Cách đây không lâu, khi biết tin mình bị một khách hàng kiện đòi bồi thường $200,000 thiệt hại, chị Quang vô cùng sửng sốt.
“Ai đòi bồi thường $200,000, mà tại sao?” Chị thốt lên.
Chị Quang cho biết, khi được giải thích rằng chị bị người khách có tên Derrick Hunter kiện, vì lý do kỳ thị giới tính, chị thật ngỡ ngàng.

Kỳ thị?
Bản thân chị Quang là một nạn nhân của nạn buôn người, khó khăn lắm mới thoát khỏi cảnh lưu đày, di dân đến Hoa Kỳ được gần 10 năm nay, cắm cúi làm ăn, dành dụm hơn bảy năm trời rồi mua tiệm nail mới được vài tháng. Dù làm chủ, chị vẫn phải tối ngày cặm cụi, vậy thì có lý do gì để kỳ thị ai?
Vả lại, lợi tức gia đình một phần nhờ vào tiệm Nail First. Chị Quang muốn đắt hàng, lo chiều khách hết mình còn chưa xong, tại sao lại phải kỳ thị?

Thật khó tưởng tượng!
“Thoạt đầu tôi thật buồn, tủi thân và lo lắng lắm.” Chị tâm sự.
Ông Derrick Hunter, một khách lạ, ở xa, đến tiệm Nail First làm móng chân vào đầu Tháng Giêng năm nay. Khi làm xong, ông Hunter đến quầy trả tiền và thấy tiệm niêm yết hai bảng giá: Một bảng đề “$18.00 Regular Pedicure” và bảng kia “$20.00 Gentlemen's Pedicure.”
Ông Hunter trả $20 rồi bỏ đi.
Chỉ ít lâu sau người khách lạ này nộp đơn lên tòa án Prince George's County Circuit Court) kiện là đã bị tiệm Nail First kỳ thị, tính ông $2 đắt hơn, vì ông là đàn ông.
Ông cáo buộc là dịch vụ làm móng chân mà ông phải trả giá $20 cũng giống y chang như dịch vụ móng chân dành cho phái nữ, và việc ông bị tiệm tính đắt hơn $2 là một hành vi kỳ thị giới tính.
Ông Hunter còn khai rằng vì bị kỳ thị như thế nên ông đã bị một cú sốc lớn, cảm thấy buồn khổ, mặc cảm và nhục nhã vì bị ép buộc phải trả $20 cho một dịch vụ mà người khác chỉ phải trả $18. Ông Hunter đòi Nail First bồi thường $200,000 cộng với lệ phí luật sư cho nỗi thống khổ mà ông phải chịu.

Muốn kiếm được $200,000, chưa trừ phí tổn, chị Quang tính ra là mình phải làm 10,000 bộ móng chân. Nếu tính trung bình mỗi ngày có 15 người khách, tiệm Nail First phải làm việc ròng rã hai năm trời không nghỉ, không ăn lương, vẫn chưa có đủ tiền để trả.
Càng nghĩ chị Quang càng chuyển từ buồn rầu qua uất ức.
Nhưng chị cũng không có nhiều thì giờ để lo lắng, chị có khách hàng phải tiếp, tiền nhà tiền điện phải trả, hai con phải nuôi. Chị và chồng bàn bạc, rồi quyết định vay một số tiền, mướn luật sư đại diện, vì quan niệm “mình làm ăn thật thà, chẳng có gì phải sợ.”
Tất cả những dịch vụ khác của Nail First có giá đồng hạng cho đàn ông và đàn bà, ngoại trừ dịch vụ làm chân.
Làm chân cho đàn ông kèm thêm những dịch vụ khác như thêm nhiều kem dưỡng da, massage chân, và bắp chân, mà làm chân thường không có.

Tuy nói là chẳng sợ, nhưng chị vẫn cứ run. Chẳng ai muốn phải tốn tiền, tốn thời gian, để ra hầu tòa. Nhưng chị và gia đình không còn chọn lựa nào khác.
Ngoài Luật Sư Sandra Vũ Lê, chị Quang còn được Luật Sư Keith J. Rosa, thuộc tổ hợp luật Abrams & West, đại diện nữa.
Phiên xử vụ kiện của chị vào ngày 27 Tháng Mười kết thúc nhanh chóng.
Một bồi thẩm đoàn sáu người ngồi chăm chú nghe lời khai của nguyên đơn Derrick Hunter và bị cáo Võ Thị Quang. Sau lời khai của hai bên, bồi thẩm đoàn chỉ thảo luận chưa đầy một giờ đồng hồ đã đi đến phán quyết là tiệm Nail First và chị Quang không kỳ thị ông Hunter khi bắt ông phải trả $20 cho dịch vụ làm chân đàn ông.

Sau phiên xử, Luật Sư Keith Rosa phát biểu là ông biết ơn bồi thẩm đoàn đã bình tâm lắng nghe trình bày của hai bên trước khi đi đến phán quyết của họ, và “quyết định của bồi thẩm đoàn cho chị Quang, và tất cả chúng ta, thấy rằng công lý cuối cùng đã thắng.”
Còn Luật Sư Sandra Vũ Lê thì cho rằng vụ kiện này rất quan trọng, qua đó các chủ nhân tiệm Nail có thể rút được kinh nghiệm là để tránh những trường hợp tương tự xảy ra. Khi tính tiền phải rất cẩn thận.
“Tùy theo luật tiểu bang, nhưng giá tiền phải rõ ràng, không thể tính tiền đàn ông và đàn bà khác nhau chỉ với lý luận chung chung như chân đàn ông to hơn, nặng nề hơn, nên tính đắt hơn.” Luật Sư Sandra nói.
Luật Sư Sandra cũng cho biết người đại diện cho ông Hunter là Luật Sư Jimmy Bell. Ông Bell trước đây tự đại diện mình kiện tiệm Richs Nail Salon, đòi bồi thường $200,000 trong một vụ kiện tương tự (Bell vs. Richs Nail Salon; Case No. 10-30503), đã được đăng trên báo Washington Post.

Ông Bell cũng đại diện hai thân chủ khác trong hai vụ kiện” Sydnor vs. Rich Nails Inc; Case No. CAL11-05447” và “Wiggs v. TT and C Nails; Case No. CAL11-04382.”
Trong cả ba trường hợp, chủ nhân của các tiệm Nail này đều dàn xếp đền nguyên đơn một số tiền không rõ bao nhiêu, bên ngoài tòa án.
Khi được hỏi nhờ đâu mà chị Quang đã thắng, Luật Sư Sandra trả lời: “Sở dĩ tiệm Nail First thắng là vì chị Quang chứng minh được dịch vụ làm chân đàn ông có kèm thêm những dịch vụ mà dịch vụ làm chân thường không có.”
Tuy đã thắng kiện, cả hai luật sư đại diện chị Quang đều cảnh báo các chủ tiệm Nail là thay vì để bảng giá theo giới tính (như Gentlemen's hoặc Regular Pedicure hoặc Ladies's Pedicure), nên để bảng theo dịch vụ như “Gold, Silver và Diamond Pedicure” để tránh những vụ kiện liên quan đến kỳ thị giới tính.

Còn chị Quang thì bảo tiệm Nail First bây giờ “tính giá đồng hạng cho chắc ăn,” vì không muốn tiếp tục là nạn nhân của những loại “khách lạ, ở xa” như ông Derrick Hunter kia nữa.