Một số người bị bắt khi 'tụ tập' ở Hà Nội |
Tác Giả: BBC |
Thứ Bảy, 26 Tháng 11 Năm 2011 21:45 |
"đang cầm sách đứng đó thì bị bắt lên xe, không rõ tại sao" Anh Nguyễn Văn Phương đã tham gia nhiều cuộc biểu tình hồi mùa hè
Những người này sau đó đã bị chở bằng xe buýt về Trung tâm Phục hồi Nhân phẩm Lộc Hà, Đông Anh. Trong số đó có những nhân vật đã từng tham gia nhiều cuộc tuần hành chống Trung Quốc hồi mùa hè ở Hà Nội, như Nguyễn Tiến Nam, Lê Dũng, Bùi Thanh Hiếu, Bùi Minh Hằng... Cuộc 'tụ họp và đi dạo' quanh Bờ Hồ bắt đầu khoảng 9 giờ sáng Chủ Nhật 27/11 nhưng chỉ kéo dài chừng nửa tiếng. Anh Nguyễn Chí Đức, người cũng từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong năm, nói với BBC khi đang trên đường đi thăm những người bị bắt: "Thực ra gọi cuộc tụ họp sáng nay là gì thì tôi cũng không dám chắc, vì những người có mặt ở Bờ Hồ không mang theo bất kỳ biểu ngữ gì và cũng không hô bất cứ khẩu hiệu nào". "Duy nhất chỉ có Nguyễn Văn Phương mang theo lá cờ đỏ sao vàng." Đang có cáo buộc chưa kiểm chứng được là anh Phương, một 'biểu tình viên' kỳ cựu, đã bị nhân viên công quyền đánh đập. Anh Nguyễn Chí Đức nói anh tới Bờ Hồ sau khi nhận được thông tin của bạn hữu, và thấy những người có mặt tụ tập thành một số nhóm rải rác, chứ không thành đoàn người như đa số các cuộc trước đây. 'Đi mua sách' Một nhân chứng khác có mặt tại hiện trường thì nói với BBC rằng khó có thể gọi hoạt động buổi sáng Chủ Nhật này là cuộc biểu tình vì quy mô nhỏ lẻ, và "cũng không thấy có hành động phản đối gì". Trong khi đó nhà báo Đoan Trang, người hiện đang bị giữ ở Đông Anh, nói chị đang đi mua sách, "đang cầm sách đứng đó thì bị bắt lên xe, không rõ tại sao". "Dường như cơ quan công an thành phố Hà Nội đã chuẩn bị sẵn, vì trên mạng mấy hôm gần đây có lời kêu gọi xuống đường ngày Chủ nhật 27/11 để "ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất và Quốc hội ban hành Luật Biểu tình". Kêu gọi này, được đăng trên một số trang blog, đề nghị tập trung dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, khu vực Hồ Gươm. Quốc hội Việt Nam đang tranh cãi việc có nên soạn thảo luật Biểu tình hay không. Trả lời Quốc hội ngày 25/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định "nên bắt tay nghiên cứu Luật Biểu tình" để đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra. Hàng chục cuộc biểu tình phản đối chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông hồi mùa hè, có cuộc quy tụ hàng trăm người, đã khiến giới chức Hà Nội phản huy động lực lượng công an đông đảo để giải tán. Các cuộc tụ họp đông người ở trong nước không được khuyến khích vì quan ngại an ninh và lo sợ rằng chúng sẽ chuyển sang thành chống chính quyền dưới sự 'kích động và lợi dụng của các thế lực phản động nước ngoài'. |