Home Tin Tức Thời Sự Phnom Penh hạn chế người nước ngoài lớn tuổi lấy vợ trẻ Cam Bốt

Phnom Penh hạn chế người nước ngoài lớn tuổi lấy vợ trẻ Cam Bốt PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Phương   
Thứ Bảy, 26 Tháng 11 Năm 2011 21:15

Người nước ngoài đến nhiều thì họ có nhu cầu lập gia đình lấy vợ đẻ con.

Một cặp vợ chồng mà chú rể là người nước ngoài; cô dâu người Cam Bốt.
DR

 

Cũng giống như Việt Nam hay Thái Lan, Cam Bốt thu hút ngày càng nhiều người ngoại quốc đến kiếm vợ, trong đó có khá đông người lớn tuổi lấy vợ Cam Bốt rất trẻ.

Để hạn chế tình trạng này, chính quyền Phnom Penh vừa ra những quy định mới về kết hôn giữa người nước ngoài với người Cam Bốt.

Từ Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan tường trình :
 

 Thủ đô Phnom Penh nói riêng và nhiều tỉnh thành khác trên cả xứ Chùa Tháp vào thời điểm 2011 rất khác so với năm 1979 khi chế độ Khmer Đỏ vừa bị sụp đổ.

Tất nhiên khi so sánh với thời gian năm 1975 thì Cam Bốt ngày nay thay đổi quá nhiều về phương diện đời sống xã hội và truyền thống.

 Chỉ nêu lên vài hình ảnh thôi, trên con đường Sisowath chạy dọc theo bờ sông Bassac, đoạn đường này cách cổng Hoàng cung Phnom Penh khoảng 2 cây số, là một dãy phố luôn được sửa mới và đầy quán bar phục vụ cho du khách cùng người nước ngoài đang làm ăn sinh sống tại Phnom Penh.

 Các bảng hiệu của những bar hay nhà hàng này cho thấy sự hiện diện của những người thuộc nhiều quốc tịch, người Ý có, Mỹ có, Pháp có, Nam Triều Tiên cũng có…Những ai đi dọc theo con đường này lúc chiều tối cũng có thể bắt gặp cảnh tượng huyên náo, đông đúc không khác một khu phố ở thành phố du lịch miền biển Pattaya nổi tiếng của Thái Lan.
 
Người nước ngoài đến nhiều thì họ có nhu cầu lập gia đình lấy vợ đẻ con. Và phụ nữ Khmer đa số trẻ trung gợi cảm lại không xài tiền phung phí như đàn bà phương Tây.

Có thể đây là một trong những điểm mà đàn ông nước ngoài thích chọn vợ nơi đây. Dĩ nhiên không loại trừ một chi tiết, họ muốn sinh sống ở đây nhiều năm thì việc lấy vợ người địa phương tiện lợi cho họ khi đi lại hay giao tiếp với chính quyền hoặc với mọi người trong xã hội Khmer.
 
Tuy nhiên, nhiều đám cưới hay các cặp vợ chồng da trắng, da đen với phụ nữ Cam Bốt đã sinh ra nhiều vấn đề không hay. Như chồng thì già quá, có ông trên 60 tuổi mà vợ thì đôi khi mới trên 20. Hoặc có khi người nước ngoài làm đám cưới giả rồi mang các cô gái trẻ Cam Bốt đi bán vào ổ chứa ở nước ngoài, coi đây là món hàng kinh doanh sinh nhiều lợi lộc.
 
Trong tình hình như thế, chính quyền đã nhảy vào can thiệp để binh vực cho công dân họ, hai là để ngăn chận tệ nạn buôn người.

 Vì thế một số quy định mới về việc lấy vợ đã được nhà nước ban hành. Theo quy định mới, đàn ông nước ngoài phải dưới 50 tuổi và thu nhập phải trên 2.500 Mỹ Kim một tháng mới được phép lấy vợ Cam Bốt.
 
Theo ông Koy Kuong, người phát ngôn Bộ Ngoại giao thì việc ban hành quy định mới để những cặp vợ chồng khác quốc tịch trông dễ coi hơn chứ trước đây có cặp vợ chồng thoạt trông tưởng như hai ông cháu dắt tay nhau đi dạo phố. Hai là quy định mới sẽ giúp cho nhiều cô gái trẻ Cam Bốt lấy được ông chồng có mức thu nhập cao để đời sống họ tốt đẹp hơn.
 
Các phản ứng về quy định mới trong cưới hỏi
 
Đầu tiên các nhà hoạt động chính trị đối lập và bảo vệ nhân quyền tỏ ý kiến không đồng ý với quy định của chính quyền.

Bà Mu Sochua, dân biểu đảng Sam Rainsy nói rằng, theo quan điểm của riêng bà, khi đi ngoài đường thấy một cặp vợ chồng chênh lệch tuổi tác và khác quốc tịch thì biết chắc ngay là cô gái Khmer trẻ đó đã bị mua. Theo vị dân biểu này, cách tốt nhất để giúp phụ nữ trong quốc gia là giáo dục và cung cấp cho họ nhiều thông tin để chọn lựa người đàn ông mà họ sắp lấy làm chồng.
 
Còn ông Ou Virak, Chủ tịch Trung tâm Nhân quyền Cam Bốt nói việc chính quyền can dự vào sinh hoạt cưới hỏi khiến người ta nhớ lại thời Khmer Đỏ, khi mà chế độ độc tài đó đứng ra sắp xếp làm đám cưới tập thể cho mọi người dân.

Theo ông điều quan trọng là chính quyền nên làm tốt chức năng quản trị đất nước hơn là can dự vào loại công việc như ban hành quy định mới về việc cưới xin trong quần chúng.
 
Cạnh đó nhiều lời chỉ trích cho rằng quy định mới chỉ làm cho vai trò người phụ nữ Khmer thêm thụ động như truyền thống từ xưa cho đến bây giờ đã đặt để cho phái yếu khi “chọn mặt gởi vàng”.

Theo con số thống kê về sức khỏe và dân số năm 2005 trưng ra thì trong tổng số 17.000 phụ nữ được hỏi ý kiến đã có đến 52% trong số này nói họ không có bất cứ can hệ gì đến chuyện chọn lựa chồng cho chính bản thân họ, điều này có nghĩa rằng cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Còn 27% lại nói họ không biết mặt chồng trước khi cưới hoặc chỉ biết anh ta vài tháng trước khi làm đám cưới sống bên nhau suốt đời.
 
Tuy nhiên đối với cô gái 23 tuổi như Men Soey Leap, hiện thời lấy một ông Mỹ làm chủ bar, thì có vẻ nói lên phần nào tâm trạng của nhiều cô gái ngày nay.

 Theo cô Leap, khi chồng muốn cô làm điều gì, cô sẵn lòng làm theo, nhưng đôi khi cũng không muốn làm vì không thích và cũng để biểu hiện cho sự tự do của cá nhân mình.
 
Các khe hở của quy định mới
 
Một ông già Mỹ tên Foucher hiện làm chủ bar ở khu vực Sisowath và đã cưới một cô gái Khmer 23 tuổi, cho biết ông không bận tâm về quy định mới của chính quyền ban hành cách đây vài tháng. Foucher chỉ ra một số điểm trong quy định mà theo ông khó thi hành trong đời sống xã hội. Do vì trong tình yêu, nếu chính quyền ngăn cấm, họ sẽ đi ra nước ngoài làm đám cưới.
 
Và nhà hoạt động nhân quyền Ou Virak lại chỉ trích nội dung các quy định mới là mâu thuẫn.

Như việc không áp dụng luật đối với phái nam Cam Bốt, những người muốn cưới phụ nữ nước ngoài thuộc mọi quốc tịch, ở mọi lứa tuổi cũng như có mức thu nhập hàng tháng khác nhau. Ông Virak còn nêu trường hợp, nếu một ông già nước ngoài trên 50 mà người vợ sắp cưới của ông chỉ nhỏ hơn ông có 2 tuổi, thì quy định mới sẽ giải quyết như thế nào đây?
 
Một trường hợp cụ thể mà chúng tôi được biết là có ông già người Việt trên 60 tuổi, làm nghề dạy học và vợ đã chết.

 Cuộc sống hàng ngày cô đơn, nên ông bỏ công đi lùng kiếm rồi cũng cưới được cô vợ trẻ người Khmer mới ngoài 20 tuổi. Cô gái này làm nghề công nhân may mặc nhưng đã thất nghiệp, nay gặp ông già nên đồng ý chung sống để có chỗ nương nhờ, khỏi phải về quê làm nặng gánh gia đình cha mẹ. Ông giáo già người Việt tuy trên 60 nhưng không lụ khụ như nhiều người lầm nghĩ, trái lại vẫn còn phong độ giúp cho cô vợ trẻ sinh một đứa con khỏe mạnh.
 
Qua nhiều chỉ trích về quy định mới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, ai không đồng ý có quyền kiện lên tòa, và trong tương lai, nếu xét quy định mới có tính chất vi hiến thì nhà nước sẽ hủy bỏ.